Cấy chip tứ chi, làm chủ mọi tiện nghi thông minh

ANTD.VN - Chỉ cần một cái vẫy tay đã có thể mở khóa ô tô, mở cửa, bật máy tính hay làm nhiều công việc khác, hàng trăm người dân Australia đã tự biến mình thành “siêu nhân” chỉ với một con chip điện tử được cấy lên bàn tay.

Vợ chồng Shanti Korporaal - Skeeve Stevans

Người đi tiên phong

Shanti Korporaal, 27 tuổi, ở Sydney (Australia) là người đi đầu trong việc cấy 2 vi mạch nhỏ vào tay. Sau khi cấy chip, cô Shanti có thể mở cửa xe, vào nhà mà không cần mang theo chìa khóa hay thẻ, chỉ cần một cái vẫy tay. “Bạn có thể lên kế hoạch cho cuộc sống của bản thân mà không bao giờ phải lo lắng về mật khẩu hay mã pin”, Shanti chia sẻ.

Đặc biệt, cô nhấn mạnh rằng, công nghệ này hiện đang mang lại cho người ta sự an toàn tuyệt đối về mọi thông tin, ngăn chặn những vụ tin tặc tấn công vào các tài khoản cá nhân vốn đang ngày một nhiều.

Người đi tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép chip tương tự ở Mỹ là ông Amal Graafstra, một cư dân sống ở Thủ đô Washington DC (Mỹ). Ông đã từng cấy 4 con chip vào tứ chi, trong đó có 2 con chip đã được đưa vào cơ thể ông từ năm 2005. Từ đó, ông Amal có thể ra vào ngôi nhà của mình mà không cần chìa khóa, hay đăng nhập vào máy tính bằng một động tác vẫy tay.

Nhà khoa học người Mỹ này cho biết, toàn bộ quá trình hết sức đơn giản, chỉ mất khoảng 30 giây. “Chúng tôi cấy những con chip nhỏ bằng hạt gạo vào giữa những ngón tay cái và ngón trỏ”, ông Amal cho biết. Con chip của Shanti bằng hạt gạo, nhưng vi mạch cấy vào tay cô gần như không thể phát hiện được, nó chỉ để lại dấu vết nhỏ như tàn nhang. 

Bộ phận trong cơ thể

“Tôi mong muốn rằng, trong tương lai những con chip như thế này sẽ được coi là một bộ phận hay một phần của cơ thể con người”, ông Amal chia sẻ. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh việc đề cao vấn đề đạo đức và an ninh trong công nghệ này với công nghệ được mã hóa và đảm bảo sự an toàn cho các thông tin trong con chip của chủ nhân sở hữu nó.

Hiện tại, điểm yếu của công nghệ này là không phù hợp với các loại cửa cơ khí mà chỉ áp dụng với những cửa ra vào thông minh với thế hệ thẻ từ. Tuy nhiên, kế hoạch tiếp theo của Shanti là sẽ cùng chồng cô, Skeeve Stevens, hướng tới việc tích hợp các dữ liệu của thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng… để phát triển những hoạt động thanh toán thông minh trong các giao dịch tài chính thông thường.

Vợ chồng Shanti đã thành lập một hệ thống phân phối con chip “Chip - Cuộc sống của tôi” tại Australia và  bước đầu thành công khi hàng trăm người nước này muốn trở thành “siêu nhân” giống như cách Shanti đã làm. 

Với giá tiền dao động từ 80-140 USD, tùy thuộc vào từng cách thiết lập của 1 con chip, cộng thêm chi phí khoảng 150 USD cho bác sĩ tiến hành tiểu phẫu thì ai cũng có thể trở thành “siêu nhân” . Một công ty ở Thụy Điển đã đặt hàng vợ chồng Shanti Korporaal 400 con chip để cấy cho nhân viên của họ, giúp họ không phải mang thẻ khi đi làm hoặc tiến hành các giao dịch khác trong công ty mà không cần chìa khóa hay thẻ.

“Tại thời điểm này, chip có thể tác động đối với những chiếc xe, ngôi nhà, hay máy tính. Nhưng trong tương lai nó có thể thay thế các loại thẻ, thậm chí bạn không phải dùng tới ví”, Shanti khẳng định. Ngoài ra, các ứng dụng khác cũng sẽ được 2 vợ chồng Shanti cải tiến như quản lý trẻ em, phụ nữ hay người tị nạn, thậm chí mọi thông tin sức khỏe sẽ được kết nối với chế độ theo dõi chăm sóc của bác sĩ.

Cuối cùng giấc mơ của cô Shanti ngày nào đã trở thành hiện thực kể từ ngày cô xem các bộ phim như: “Terminator - Kẻ hủy diệt”, “Matrix - Ma trận” hay “Minority Report - Bản báo cáo cuối cùng”.