Cha ép con gái làm nô lệ tình dục suốt 2 năm

ANTĐ - Gần 3 năm trời xâm hại chính con đẻ của mình, yêu râu xanh Nguyễn Văn Tài (SN 1969, trú xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã bị TAND Phú Yên tuyên án chung thân. Tuy nhiên, không lâu sau đó, y được vợ và nạn nhân của mình viết đơn xin được giảm án…

Chân dung người cha đồi bại

Từ lâu, Nguyễn Văn Tài (43 tuổi, trú xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) nổi tiếng là người lười biếng, ham chơi hơn làm. Không những vậy, y còn sinh tật nghiện rượu và đánh đập vợ con. Do không chịu được người chồng vũ phu, mất nết ấy nên người vợ trước đã bỏ y ra đi biền biệt.

Năm 1993, Nguyễn Văn Tài lập gia đình với Đ. T. G. (41 tuổi), ở gần nhà. Hai người ăn ở với nhau được 3 mặt con, trong đó N.K.L (15 tuổi) là chị cả.

Chị G. mẹ của bé L. vẫn một mực xin tha cho chồng.
Chị G. mẹ của bé L. vẫn một mực xin tha cho chồng.

Ruộng ít, nhà nghèo lại đông con, bản thân y dù là trụ cột nhưng không chịu làm lụng nên gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Vào đầu tháng 7/2007, nhờ mối quen giới thiệu, chị G. vào TP.HCM bán vé số, ở nhà còn Tài và 3 đứa con thơ.

Vợ đi cả năm mới về nhà một đôi lần, Nguyễn Văn Tài càng trở nên hung dữ, thường hay tìm cách đánh đập các con. Trong thời gian này, bé N.K.L dù mới 10 tuổi nhưng đã phổng phao, xinh xắn như thiếu nữ đôi mươi. Một lần nhìn qua khe thấy L. tắm, trong đầu Tài liền nảy sinh những ý nghĩ đen tối…

Một ngày cuối tháng 12/2007, Tài không cho L. đi học, bắt phải trông nhà. Khoảng một tiếng sau, Tài trở về với bộ dạng ngà say. Do tính toán từ trước nên nhân lúc L. đang nấu ăn dưới bếp, y nhẹ nhàng vào nhà, đóng chặt cổng, cửa chính, lao xuống bếp bịt mồm và sờ soạng thân thể L.

Thấy L. phản ứng dữ dội, luôn miệng kêu khóc, Tài liền tát thẳng mặt L. và đe dọa “Mày liệu mà im mồm đi kẻo tao đánh chết”. Nói xong, Tài liền dùng vũ lực để cưỡng hiếp L.. Xong việc, Tài lấy mì ra ăn, xem như không có chuyện gì xảy ra, để mặc L. nằm khóc tức tưởi trong đau đớn.

Dần dà, Tài đã biến L. thành nô lệ tình dục để phục vụ thú tính quái đản của y. Những lúc đi nhậu về, Tài thường vồ lấy L: lúc thì trong nhà tắm, lúc thì dưới sàn nhà bếp, thậm chí khi hai đứa con ở nhà trên coi ti vi, y chặn cửa nhà dưới để thỏa mãn thú tính. Khi L. đến tháng, Tài cũng không tha, bắt L. phục vụ đến mức ngất xỉu.

Để ve vuốt và bịt mồm L., Tài thường cho L. tiền mua quần áo, kẹp tóc. Có lần L. đem chuyện nói với người bạn thân, người bạn này về nhà kể lại với bà ngoại. Tuy nhiên, bà ngoại cho rằng “làm gì có chuyện đó” nên mắng cả hai không thương tiếc. Chẳng những vậy còn đem chuyện nói lại với Tài làm L. bị đòn và bị đối xử tàn nhẫn hơn. Từ đó trở đi, L. không dám nói với ai.

