Cây táo

ANTĐ - Một ngày kia, sau khi đưa đoàn tầu qua ghi, xuất hành lên phía Bắc, ông lão Thọ quay về cái chòi của mình thì bỗng thấy vương vướng ở nơi ống quần. Có cái gì đó níu kéo ông vậy? Ông ngoái lại và kinh ngạc vô cùng.

Một cây táo non! Nó nẩy mầm từ lúc nào mà đã mọc cao tới đầu gối  ông rồi thế!  Ngả một cành gai, cây táo như đứa trẻ  bíu vào chân ông. Ông ngẩn người, thở phào: Cây có tình đây! Và như vậy là có thể hình dung ra đầu đuôi sự việc đại để diễn ra như sau: Một ngày nào đó có một chú bé ngồi trên một toa tầu ăn táo, sau khi ăn hết phần thịt táo, chú nhè ra một cái hạt  và ném nó qua cửa sổ toa tầu. Hạt táo nọ rơi xuống kẽ đất đá giữa hai thanh tà vẹt.  Rồi  tự nhiên như bao sự sống, hạt táo nọ âm thầm nẩy mầm, lớn dần lên, cao dần lên trong côi cút một thân một mình.

“Về với ta nhé!”. Ông lão Thọ quay trở lại với cái bay và nắm lá chuối khô. Đó cũng là ngày người ta công bố quyết định ông về hưu. Ông trưởng ga, vóc hình phốp pháp, tóc bạch kim, da mặt hồng hào,phong độ đỏm đáng vỗ vai ông, tươi cười: “ Ngẫm ra, bây giờ ông là người nhàn nhã sung sướng nhất đây, ông Thọ ạ!!” Ông lão Thọ không nói, lẳng lặng ôm cây táo non vừa bứng xong trong bầu đất, đi về nhà.

 Có lẽ  là nhờ giống táo tốt, lại được trồng ở góc sân lắm mùn ở gần cổng nên chẳng bao lâu cây táo đã cao vống, vượt quá đầu người và chia cành, tạo thành một vòng lá rộng, che rợp một vùng sân. Cây sinh lá, toả cành thì cũng là lúc cây cất tiếng gọi chim chóc tới. Quả nhiên thoạt đầu là một con chim khuyên. Rồi tiếp đó là một con chim khuyên nữa. Đôi chim khuyên này chăm chỉ lắm. Chẳng ngày nào là chúng không tới. Tới là chúng vừa  bắt sâu vừa kêu kêu lích rích, nghe rất vui tai. Cuối cùng thì chính ông lão Thọ cũng nhận ra, chính là đôi chim khuyên và cây táo đã là  những người bạn bé nhỏ đem lại niềm vui sống cho ông.

Thế đấy!   Về hưu  đâu có phải là  nhàn nhã sung sướng như ông trưởng ga nói. Ông lão gác ghi về hưu sống còn vất vả lắm! Vất vả vì bây giờ thu nhập  đã sút kém, lại phải bà vợ trẻ tính tình vốn lẳng lơ từ ngày chồng về hưu càng lên mặt đài đệ coi thường chồng, bao nhiêu công việc nhà dồn hết lên vai ông và lúc nào cũng có thể hạch sách mắng mỏ ông. “Thế nào, ở nhà cả ngày mà để cái sân, cái nhà bừa bộn, bẩn thỉu thế kia à!” “Hừ, cơm chưa nấu! Nước tắm cho tôi vẫn nguội tanh thế này là sao, hở lão già!!” Đó là những câu trách cứ cửa miệng của bà với ông, và những lúc ấy, cũng như khi bận rộn với công việc quét quáy, giặt rũ, lúc nhóm lò, đi chợ, nấu ăn, làm vườn, ông lão  chỉ còn biết tìm niềm an ủi vui vẻ ở cây táo và đôi chim khuyên.

