Cây trồng công nghệ sinh học: Khảo nghiệm mãi vẫn chưa yên tâm

ANTĐ - Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương trong đó chủ yếu từ cây trồng công nghệ sinh học (GM). Trong khi diện tích trồng cây GM trên thế giới đang tăng nhanh thì tại Việt Nam, nhiều năm khảo nghiệm vẫn mãi chưa xong.

27 quốc gia ứng dụng cây trồng sinh học

Số liệu công bố từ Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết, năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 quốc gia trồng cây GM, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây trồng GM toàn cầu. Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên đối với ngô chịu hạn tại Hoa Kỳ.

Diện tích canh tác cây trồng GM trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013. Trong thời gian 18 năm này, theo báo cáo, diện tích canh tác cây trồng GM đã tăng hơn 100 lần. Hoa Kỳ tiếp tục là nước đứng đầu về diện tích canh tác cây trồng GM với 70,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích canh tác cây trồng GM trên toàn cầu.

Tiến sỹ Clive James, Chủ tịch danh dự ISAAA cho biết: “Mỗi một nước trong số mười quốc gia canh tác hàng đầu về cây trồng GM trong năm 2013 đều có diện tích trồng trên một triệu ha, tạo một nền tảng để phát triển mạnh hơn trong tương lai”.

Theo báo cáo, hơn 90% nông dân trồng cây GM tương đương 16,5 triệu người là nông dân có quy mô nhỏ và nghèo tài nguyên. Trong số các nước canh tác cây trồng GM có 8 nước công nghiệp và 19 nước đang phát triển. Cũng theo TS Clive James, gần 100% nông dân thử trồng cây GM tiếp tục trồng chúng hàng năm.

Từ năm 1996 đến năm 2012, cây trồng GM góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi môi trường/khí hậu bằng cách tăng sản lượng cây trồng với trị giá 116,9 tỷ USD; tạo một môi trường tốt hơn, bằng cách tiết kiệm 497 triệu kg thuốc trừ sâu; riêng năm 2012 đã giảm lượng khí thải CO2 26,7 tỷ kg, tương đương với 11,8 triệu xe ô tô trên đường trong một năm; bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 123 triệu ha đất từ năm 1996-2912 và giúp xóa đói giảm nghèo cho trên 16,5 triệu nông dân nhỏ và gia đình với tổng số trên 65 triệu người, một trong những người nghèo nhất trên thế giới.

 Trong năm 2013 tại Hoa Kỳ, khoảng 2.000 nông dân ở vùng trồng ngô Corn Belt thường bị hạn hán đã trồng khoảng 50.000 ha ngô GM chịu hạn đầu tiên. Ngoài ra, Indonesia, nước đông dân thứ tư trên thế giới, đã phát triển và cho phép trồng mía chịu hạn đầu tiên của thế giới (mía GM đầu tiên được phê duyệt trên toàn cầu) và có kế hoạch đưa ra canh tác đại trà vào năm 2014.

Đậu tương GM Việt Nam đã và đang nhập khẩu một lượng lớn hàng năm

 “Cây trồng GM đang minh chứng giá trị toàn cầu như một công cụ cho những nông dân nghèo nguồn lực, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại và sâu bệnh, cùng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, TS Clive James nhận định.

Philippines, một quốc gia hàng năm vẫn phải nhập khẩu lượng gạo lớn từ Việt Nam cũng đã chủ động chưa cây ngô GM vào gieo trồng từ năm 2003 để làm nguyên liệu cung cấp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đến nay, diện tích trồng ngô GM của nước này đã lên tới 2,6 triệu ha trên tổng số 5,4 triệu ha diện tích canh tác.

 Đến năm 2012, Philippines đã tự chủ được thức ăn chăn nuôi về ngô, thậm chí đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm ngô ủ lên men sang Hàn Quốc để làm thức ăn chăn nuôi.

 Băn khoăn trồng rồi nhập khẩu sản phẩm GM sử dụng

Cũng theo ISAAA, những nước xuất khẩu ngô, đậu tương, bông lớn hiện nay trên thế giới đều trồng cây trồng GM. Như, Hòa Kỳ đứng đầu thế giới về diện tích trồng ngô chịu hạn, Brazil đứng thứ hai về diện tích ngô và đậu tương, tiếp đến là Argentina, thứ 4 là Ấn Độ và đứng thứ năm về diện tích cây ngô, đậu tương GM là Cananda.

 Mặc dù đã tiến hành khảo nghiệm giống ngô GM từ khá lâu nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa thể đưa giống ngô này vào trồng đại trà vì một số nhà khoa học vẫn không yên tâm.

Năm 2012, Việt Nam đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng của ngô MON 89034 và NK603 so với giống ngô đối ứng C919 do công ty TNHH Dekalb Việt Nam đăng ký. “Sau 2 năm triển khai tại các vùng sinh thái khác nhau cho thấy, ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 có các đặc điểm sinh trưởng, phát triển và tính mẫn cảm với bệnh hại ngô tương tự giống ngô nền C199, không chuyển gene ở mỗi vùng sinh thái, không biểu hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại hay xâm lấn môi trường đa dạng sinh học”, TS Phạm Thị Liên- Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đánh giá.

Sau nhiều năm, nhiều lần khảo nghiệm, cây ngô GM vẫn chưa thể trồng đại trà

 GS. TS Nguyễn Lân Dũng, một trong những nhà khoa học còn băn khoăn về cây trồng GM trong thời gian đầu thử nghiệm đến nay cũng cho rằng, chúng ta nên nhanh chóng đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp để cải thiện sản lượng, chất lượng. “Chúng ta còn  chậm trễ bao nhiêu thì nông dân Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi bấy nhiêu. Diện tích cây trồng biến đổi gene đang tăng lên nhanh chóng, trong khi chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh, sản phẩm cây trồng GM có ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng ta đi nhập ngô, đậu tương sinh học về sử dụng thì tại sao không tự trồng ngay trong nước?”.