Dù rất đau đớn, luôn phải sống trong tâm trạng hoảng loạn nhưng để bản thân và mấy em được an toàn, L. đành nuốt nước mắt để phục vụ Tài. Và sự việc cứ thế kéo dài… Đến tháng 7/2010, khi L. đang lúi húi dưới bếp để nấu cơm, Tài đi nhậu về và “nổi hứng”. L. giãy nãy với lý do “Để nấu cơm cho em ăn đã” nhưng tên bố bất nhân không chịu, cố lôi L. vào buồng tắm. Vùng vẫy hồi lâu, L. chạy ra đầu ngõ, Tài liền rượt theo.

Đến đám ruộng đầu làng, Tài bắt kịp, dùng chân đạp L. lăn xuống ruộng. Lồm cồm bò dậy, L. nén đau băng ruộng đến nương náu tại nhà ông bà ngoại. Rồi mọi việc bắt đầu vỡ lở. Điều đáng nói là việc làm tội lỗi của Tài được che kín suốt một thời gian dài. Chị H.T.L,một người ở gần nhà em L. cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không hay biết vụ việc. Có lần nửa đêm thấy cháu L. có biểu hiện sợ hãi, tinh thần bấn loạn, gõ cửa xin ngủ nhờ.

Khi chưa kịp hỏi chuyện thì hắn xuất hiện nói rằng “con bé học yếu, tôi đánh đòn nên nó sợ đó” rồi lôi về nhà. Nhiều lúc L.đi học về nhưng không dám vào nhà, ngồi ở đầu ngõ cả buổi. Ai cũng tưởng cháu nó bị điểm kém nên sợ bố đánh…”.

Hối hận vì đã tố giác người chồng, người cha mất nhân tính

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Đ. T. G., vợ Tài rất vui bởi có thể “nhờ đó mà minh oan được cho ổng”. Chị G. bộc bạch: Lúc đầu nghe chuyện, tôi như sấm nổ bên tai, đầu óc choáng váng, hai chân đứng không vững.

Phần vì bị hàng xóm cười chê, phần vì phận làm mẹ, thấy con mình bị người khác hãm hại cũng đã rất đau đớn huống chi đây lại là bố đẻ của nó. Nhưng rồi theo thời gian, nỗi đau cũng nguôi dần. Cứ nghĩ toà chỉ xử vài năm cho yên chuyện, nào ngờ xét ổng án chung thân.

Lá đơn chị G. xin giảm án cho chồng.
Lá đơn chị G. xin giảm án cho chồng.

Thật ra lúc đó vì quá tức giận, đầu óc không kịp suy nghĩ nên mới làm vậy. Sau này nghe ổng nói “chỉ mới “tưng” bên ngoài như vuốt tóc, vuốt má con bé thôi chứ tuyệt đối không làm gì nữa hết” nên tôi thấy cũng có khi lại như thế…  

Rồi để chứng thực lòng mình, chị G. nhanh chân đi lấy đơn xin kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt ký tên chị và con gái N. K.L. Lá đơn được viết vào tháng 12/2011, trong đơn, chị G. viết:

“Tôi tên là Đ.T.G và con là N.K.L làm đơn này kính mong tòa xem xét, phúc thẩm lại xin được giảm nhẹ hình phạt cho chồng tôi là anh Nguyễn Văn Tài sớm được về với vợ con… Tôi biết chồng tôi với hành vi hiếp dâm con gái của mình chưa đúng tuổi vị thành niên là rất nặng tội. Nhưng xét cho cùng là vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, .. trong khi đó chồng tôi lại bị bệnh tâm thần kinh niên mà hay đi uống rượu say xỉn, khi về nhà thì không còn biết gì về luân thường đạo lý.

Đầu tiên thì như tưng con, sau rồi không còn hay biết gì hết. Vì trong người có chứng bệnh tâm thần cộng với say rượu triền miên nên anh mới gây ra tội tày đình như vậy. Thật tình tính tình anh cũng hiền từ, quan hệ xóm làng cũng biết kính trên nhường dưới, không xúc phạm đến ai. Biết thương vợ, thương con trong sinh hoạt thường ngày.

