Chăn ấm Mèo Vạc

ANTĐ - Có thêm đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường nên vùng núi đá Mèo Vạc lại càng thêm giá buốt. Lần này lên Hà Giang, món quà mà Báo An ninh Thủ đô và Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà Mang theo là 600 chiếc chăn ấm cùng một số thiết bị âm thanh để dành tặng các trường học và bệnh viện huyện Mèo Vạc.

Vượt đèo trong biển sương mù

Ngay từ lúc xuất phát, bác Hà Đình Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà và Thượng tá An Văn Huân - Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô nói với cả đoàn: “Trời cành lạnh càng khiến chúng tôi nóng lòng được đến với Mèo Vạc để tận tay trao cho các em học sinh và bà con món quà nhỏ là những chiếc chăn ấm”. 

Tuy nhiên quãng đường hơn 500 cây số từ Hà Nội lên tới Mèo Vạc là hành trình không mấy dễ dàng. Qua TP Hà Giang, chiếc xe tải 2,5 tấn phải chuyển sang số thấp để bắt đầu vượt những khúc cua tay áo dựng ngược. 
Chăn ấm Mèo Vạc   ảnh 1 Cung đường chìm trong sương mù

Trước khi lên đường, chúng tôi nhận được lời khuyên của những người bạn ở Hà Giang là mùa này lắm sương mù, cố gắng vượt đèo sang Yên Minh sớm. Vì vậy, qua Cổng Trời rồi tới thị trấn Tam Sơn của huyện Quản Bạ, đoàn không dừng lại nghỉ mà vẫn cố đi tiếp. 

Điều mà chúng tôi không mong muốn vẫn cứ đến. Buổi chiều miền biên viễn sương giăng trắng trời. Còn cách thị trấn Yên Minh gần hai chục cây số, trước mặt chúng tôi chỉ là một màu trắng xóa. Đường nhỏ, bên phải là vực sâu hun hút nên bác tài xe tải tên Đồng của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim phải căng mắt và ngó sát kính chắn gió để dò đường. 

Ban đầu xe bật đèn pha nhưng không ăn thua, bởi chỉ có đèn vàng mới phá được màn sương dày đặc. Mặc dù đã được chia sẻ về kinh nghiệm này nhưng khi qua thị trấn Tam Sơn chúng tôi không tìm được cửa hàng bán miếng dán đèn nên đành vội vàng đi tiếp. 

Tắt đèn pha, bác tài chuyển sang chế độ đèn xi – nhan cảnh báo. Ánh sáng nhấp nháy này có chút tác dụng. Bám theo mép đường, chiếc xe tải nhích đi từng chút, từng chút. Tôi ghé mắt nhìn, chiếc kim tốc có lúc chỉ nhúc nhích sát con số 0 Km/h. 

Cứ thế, chiếc xe đi trong một biển sương mù dày đặc, thi thoảng mới có thể nhìn thấy vài ngọn thông mờ mờ bên đường. Mãi đến đoạn đường cách Yên Minh 7km mới thoát ra khỏi túi sương nơi đỉnh núi. Đi thêm chút nữa chúng tôi đã nhìn thấy ánh điện từ thị trấn, lúc ấy đã gần 7h tối. 

Quãng đường lên Mèo Vạc còn hơn 50 cây số đường đèo, với điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đoàn đành phải quyết định nghỉ lại ở Yên Minh để sáng hôm sau đi sớm. 

Tiếp tục hành trình vượt những dãy núi đá với những khúc cua mà theo lời bác tài là chẳng khác nào "đi trong lòng thúng". Hơn 9 giờ sáng, đoàn đã có mặt ở trung tâm huyện Mèo Vạc.

Ấm lòng giữa mùa Đông Mèo Vạc

Khi xe tiến qua cổng vào sân trường, chúng tôi đã gặp những ánh mắt chờ đợi, hồ hởi của các em học sinh cũng như thầy cô giáo Trường PTTH Mèo Vạc. Bắt tay các thành viên trong đoàn, cô Vi Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường PTTH Mèo Mạc không giấu nỗi xúc động: “Biết tin đoàn lên từ hôm qua, nên các em học sinh và cả các thầy cô giáo trong trường vẫn ngóng chờ”.
Chăn ấm Mèo Vạc   ảnh 2Từng chiếc chăn ấm được Thượng tá An Văn Huân - Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô gửi tặng các em học sinh

Không ngại trời mưa, các thầy cô giáo và các em học sinh đã nhiệt tình hỗ trợ đoàn chuyển các bao chăn từ xe tải xuống. Chỉ sau chốc lát chuẩn bị, từng chiếc chăn ấm đã được trao đến tay các em học sinh Trường PTTH Mèo Vạc. Bác Hà Đình Thái chia sẻ: “Trong 15 năm qua, chúng tôi có chương trình Chăn ấm mùa Đông cho học sinh nghèo các tỉnh miền núi. Hôm nay, cùng với Báo An ninh Thủ đô, chúng tôi có chút quà nhỏ, cũng là tấm lòng gửi tới các em học sinh ở Mèo Vạc để các em đỡ rét trong mùa Đông này”. 

