Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh”: Sâu lắng và xúc động!

ANTĐ - Sau nhiều tháng chuẩn bị với tất cả lòng tự hào và niềm kính yêu dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chương trình cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” đã diễn ra vào tối qua 18-5 tại 3 điểm cầu chính gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), khu di tích quê hương Bác ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) và tầng cao nhất của tòa nhà Bitexco (TP.HCM). Đây cũng là chương trình lớn nhất trong các chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh”: Sâu lắng và xúc động! ảnh 1Tốp ca thể hiện ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” tại điểm cầu Quảng trường Ba Đình - Hà Nội gây xúc động mạnh cho khán giả. Ảnh: THUẦN THƯ

Xuyên suốt 3 điểm cầu,  chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt được khắc họa chân thực và cảm động qua những kỷ vật gắn liền với cuộc sống của Người, qua hồi tưởng của những nhân chứng lịch sử và cả những người bạn quốc tế luôn trân trọng nhân cách và hoài bão  Hồ Chí Minh. Đó là chiếc chõng tre, võng gai đơn sơ, chiếc bếp củi… trong ngôi nhà mái tranh đã gắn bó với tuổi thơ của Người ở làng Hoàng Trù (Nghệ An). Cũng ở nơi miền quê ấy còn lưu giữ chiếc áo lụa bà con may tặng Người, bức thư Người gửi quê nhà Nghệ An…

Cũng trên cuộc hành trình tìm lại hoài bão Hồ Chí Minh, hình ảnh về cuộc sống của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong thời gian đầu tới Anh – một giai đoạn vô cùng quan trọng song ít được nhắc tới trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã làm người xem rơi nước mắt. Ở đó, dưới tầng hầm tăm tối, mùa đông thì buốt giá, mùa hè lại nóng như nung, Bác đã ngày đêm miệt mài vừa lao động, vừa học tập, tiếp xúc với những tư tưởng dân chủ và đúc rút những trải nghiệm về nền văn minh phương Tây.

Nhiều hình ảnh và kỷ vật gắn với cuộc sống của Người tại đất nước này cũng lần đầu được công bố như: bức thư Người gửi cho cụ Phan Châu Trinh (lúc này đang ở Pháp), hình ảnh về khách sạn Drayton Court, Calton nơi Người làm phụ bếp… Đặc biệt là những chia sẻ xúc động của ông John Callow – Giám đốc Thư viện Karl Marx tại London (Anh) – người đã có nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà Lady  Borton - tác giả cuốn “Hồ Chí Minh - một hành trình”. 

Thông qua 3 chương lớn: “Hoài bão độc lập tự do” (1911-1941), “Hoài bão hòa bình thống nhất” (1945-1969), “Viết tiếp hoài bão mang tên Người”, cầu truyền hình cũng đã xây dựng hình ảnh về một Việt Nam với triệu triệu con người đang ngày đêm nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Góp phần làm nên thành công của chương trình là những giai điệu hào hùng và cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện bởi dàn nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thu Hiền, Quang Lý, Lan Anh, Mỹ Linh, Nguyên Thảo… Sân đỗ trực thăng của tòa nhà Bitexco (TP.HCM) ở độ cao 260m được chọn làm nơi thể hiện tiết mục đặc biệt nhất khi các nghệ sĩ cất tiếng hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Tiếng hát át tiếng gió lồng lộng trên cao như ẩn dụ về hình ảnh đất nước Việt Nam đang vươn mình trỗi dậy. 

Cầu truyền hình đã để lại những cảm xúc sâu lắng, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lời hứa, lời khẳng định của những người con nước Việt nguyện viết tiếp những trang sử về hòa bình, độc lập và phồn vinh mà Người hằng mong ước.

Tin cùng chuyên mục