Chấm dứt cảnh trắng đêm chờ xin học mầm non ở Hà Nội

ANTĐ - Với hơn 500.000 trẻ mầm non đến trường trong năm học 2016-2017, việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân đối với bậc học này là một áp lực lớn. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp khác nhau, công tác tuyển sinh bậc mầm non của Hà Nội đến thời điểm này không phát sinh bức xúc, không tạo điểm nóng với cảnh xếp hàng trắng đêm chờ xin học.

Bậc mầm non của Hà Nội chiếm gần 1/3 số học sinh toàn thành phố

Tăng cường cơ sở vật chất khối trường công lập

Theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay, hệ thống các trường mầm non trên toàn thành phố gồm 1.012 trường và hơn 1.700 nhóm lớp tư thục đáp ứng số trẻ đi học đến thời điểm cuối năm học vừa qua là hơn 528.000 trẻ. 

So với bậc tiểu học, THCS hay THPT thì số trẻ mầm non đến trường năm học tới chiếm số lượng lớn nhất. Điều này đồng nghĩa áp lực tuyển sinh bậc học này cũng tăng mạnh. Bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông cho biết, năm nay, quận Hà Đông đã tăng lượng chỉ tiêu tuyển sinh bậc mầm non lên gần 2.000 trẻ để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng lớn, đặc biệt là tại các khu đô thị mới. Tại huyện Đông Anh, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn nhất Hà Nội, bậc mầm non cũng chịu áp lực rất lớn bởi nhu cầu gửi trẻ của công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp này tăng mạnh. 

Để giảm sức nóng tuyển sinh mầm non tại đây, bà Đinh Thị Hương, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Anh cho biết, ngoài việc xây dựng một trường mầm non công lập của xã Kim Chung và một trường mầm non tư thục 12 nhóm lớp thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tháng 8 tới, trường mầm non Kim Chung 2 sẽ được khởi công.

Đặc biệt, khối nhóm lớp tư thục ở khu vực này cũng đang tăng nhanh với sự hỗ trợ của Phòng GD-ĐT Đông Anh cùng các trường mầm non công lập cùng địa bàn. “Đông Anh không còn bức xúc về tuyển sinh mầm non chính là do huyện đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của người dân cũng như các cán bộ, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long” – bà Đinh Thị Hương phân tích.

Việc Hà Nội tăng cường cơ sở vật chất ở khối công lập cùng với việc khuyến khích phát triển khối mầm non tư thục chính là biện pháp giúp cho bậc mầm non bớt áp lực. Bà Hoàng Thanh Hương cho biết, hiện Hà Nội có hơn 22% số trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, dân lập và các nhóm lớp.

“Với điều kiện hiện nay của Hà Nội, việc đầu tư xây thêm trường lớp là rất khó khăn. Do vậy, việc phát triển mạng lưới trường, nhóm lớp ngoài công lập đã đóng góp đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ mầm non, giảm áp lực cho các trường công lập khi mà trường mầm non công lập không thể đáp ứng mọi nhu cầu của phụ huynh” - bà Hoàng Thanh Hương đánh giá.

Tuyển sinh trực tuyến giúp minh bạch thông tin

Một trong những yếu tố khiến công tác tuyển sinh nói chung, bậc mầm non nói riêng của Hà Nội năm nay không căng thẳng là việc lần đầu tiên áp dụng phương thức tuyển sinh trực tuyến. Nếu như tại TP.HCM, năm nay tái diễn tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để xin vào trường mầm non thì tại Hà Nội, các điểm nóng nhất như khu công nghiệp, một số quận nội thành đều không xảy ra hiện tượng bất thường.

Bà Đinh Thị Hương đánh giá: “Việc áp dụng phương thức tuyển sinh trực tuyến giúp phụ huynh tiếp xúc trực tiếp với các thông tin tuyển sinh như kế hoạch chỉ tiêu, phân tuyến tuyển sinh, thủ tục hồ sơ đăng ký… Bên cạnh đó, phụ huynh thấy rõ tính minh bạch trong quá trình đăng ký trực tuyến vì sẽ nắm được mình đang ở vị trí thứ bao nhiêu, ở khu vực tuyển sinh nào”.

Bà Hương cho biết, do là năm đầu tiên thực hiện phương thức này nên số lượng phụ huynh khu vực Đông Anh tham gia tuyển sinh trực tuyến mới đạt trên 50%. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trong việc tuyển sinh trực tuyến sẽ được phát huy các năm sau và thu hút nhiều phụ huynh tham gia hơn.

Tại Hà Đông, bà Đường Thị Lệ khẳng định, việc triển khai tuyển sinh trực tuyến của Hà Nội năm nay đã tạo nhiều thuận lợi cho phụ huynh khi đăng ký xin học cho con. Các trường có phần vất vả khi phải hỗ trợ cho phụ huynh thực hiện các thao tác kỹ thuật nhưng với lợi thế do công nghệ mang lại, phụ huynh đã bớt phải đi lại mà vẫn nắm bắt tốt thông tin tuyển sinh.

“Nếu được chuẩn bị kỹ hơn và có lộ trình đầu tư, triển khai bài bản thì năm sau, công tác tuyển sinh trực tuyến sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn rất nhiều” - bà Đường Thị Lệ tin tưởng.