Mùa thu ấy, những cành táo chẽ ngang, xoà rộng, ra lứa hoa đầu, cả vòm cây  lấm chấm vàng như  rắc kim nhũ. Và người đầu tiên phát hiện ra lứa hoa đầu tiên của cây táo, trớ trêu thay, chính là bà vợ trẻ của ông lão. Mới hơn bốn mươi, kém ông hơn một giáp, lúc này nhìn cây táo trổ hoa, bà bỗng  vận vào mình, nhận ra mình  đang ở tuổi hồi xuân và thật là ngu xuẩn nếu  không biết tận dụng cơ hội để hưởng thụ. Bà có cả nửa tá nhân tình kể từ ngày ông chồng về hưu và nhân tình chính là ông trưởng ga béo tốt, đỏm dáng nọ. Đêm đêm, sau những cuộc tình tự lén lút, khi chia tay, hai người ôm hôn nhau dưới gốc táo, anh chàng trưởng ga, nhiều hôm nhón tay trên mái tóc người tình, âu yếm: “Kìa, hoa táo rụng như trang điểm  trên tóc em !”. Đáp lại câu nói lãng mạn nọ,  bà vợ trẻ ông lão gác ghi cười nhỏn nhẻn: “Ờ! Cái lão Thọ dở hơi  thế mà cũng được việc ấy nhỉ!”

Tháng chạp, hoa táo biến mất. Từ nách cành cây phun ra những chùm quả nho nhỏ xanh lét như quả mồng tơi. Ngày qua, những mụn quả mồng tơi bằng cái đầu đũa lớn dần, thoạt tiên to tựa ngón tay út, rồi phồng căng lên bằng ngón tay cái một. Thoáng cái, quả  trong chùm  đã tròn nây, bóng mượt,  quả nào ra quả nấy lúc lỉu, phô phang, đẹp như ngọc ngà, nhìn hoa cả mắt. Ôi, đôi chim khuyên và mùa táo chín! Có niêm vui nào lớn hơn và phấp phỏng hơn khi cây vào mùa quả chín. Phấp phỏng lắm! Là bởi vì với tuổi già thân cô thế cô như ông lão Thọ, một người thợ chất phác hiền lành, cuộc sống thật tình là còn rất bấp bênh, vì chỉ số an toàn xem ra có nhiều nhặn gì! Thành ra đi đâu một lát, ông lão Thọ lại như có con mọn, vội ba chân bốn cẳng trở về nhà, trở về với cây táo  đang vào cữ chín rộ, đẹp như một bức tranh khảm vàng rực rỡ và  thơm lựng cả một vùng đất trời. 

Hôm nay cũng vậy. Nhưng hôm nay  xách cái bị than tổ ong  từ chợ về, chưa kịp đưa vào bếp, ông lão Thọ, bỗng ngửa mặt nhìn trời, rồi vội vịn tay vào gốc táo vì loạng choạng xuýt ngã. Trời! Chuyện gì vừa xảy ra thế này? Trên cây táo như vừa có một cơn bão lớn đi qua!  Cành táo nào cũng xơ xác như bị một bàn tay khổng lồ vò nhau không thương tiếc. Và buồn bã thay, trong khi dưới mặt đất la liệt  những quả táo rụng bị bầm dập nhoe nhoét, thì trên cây không thể tìm thấy một chùm quả nào còn nguyên lành.    .

Mùa thu năm sau, cây táo lại ra hoa.   Nhưng bây giờ thì bà vợ trẻ của ông lão gác ghi và ông trưởng ga nhân tình không ôm  hôn nhau dưới gốc táo mỗi đêm khi chia tay nữa. Công khai họ thuê khách sạn ăn ở  với nhau và suốt cả hai ngày thứ bảy và chủ nhật họ cuốn vào những cuộc viễn du dài. Hoa táo chẳng đậu để trang điểm mái tóc dâm phụ, chúng rụng lả tả như bột đậu trên mặt đất. Và bây giờ, mỗi khi về đến nhà, nhìn thấy cây táo như thiếu nữ e lệ đang khai hoa, thế nào  bà  cũng nguýt nó một cái rõ dài như ghen tức, rồi đay đả: “Này, lão già, đừng để vì cây táo mà điếc tai, làm tôi mất giấc ngủ  đấy !” Bà   nói thế vì biết trước rằng, khi  táo  vừa mới kết quả,  thì lại như năm ngoái thôi,  nghĩa là  thế nào lũ trẻ con đi học qua cũng í éo gọi nhau, công kênh nhau hái trộm táo và cuối cùng thì một cuộc vặt trộm táo tàn bạo như năm trước lại cũng sẽ diễn ra. Là bởi vì nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò đã đi một nhẽ. Còn một nhẽ nữa sâu sa hơn và lũ trẻ đã nhận ra, ông lão gác ghi già cả yểu nhược lắm, đến cả bà vợ trẻ của mình còn không giữ được nữa là...

