Dự án bất động sản có vốn FDI:

Chậm tiến độ, chậm luôn “sổ đỏ”

ANTĐ - Với 2.003 dự án và tổng số vốn lên tới 13,63 tỷ USD (theo đăng ký), Hà Nội là một trong những địa phương thu hút số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước trong hơn 10 năm qua. Trong đó, chỉ với 95 dự án nhưng số vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản lên tới 9,58 tỷ USD.

Đến thời điểm này, dự án của Công ty TNHH Booyoung Vina tại khu đô thị

Mỗ Lao, Hà Nội tiến độ triển khai rất chậm

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài vào Hà Nội phản ánh đúng thực tế thăng trầm của thị trường bất động sản (BĐS) trong hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giai đoạn thị trường BĐS Hà Nội sôi động nhất (từ 2006 - 2010), tổng số vốn đăng ký chiếm tới 74,1%. Đáng chú ý, năm 2008, thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cũng là lúc thị trường biến động mạnh nhất, số vốn đầu tư đăng ký đạt tới mức kỷ lục: 5 tỷ USD!

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, vài năm trở lại đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào BĐS tại Hà Nội đã chững lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong đó, có thể kể đến việc lãi suất ngân hàng ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do chính sách thắt chặt tín dụng. Thêm vào đó, thị trường BĐS đóng băng dẫn đến việc triển khai một số dự án BĐS cầm chừng hoặc ảnh hưởng đến lĩnh vực liên quan như thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng... Ngoài ra, còn có lý do thành phố tập trung xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn đến phải tạm dừng để rà soát lại hàng loạt các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư.

Đáng chú ý, TP phát hiện một số nhà đầu tư chỉ đăng ký dự án theo kiểu “giữ chỗ”, trong khi năng lực tài chính còn hạn chế. Kết quả, quá trình thực hiện dự án dài nhưng nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn triển khai do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Qua rà soát các dự án sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS, nhìn chung, các chủ đầu tư sau khi được giao mặt bằng để thực hiện dự án đều tích cực tập trung đầu tư xây dựng, sử dụng đất đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn có chủ đầu tư tự ý xây dựng sai quy hoạch được duyệt khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền như dự án EuroLand của Công ty TNHH TSQ Việt Nam tại Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông.

Ngoại trừ một số dự án quy mô diện tích nhỏ, chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, thì còn lại, phần lớn các dự án đều có tiến độ chậm hơn so với tiến độ được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án gặp khó khăn trong công tác GPMB (như dự án Khu đô thị Nam Thăng Long bắt đầu GPMB từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa xong). Bên cạnh đó, có một số chủ đầu tư sau khi nhận mặt bằng sạch vẫn chậm triển khai xây dựng như dự án của Công ty TNHH Booyoung Vina tại Khu đô thị Mỗ Lao. Đa số các dự án trong quá trình triển khai xây dựng đều đề nghị điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ. Liên quan tới việc cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân mua nhà tại các dự án này, các chủ đầu tư thường làm thủ tục chậm hơn so với yêu cầu. Đặc biệt, qua rà soát, TP phát hiện 4 dự án không triển khai, đề nghị phải thu hồi với tổng vốn đăng ký lên tới 312 triệu USD.

Về định hướng tới năm 2020, UBND TP Hà Nội cho biết, vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản. Trong đó, tập trung vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở, khu đô thị, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn...