Cây cổ thụ của Hà Nội ngày càng vắng bóng

ANTĐ - Mang trong mình những giá trị vô giá về lịch sử, tâm linh, văn hóa… nhưng có lẽ đến thời điểm này không mấy ai biết Thủ đô hiện còn bao nhiêu cây cổ thụ quý hiếm. Trong khi Hà Nội có những dự án, chương trình bảo vệ, bảo tồn nhà cổ, phố cổ… thì một phần tạo nên “linh hồn” Hà Nội xưa - cây cổ thụ - lại đang bị rơi vào quên lãng

Cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở 82 phố Lý Thường Kiệt

- trụ sở Báo An ninh Thủ đô

Còn - mất bao nhiêu?

Tháng 8-2007 lần đầu tiên Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam đưa vấn đề cây cổ thụ là một trong những tài sản quý hiếm của Hà Nội ra bàn tại một hội thảo và khẳng định cần phải có biện pháp bảo vệ riêng biệt. Cũng tại cuộc hội thảo này, ý tưởng xây dựng một bản đồ (Atlas) cây cổ thụ Hà Nội nhận được khá nhiều sự đồng tình của các học giả. Tuy nhiên, những tiếng nói và cố gắng tích cực này ít được các cơ quan chức năng quan tâm.

Hiện nay có một thực tế đáng buồn là hệ thống các cây cổ thụ của Hà Nội đang có nguy cơ suy giảm đáng kể do tác động mạnh từ phía con người, từ quá trình đô thị hóa và cả sự khắc nghiệt của thời gian. Cây cổ thụ đang bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng như cây muồng (vườn Bách Thảo), cây vông nem (hồ Gươm), cây sao đen (phố Lò Đúc), cây muỗm (đền Quán Thánh)… và không ít những cây cổ thụ quý hiếm tương tự đang bị con người triệt hạ bằng những hành động vô ý thức như đóng đinh, treo biển hiệu, đổ hóa chất xuống gốc để giết cây vì lợi ích kinh doanh.

Theo thống kê, hiện cả Hà Nội còn khoảng hơn 700 cây cổ thụ các loại. Đây chính là những sinh vật sống ghi lại dấu ấn của văn hóa và lịch sử. Bên cạnh đó chúng còn mang giá trị tâm linh, giá trị thẩm mỹ và cả nguồn gene đặc biệt, giá trị kinh tế rất cao gắn liền với quá trình xây dựng phát triển Hà Nội. Nếu không có biện pháp gìn giữ, những cây này sẽ dần mất đi, đồng nghĩa với việc Hà Nội tự đánh mất những nét văn hóa riêng của mình.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh: Từ khi đặt chân tới Hà Nội, người Pháp đã đặc biệt quan tâm tới hệ thống cây xanh Thủ đô từ thế kỷ 19. Năm 1885 khi bắt đầu san nền thực hiện dự án xung quanh hồ Gươm và quy hoạch các tuyến đường chính ở Hà Nội, người Pháp đã cùng lúc xây dựng hệ thống cây xanh bóng mát để tạo nên những nét đặc trưng riêng của thành phố. Họ cũng đã đưa rất nhiều loài cây trên thế giới có cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới như Hà Nội về trồng thử nghiệm như xà cừ, dái ngựa, phượng vĩ, sếu, giáng hương Ấn Độ… Thậm chí năm 1889, toàn quyền Đông Dương còn ra Nghị định chuyển toàn bộ trường Canh nông Hà Nội thành vườn Bách Thảo với mục đích giới thiệu, bảo tồn những loài cây có giá trị ở Đông Dương. Những loài cây này cùng với thời gian vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng số lượng hiện tại không còn được bao nhiêu…

Thiếu quy chế riêng

Sự phân bố cây cổ thụ ở Hà Nội không đồng đều. Cùng với sự vô ý thức của người dân và thiếu quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng từ nhiều năm nay, số cây hiện còn nằm rải rác ở 3 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm (được trồng từ trước thế kỷ 20) và ở các địa phương thì chỉ còn tồn tại trong các đình, chùa… Trong khi công việc khảo sát cây cổ thụ của Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường là một khởi đầu tốt đẹp và đề xuất các chính sách, biện pháp sau này. Nhưng đáng tiếc công việc khảo sát ấy lại không xuất phát từ những cơ quan quản lý của Hà Nội.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, số cây cổ thụ phân bổ rải rác ở các công viên, vườn hoa, đường phố, công sở, các thôn xã thuộc rất nhiều đơn vị Nhà nước, tập thể, cá nhân quản lý. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu cứ để như hiện tại thì sẽ mạnh ai nấy làm và rất dễ dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vì thế, một khi xác định đây là tài sản vô giá của Hà Nội thì cần có một cơ quan đại diện Nhà nước đứng ra thâu tóm, chịu trách nhiệm chung để chăm sóc và quản lý bảo tồn. Nếu làm được như vậy mới có cơ sở thẩm định, đánh giá hệ thống cây cổ thụ để đề nghị thành phố và các sở liên quan xây dựng văn bản công nhận là tài sản của Nhà nước.

Để bảo vệ cây cổ thụ hiệu quả, lúc này cần thiết phải thành lập một bộ phận nằm trong đơn vị quản lý, duy trì, chăm sóc cây. Bộ phận này có nhiệm vụ theo dõi hệ thống cây cổ thụ trong thành phố, tổ chức chăm bón, bảo tồn và đề xuất những giải pháp khi xảy ra sự cố. Tuy rằng bây giờ mới nghĩ tới việc này là hơi muộn, nhưng dù sao có vẫn hơn không.