Chậm đóng bảo hiểm y tế sẽ bị kỷ luật

ANTĐ - Trước thông tin gần 600 sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM sẽ bị kỷ luật nếu không tham gia bảo hiểm y tế, nhiều sinh viên mới giật mình vì vẫn cho đây là khoản đóng tự nguyện.

Chậm đóng bảo hiểm y tế sẽ bị kỷ luật ảnh 1Vẫn còn sinh viên hiểu không rõ về quy định bắt buộc đóng BHYT

Sinh viên bắt buộc phải đóng BHYT 

Trong năm học 2015 - 2016, các trường ĐH, CĐ tổ chức 3 đợt thu BHYT từ tháng 8 đến cuối tháng 11-2015 để đảm bảo sinh viên có thẻ BHYT trong 3 tháng cuối năm 2015 và cả năm 2016. 

Tuy đã thông báo rõ về thời hạn nộp BHYT nhưng toàn trường vẫn còn 568 sinh viên không tham gia BHYT theo quy định khiến trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM phải ra thông báo sẽ kỷ luật các sinh viên này với hình thức cảnh cáo nếu không nộp BHYT trước ngày 19-2-2016. Nếu bị kỷ luật cảnh cáo, những sinh viên này sẽ bị trừ điểm rèn luyện theo quy định. Ông Văn Chí Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Sinh viên, học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Điều này đã được Luật BHYT quy định. Vì vậy, việc thông báo, nhắc nhở hay kỷ luật cảnh cáo là để sinh viên nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình, tuân thủ đúng pháp luật hiện hành”.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, với trường hợp học sinh, sinh viên cố tình không tham gia BHYT, thẩm quyền xử lý thuộc về nhà trường. Việc trường đại học áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, trừ điểm rèn luyện sinh viên… chưa đóng BHYT chỉ mang tính hành chính nội bộ. Trong trường hợp nhà trường đưa ra những hình thức xử lý vượt quá thẩm quyền  thì mới bị coi là vi phạm pháp luật. 

Rà soát các trường hợp chưa đóng

Trước thông tin sinh viên chậm đóng BHYT, bạn Nguyễn Thùy Mỹ, sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) chia sẻ: “Không ai muốn trốn đóng BHYT nhưng phí BHYT hơi cao so với thu nhập của gia đình thu nhập thấp (gần 600 nghìn đồng - PV)”. Trước vấn đề này, ông Lê Đức Hưng, Trưởng trạm Y tế, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể liên hệ trực tiếp tại Phòng Công tác sinh viên của trường hay đơn vị phụ trách vấn đề này để trình bày hoàn cảnh. Từ đó, nhà trường mới có cơ sở hỗ trợ sinh viên. Được biết, học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo có thể tham gia BHYT tại địa phương để được hưởng quyền lợi cao hơn.

Cũng theo ông Lê Đức Hưng, sau 2 đợt đóng BHYT, toàn trường có khoảng 80% sinh viên đã nộp tiền. Giải thích về việc vẫn còn khoảng 20% sinh viên chưa đóng BHYT, ông Lê Đức Hưng cho biết: “Mặc dù nhà trường đã thông báo bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn sinh viên chưa nắm được quy định bắt buộc 100% sinh viên phải đóng BHYT. Hơn nữa, các em cũng chưa hiểu rõ quyền lợi của mình khi đóng BHYT. Việc đóng BHYT chậm sẽ khiến các em khi cần sử dụng dịch vụ này sẽ không được giải quyết”. 

Ông Lê Đức Hưng cho biết, trước mắt, để khắc phục tình trạng này, Ban giám hiệu nhà trường cần rà soát lại số lượng sinh viên chưa đóng BHYT và nguyên nhân chưa đóng. Có thể trong số này có đối tượng thuộc diện miễn đóng BHYT hoặc đã đóng ở địa phương…   

Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có khoảng 86 % học sinh, sinh viên thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc đã đóng. Trong 14% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, sinh viên chiếm tới 10%.