"Chấm điểm" doanh nghiệp Nhà nước để thu hút đầu tư

ANTĐ - Cơ quan chức năng đang xây dựng cơ chế để bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đây là giải pháp được cho rằng sẽ góp phần minh bạch, công khai hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, qua đó tạo đà đột phá, đổi mới trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

"Chấm điểm" doanh nghiệp Nhà nước để thu hút đầu tư ảnh 1Minh bạch thông tin được xem là giải pháp quan trọng đẩy nhanh cổ phần hóa 

Bộ vẫn muốn nắm vốn ở tổng công ty lớn

Thông tin về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp từ đầu năm tới nay, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 27-5, cả nước cổ phần hóa được 38 doanh nghiệp, trong đó có 6 tổng công ty. Đến cuối tháng 5, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại 61 doanh nghiệp, 77 công ty đang xác định giá trị doanh nghiệp. “Tốc độ cổ phần hóa trong quý I hơi chậm nhưng quý II đã tích cực hơn”, ông Đặng Quyết Tiến đánh giá. 

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ ra một số yếu tố cản bước cổ phần hóa: “Trước hết, danh mục doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP được ban hành từ năm 2015 chưa tạo được sự khuyến khích, thúc đẩy nhà đầu tư. Có thể nhà đầu tư cũng chờ đợi vì muốn xem những đổi mới, đột phá trong nhiệm kỳ mới và xem liệu sau khi trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), gia nhập TPP, Việt Nam có mở cửa rộng hơn với nhà đầu tư nước ngoài hay không”.

Một nguyên nhân nữa là một số bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối ở các tổng công ty lớn. Bộ Xây dựng là một ví dụ, tất cả doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đều có tỷ lệ Nhà nước chi phối rất cao nên bán không được. “Tại Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 49% cổ phần nhưng Bộ không cho. Đến khi đấu giá thì bán được rất ít và tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 90, làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp”, ông Tiến nêu ví dụ. 

Theo đại diện Bộ Tài chính, các nhà đầu tư muốn nắm giữ tỷ lệ cao là nhằm làm chủ “mặt trận” của mình. Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, ở vai trò là nhà quản lý, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra việc bán cổ phần để tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Không để doanh nghiệp lợi dụng việc thoái vốn để bán rẻ vốn Nhà nước, tạo lợi ích nhóm, kiếm lời từ cổ phần hóa, bóp méo hình ảnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thông tin mù mờ ai dám đầu tư

Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, bên cạnh việc lựa chọn cổ đông, xác định giá trị doanh nghiệp thì công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm. Hơn nữa, khi đã hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần minh bạch hơn, qua đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm hiểu thị trường trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp công bố trên các website. 

“Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra việc công khai thông tin của 8 tập đoàn. Cơ bản các tập đoàn đã đưa thông tin đầy đủ như báo cáo tài chính, còn thông tin về tình hình doanh nghiệp, chiến lược... sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Với những doanh nghiệp thay đổi về quản trị, thông tin đưa ra rất rõ ràng, minh bạch. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc và chấn chỉnh việc công khai thông tin. Đơn vị nào không công khai theo quy định sẽ bị nhắc nhở, đặc biệt sẽ đánh giá đối với người đứng đầu về việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Tiến nhấn mạnh.  

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, một trong những giải pháp đang được cơ quan chức năng xem xét thực hiện là chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các doanh nghiệp. Ông Đặng Quyết Tiến thông tin: “Chúng tôi đang phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Chúng tôi sẽ mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm. Các cơ quan liên quan khác như Bộ Tài chính hay cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền bỏ phiếu đánh giá”.

“Giải pháp này đang được cơ quan chức năng nghiên cứu và nếu hoàn thành trong năm nay thì sẽ áp dụng xếp loại ngay với các tập đoàn, tổng công ty. Chúng tôi hy vọng cơ chế này sẽ tạo đà đột phá, đổi mới trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, ông Tiến nhấn mạnh.