Chăn ấm Mèo Vạc   ảnh 3 Món quà nhỏ từ tay bác Hà Đình Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà sẽ giúp các em bớt lạnh trong mùa đông này

Cho biết thêm về những khó khăn của học sinh Trường PTTH Mèo Vạc, cô giáo Hà Phương Thảo kể: “Cuộc sống của bà con ở Mèo Vạc rất khó khăn, chính vì vậy việc các em học sinh đến trường đã là sự cố gắng rất lớn. Nhiều gia đình cũng chưa thực sự quan tâm đến việc học của các em bởi vẫn giữ quan niệm để các em ở nhà làm nương, làm rẫy rồi dựng vợ, gả chồng sớm. Chính vì vậy nhiều lần các thầy cô giáo phải lặn lội đến tận nhà vận động để các em được tới lớp. Nhưng khi tới trường các em rất ham học, đây cũng là nguồn động viên giúp các thầy cô giáo gắn bó với Mèo Vạc”. 

“Nhiều em ở các bản giáp biên giới, cách trường vài chục cây số nhưng để tiết kiệm vẫn thường xuyên đi bộ về nhà mỗi dịp được nghỉ. Còn các em cách trường mười lăm, hai mươi cây số thì vẫn ngày ngày đi bộ tới trường. Với các thầy cô giáo, cuộc sống ở Mèo Vạc cũng gặp không ít khó khăn. Các thầy cô giáo trẻ ở dưới xuôi lên vừa nhớ nhà lại vừa phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, rồi thiếu thốn nước sinh hoạt”, cô giáo Thảo kể. 

Chăn ấm Mèo Vạc   ảnh 4Niềm vui hiện lên trên đôi mắt các cô giáo Trường PTTH Mèo Vạc


Rời trường PTTH Mèo Vạc, những chiếc chăn ấm tiếp tục được chúng tôi chuyển đến tay các em học sinh trường Trung học và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Mèo Vạc. Trò chuyện với chúng tôi, em Hoàng Văn Huy học viên lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, người dân tộc Dao nhà ở xã Xín Cái, cách trường gần 40 cây số cho biết: “Mùa đông ở Mèo Vạc lạnh lắm, nhiều hôm bọn em hai ba người phải chui vào ngủ cùng chăn cho ấm. Các chú, các bác tặng nhiều chăn thế này chúng em vui lắm, vì có thêm chăn là bớt đi cái lạnh. Chúng em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để cảm ơn các chú, các bác”. 

Chia sẻ với các thầy cô giáo và học sinh ở Mèo Vạc, Thượng tá An Văn Huân gửi lời động viên: “Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới, hôm nay chúng tôi lại được lên một vùng cao của tỉnh Hà Giang. Bằng tấm lòng của mình chúng tôi mang đến với các em một phần quà không nhiều nhưng ấm tình, ấm lòng. Chúc các thầy cô giáo công tác tốt và chúc các em học sinh tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong học tập”. 

Điểm đến cuối cùng của đoàn chúng tôi là Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Chưa kịp tiếp đoàn, Bác sỹ Tạ Tiến Mạnh – Giám đốc bệnh viện đã phải trực tiếp khám và chỉ định cấp cứu cho một bệnh nhân người dân tộc bị ngã gãy xương sườn khi đi làm nương. 
Chăn ấm Mèo Vạc   ảnh 5Chưa kịp tiếp đoàn, bác sỹ Tạ Tiến Mạnh đã vội khám cấp cứu cho một bệnh nhân vừa được chuyển đến

Nhận phần quà là những chiếc chăn ấm, Bác sỹ Mạnh xúc động nói: “Các bác, các anh lên với Mèo Vạc là điều rất quý, đây là sự động viên rất lớn cho anh em cán bộ đang công tác ở Mèo Vạc. Các phần quà hôm nay chúng tôi sẽ chuyển tận tay bà con khó khăn”. 

Chia sẻ thêm về tình hình hoạt động của bệnh viện, anh Mạnh cho biết: “Bệnh viện có 110 cán bộ trong đó có 15 bác sỹ, hàng ngày bệnh viện đón tiếp 100 – 120 bệnh nhân. Các bệnh thường xuyên ở đây là về nhi khoa, sản khoa và đặc biệt là các tai nạn sinh hoạt rất nhiều do điều kiện địa lý, địa hình. Cơ sở vật chất và các thiết bị y tế hiện mới chỉ đáp ứng được ở mức cơ bản chứ chưa đạt đến mức hiện đại hóa vì vậy cần nhận được sự đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn”. 

Rời Mèo Vạc, trong lòng mỗi người đều luyến tiếc vì muốn được ở lại lâu hơn, động viên các em học sinh, các thầy cô giáo, các bác sỹ… nhiều hơn. Ai cũng muốn được sớm quay lại nơi đây trong một ngày gần nhất. Rời Mèo Vạc, món quà nhỏ là bài hát Chiều đông Mèo Vạc của các em học sinh trường Trung học vẫn âm vang trong lòng mỗi người “Đá trước, đá sau, rừng đá chập chùng. Rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn, sống trên đá chết nằm trong đá, vẫn anh hùng vượt khó đi lên. Để hạt ngô, cho hạt thóc thêm nhiều, cho ánh điện thắp sáng lung linh, cho trẻ thơ tới trường học thêm cái chữ, cho bớt đi nghèo đói…”.