Trường hợp phạm pháp của chồng tôi quá đột ngột và bất ngờ. Nên trong cơn nóng giận, bực tức nhất thời, tôi đã nhờ người làm đơn tố cáo, tôi không nghĩ là chồng tôi bị nặng tội như vậy. Giờ nghĩ lại tôi và con tôi đã hối hận thì đã muộn rồi. Chính vì lẽ ấy, hôm nay tôi và con tôi làm đơn này kính xin quý tòa xét và phúc thẩm lại để giảm nhẹ hình phạt cho chồng tôi là anh Nguyễn Văn Tài mau sớm hoàn lương về với gia đình sum họp làm ăn để nuôi vợ, nuôi con. Rất mong được sự cứu giúp của quý tòa”.

Khi nghe chúng tôi nói cần gặp mặt để hỏi thêm ý kiến của L., chị G. nhanh tay chộp lấy điện thoại để dặn dò L.: “Chút nữa có mấy chú ở xã đến gặp vì chuyện cha con đó. Con nghe mẹ, nói giúp vài lời để giảm án cho bố nghen”. Rồi chị G. nói tiếp: Ở với nhau 3 mặt con rồi, tôi cũng hiểu ông chứ. Thật ra ổng làm như vậy là có nguyên cớ.

Chẳng là gốc bên nhà ổng làm thầy thuỷ (thầy pháp) nhiều đời, nhưng đến lượt ổng lại không chịu theo nghề, việc cúng bái, lễ lạc đều bị đoạn tuyệt nên giờ đây ổng phải lãnh hậu quả. Ổng bị hành đến mất tâm tính, không chịu làm lụng, suốt ngày uống rượu rồi sinh tật lúc nào không biết. Giờ ổng về, tui tha thứ hết, chỉ mong sao ổng tu chí làm ăn, giúp tui nuôi mẹ, nuôi con…

Đem chuyện hỏi những người gần nhà, tất cả đều tỏ vẻ không đồng tình. Còn chị T.T.S cho rằng: “Tôi thấy thường ngày nó đâu có giống người bị tâm thần. Khi mọi người nghi giữa hai bố con nó “có chuyện khuất tất”, ai nấy cũng cất công tìm hiểu nhưng chẳng được gì bởi hắn giữ kín lắm, không bao giờ sơ hở điều gì. Do đó nếu lấy lý do nó bị tâm thần để biện minh cho hành động thú tính ấy thì không đúng”.

Bé L. và em gái một năm trước khi bị bố xâm hại dã man (chụp lưu niệm năm 2006).
Bé L. và em gái một năm trước khi bị bố xâm hại dã man (chụp lưu niệm năm 2006).


Nạn nhân: nghe lời mẹ, muốn ổng ra sớm


Theo lời chỉ dẫn của hàng xóm, chúng tôi tìm đến doanh nghiệp nước mắm M.P (TP Tuy Hoà) để gặp L. Vừa bước vào nhà xưởng, chúng tôi hỏi tên L., ngay lập tức bà chủ doanh nghiệp tìm cách từ chối khéo: “Các anh không thể gặp L. được, trừ khi có sự cho phép của gia đình. Hiện con bé rất sợ tiếp xúc với người lạ”.

Đến khi nghe chính yêu cầu của chị G., bà chủ mới đồng ý cho gặp. Bước lên gác, đập vàp mắt chúng tôi là một cô bé trắng trẻo, gương mặt khá xinh xắn ngồi co ro trên chiếc ghế cũ kỹ. Vừa đưa mắt lên nhìn, cô bé liền co rúm người lại, ánh mắt ánh lên vẻ đau đớn cùng cực. Phải hơn 10 phút sau, L. mới bình tâm trở lại.

