Chậm được bàn giao mặt bằng, nhà thầu đòi bồi thường tại dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện MRB Hà Nội cho biết, do việc GPMB dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội quá chậm khiến tiến độ dự án bị kéo theo, nhà thầu đã đòi bồi thường hàng chục triệu USD, và một số nhà thầu đã kiện lên trọng tài quốc tế để ép hoặc giãn tiến độ.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt vào tháng 4/2009, tháng 9/2010 được khởi công; năm 2013 được điều chỉnh.

Ngày 21/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1800/QĐ-TTg, điều chỉnh tiến độ kéo dài đến năm 2022. Dự án cũng đã được phép tách đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy để hoàn thành sửa vào vận hành trước.

Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Hà Nội - đại diện chủ đầu tư thông tin, thời gian qua tiến độ dự án đã có nhiều chuyển biển tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần được giải quyết để đảm bảo tiến độ chung, nhất là vướng mắc về mặt bằng.

Theo MRB Hà Nội, đến nay, các khiếu nại của nhà thầu xuất phát chủ yếu do nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng, có vị trí chậm đến 6 năm. Nhà thầu đã nhiều lần đưa ra yêu cầu bồi thường bằng tiền; đồng thời đề nghị được điều chỉnh thời gian thi công.

Dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đang bị chậm tiến độ tại nhiều gói thầu, nhà thầu liên tiếp đòi bồi thường, khiếu kiện lên trọng tài quốc tế

Dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đang bị chậm tiến độ tại nhiều gói thầu, nhà thầu liên tiếp đòi bồi thường, khiếu kiện lên trọng tài quốc tế

Theo thông tin từ các nhà thầu, số tiền bồi thường do chậm trễ bàn giao mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng tới dòng vốn lên đến hàng chục triệu USD. Nhà thầu cũng đã có văn bản gửi chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội, các nhà tài trợ và Đại sứ quán Hàn Quốc, Ý…đề nghị chấp thuận thanh toán khoản bồi thường này và đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 để gây sức ép với chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, có vị trí dù đã GPMB xong nhưng chậm bàn giao gây ảnh hưởng toàn diện đến tiến độ của cả dự án, đặc biệt là đoạn tuyến trên cao.

Trong khi đó, thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội vốn rất khó khăn phức tạp lại càng thêm khó. Trong đó đặc biệt là gói thầu CP06 - thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt do liên danh nhà thầu Astom - Colas Rail - Thales thực hiện.

Đại diện liên danh nhà thầu cho biết, hầu hết các thiết bị của dự án đều được sản xuất ở châu Âu, do ảnh hưởng dịch bệnh, công tác sản xuất cũng như vận chuyển về Việt Nam trong hai năm 2020 - 2021 đều gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ đầu tư và nhà thầu dù đã rất nỗ lực nhưng mới chỉ đưa được 8/10 đoàn tàu về nước, còn nhiều chi tiết của hệ thống thiết bị kỹ thuật vẫn phải tiếp tục chờ.

Mặt khác, việc lắp đặt thiết bị, hệ thống chạy tàu, do khu vực depot, thuộc gói thầu CP05 (các công trình kiến trúc khu Depot) tiến độ xây dựng chậm trễ nên bị ảnh hưởng toàn diện.

Gói thầu CP05 do Nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) đảm nhận. UBND TP đã có nhiều chỉ đạo, MRB Hà Nội cũng liên tục đôn đốc quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện vẫn tiếp tục chậm trễ, chuyển biến không đáng kể.

Việc chậm trễ của Hancorp đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của đoạn trên cao và kéo theo sự chậm trễ kéo dài của các gói thầu cơ điện CP06, CP07, CP08 gây thiệt hại cả về tiền, thời gian và niềm tin vào dự án.

Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội có 10 gói thầu chính thì hiện 3 gói (CP02, CP07, CP08) đã hết hạn hợp đồng, đang trong quá trình đàm phán, chưa ký được phụ lục bổ sung; 1 gói tạm gia hạn đến 31/12/2021 (CP05); 2 gói thầu sắp hết hạn (CP06 vào tháng 9/2021, tư vấn vào 31/7/2021).

Nguyên nhân chính chưa ký được phụ lục hợp đồng là việc tiến hành các thủ tục phê duyệt bổ sung chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng tại Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể. MRB Hà Nội phải xin ý kiến Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nên mất nhiều thời gian.

Đáng nói, trong khi chưa đạt được sự thống nhất về gia hạn thời gian hoàn thành trong hợp đồng- EOT, một số nhà thầu đã tiến hành khiếu nại, khiếu kiện lên trọng tài quốc tế hoặc dừng, giãn tiến độ thi công để gây sức ép cho chủ đầu tư.

Đại diện MRB Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đang nỗ lực cùng các bên và nhà thầu khắc phụ khó khăn để đưa dự án về đích đúng tiến độ.