Ông lão Thọ cặm cụi công việc hàng ngày, giờ lại bận bịu, vất vả hơn. Ông phải gia cố lại cái cổng bằng mấy thanh gỗ lớn. Xin gạch vữa ở công trường gần đó về, ông lẩn mẩn tôn cao thêm bức tường theo sức vươn của ngọn táo. Xong đâu đấy ông lại đi mua vỏ chai về, đập vỡ, lấy mảnh cắm lên ngọn tường. Vẫn chưa an tâm, một buổi  nọ ông còn xách về một cuộn dây thép gai, rồi hì hụi leo trèo,  giăng một lớp cao hơn nửa thước, tính từ ngọn tường mới tôn cao. Cuối cùng, để chắc ăn, ông lão ôm từ nhà bạn mình về một con Mực. Con Mực hai tuổi thuộc loại chó gié, thân mình thon gọn, thăn lẳn, răng nanh trắng ởn, vừa kịp lớn để trở thành một vệ sĩ dũng mãnh khi táo chín.

Táo chín. Cuộng quả hoe hoe vàng. Hương táo thơm thoảng như một nỗi nghi ngờ đó đây. Ông lão gác ghi về hưu vui khấp khởi. Nỗi vui của  sự sáng tạo. Nỗi vui của sự sinh sôi. Nỗi vui của tuổi già cô đơn.  Vì ngẫm ra, đời ông lão, đời người lao động lương thiện chất phác chăm chỉ lúc này    còn có niềm vui nào lớn hơn là sự chia sẻ  tâm tình  với cây cối, chim muông, gia súc. Thành ra như hôm nay, vừa đi chơi với nhân tình về, xồng xộc bước vào cổng, bà vợ trẻ đã cất tiếng gọi ông lão, rồi chỉ cây táo, quát: Này, khôn hồn thì chặt cây táo đi! Điếc tai, đau đầu nhức óc lắm, đây không chịu được đâu!  Thì ông lão liền ôm  lấy  con Mực, vuốt ve nó và ghé tai nó, thủ thỉ: “Rõ là người thủ lợi chưa! Nhưng mà có  đâu lại dễ thế! Hừ! Còn nếu ta định chặt cây táo thì ta đã chặt từ năm  nó hoa vụ đầu tiên rồi cơ, Mực ạ!!”

Ông lão Thọ trong cứng ngoài mềm đinh ninh một niềm vui cao cả để chống  chọi với thói đời bạc bẽo, bất cận nhân tình. Nhưng, cuối cùng thì một hôm, nghe tiếng chó Mực sủa ran rất dữ tợn, ông lão vội lập cập chạy ra cổng.

Con chó đen đang chồm lên chiếc cổng gỗ. Trên một khe hở giữa hai thanh gỗ bắt chéo ở cổng có cài một tờ giấy nhỏ. Con chó cắp tờ giấy nọ xuống cho ông lão. Đó là một lá thư. Thư viết: “Báo cho lão Thọ biết, muốn thọ thì phải nộp táo cho bọn ta. Mỗi ngày một ký, cho vào túi vải, treo ở trước cổng. Bằng không, tường sẽ đổ, cổng sẽ bị phá và cây táo sẽ bị chặt!”

Lá thư  được đưa đến Công an phường. Không khó khăn gì, người ta tìm ngay được đứa trẻ viết lá thư trên. Nó là con ông trưởng ga, nhân tình của bà vợ trẻ của ôngThọ. Ông  lão gác ghi về hưu biết vậy, nhưng không nói gì. Lặng lẽ ông lão khâu một cái túi vải,  dự định  suốt mùa táo chín năm nay, cứ vài ngày một, ông lão sẽ lại lấy sào chọc, ngắt từng chùm quả  cho vào cái túi nọ, treo ở cổng. Nhưng, cái túi vừa khâu xong thì ông lão lại quẳng đi. Hôm sau, những người đi qua cổng nhà ông, thấy một mảnh bìa viết một hàng chữ bằng mực tím:  Này, nói cho các người biết: Cây táo chính là ta, cũng như đôi chim khuyên vậy, kẻ nào động đến nó thì hãy liệu hồn!