Khi nghe đến tên Nguyễn Văn Tài, L. lại rùng mình và lặng lẽ khóc. Em thổn thức: “Lúc ấy, mẹ đi làm xa, ở nhà chỉ có ổng và ba chị em cháu. Cháu sức yếu, không làm gì được, ổng lại doạ nếu chống cự hay kêu cứu hàng xóm sẽ đánh đập, bỏ đói, giết chết cháu và mấy đứa em nên cháu sợ quá không dám nói với ai”.

Vậy tại sao không nhờ hàng xóm giúp?

“Ở xóm, cả ngày người ta đi làm hết, nhà nào cũng khoá kín cửa, cháu có kêu cũng chẳng ai nghe. Vả lại những lần đụng chạm, ổng đều bịt miệng cháu. Ngoài giờ học, đi chợ lo cơm nước, ổng đều cấm cháu ra khỏi cửa. Những lần hiếm hoi qua nhà hàng xóm chơi, ổng đều đứng ngoài nhìn chằm chặp làm cháu sợ vô cùng, không dám mở miệng nói với ai. Khi thấy ổng ngày càng dữ tợn, cháu không chịu nổi, có nói chuyện với con bạn thân học cùng lớp.

Bạn cháu đem chuyện đó kể lại cho bà ngoại của bạn ấy nghe nhưng bà ngoại lại quay sang mắng hai đứa cháu là nói bậy. Người lớn không ai tin nên từ đó trở đi cháu không bao giờ kể cho ai biết”.

Sợ như vậy, tại sao cháu lại muốn ổng về nhà thật nhanh?

Bởi dù gì ổng cũng ở tù rồi, mặc dù ổng làm điều xấu với cháu nhưng dù sao ổng cũng từng là cha của cháu… Thấy mẹ luôn khóc lóc van xin cho ổng, cháu cũng không nỡ trái ý mẹ. Nếu ổng cứ ở mãi trong tù, một mình mẹ và cháu không thể lo nổi hai đứa em thơ và bà nội già yếu. Ổng ra sớm chừng nào, chắc sẽ nghĩ lại, ở nhà giúp mẹ con cháu làm lụng để nuôi em, bà nội.

Có như vậy mẹ mới đỡ khổ… Với lại, ổng có về, ổng cũng khó gặp mặt được cháu bởi quanh năm suốt tháng, cháu ở với ông bà chủ, đến Tết mới về thăm nhà được vài hôm. Do đó cháu mong Nhà nước, pháp luật sớm tha cho ổng để sớm về nhà.

Cháu dự tính sẽ làm gì trong tương lai?

Giờ cháu cũng chẳng biết làm sao nữa, cháu dự định làm ở đây cho ông, bà chủ suốt đời, không phải lấy chồng như mọi người con gái khác. Ở đây cháu được tự do, thoải mái, không phải ra ngoài nhiều, không phải tiếp xúc với con trai nên không ai biết về quá khứ của cháu… Cháu muốn ở với ông bà chủ mãi mãi…

Cho đến bây giờ tôi vẫn bị đôi mắt thất thần, đau đớn của cháu bé ám ảnh. Sau những chuyện xảy ra, biết đến khi nào tâm hồn em mới thật sự lặng gió và cuộc đời phía trước của em liệu có chút màu xanh hy vọng …

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trung tâm Bảo trợ trẻ em (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) đã phối hợp với Hội Phụ Nữ xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí để L. đi xét nghiệm y khoa hòng xác định mức độ bị xâm hại. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo trợ trẻ em cũng đã giới thiệu L. đến ở và làm tại xưởng chế biến nước mắm M.P (TP Tuy Hòa) với mức lương trung bình 1,2 triệu đồng/tháng để L. có tiền giúp mẹ nuôi em và bà nội.

Trong khi đó, cho đến nay cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vẫn chưa trả lời về đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của mẹ con chị G.