Cầu thủ ở V-League: Xuất ngoại để cứu vãn sự nghiệp

ANTĐ - Thai-League, Malaysia Super League hay Lao-League bỗng dưng trở thành những điểm đến lý tưởng cho những cầu thủ đang sa cơ trong bối cảnh V-League đã không còn nhiều hy vọng đổi đời. Nhưng những nơi ấy có thật sự là “bãi đáp”?

Hoàng Max có năng lực nhưng vẫn bị các CLB Thái từ chối

Bóng đá trong nước đang xảy ra những câu chuyện chưa từng có tiền lệ, sau khi cuộc khủng hoảng về tài chính ảnh hưởng sâu rộng đến nội bộ nhiều đội bóng. Trong nhiều cầu thủ sa cơ lỡ vận, một số còn may mắn khi được gia đình, người thân hậu thuẫn trong việc kiếm nghề tay trái để sinh nhai, số còn lại vẫn phải gắng gượng từng ngày để tìm cho mình một “bãi đáp” hợp lý. Một mức lương vừa phải và thậm chí là thấp không phải là vấn đề nữa, quan trọng là họ cần tiếp tục chơi bóng để nuôi sống bản thân và gia đình.

Từng là một trong những ngoại binh đáng chú ý nhất của làng bóng đá Việt, và thuộc nhóm tiên phong trong trào lưu nhập tịch, Đinh Hoàng Max là cái tên từng rất được săn đón nhờ khả năng thi đấu mạnh mẽ, xông xáo và đầy tốc độ. Thế nhưng, phong độ sa sút trong thời gian gần đây khiến anh không còn chỗ đứng tại Ninh Bình và bị “đẩy ra đường” khi hợp đồng giữa hai bên chấm dứt. Khi ĐTVN còn thi đấu ở AFF Suzuki Cup cuối năm ngoái, người ta còn thấy Hoàng Max cùng một số cầu thủ ngoại khác lang thang ở Bangkok.

Sau mới biết, chàng cầu thủ da màu này sang Thái Lan xin thử việc ở một số đội bóng như Bangkok Utd hay Pattaya Utd, để tìm kiếm cửa lui nếu như các đội bóng ở V-League không ký hợp đồng. Tuy nhiên, mọi thứ không được suôn sẻ với Hoàng Max và đến bây giờ, anh vẫn đang tập chay ở TP.HCM và ngày ngày lên mạng tìm kiếm thông tin tuyển mộ từ các CLB Thái Lan hay Malaysia. “Cơ hội để những cầu thủ như tôi sang Thái Lan hay Malaysia thi đấu luôn rộng mở, vì họ thoáng hơn với ngoại binh khi mỗi CLB được đăng ký 7 và sử dụng 4 người trên sân. Tuy nhiên, yêu cầu của họ nhiều khi cũng cao hơn ở Việt Nam nên nếu bạn không nỗ lực hết mình, khó có thể trụ lại. Tôi vẫn đang tập luyện chăm chỉ hàng ngày để tích lũy thể lực và chờ đợi cơ hội. Một vài người bạn của tôi ở Thái nói rằng khả năng của tôi là đủ để thi đấu ở đấy”, cầu thủ này chia sẻ.

Không chỉ có Hoàng Max, nhiều cầu thủ nội “xịn” cũng tính đường sang nước ngoài thi đấu. Trước khi làm việc với Ninh Bình, Công Vinh cũng từng nghĩ đến việc vãn hồi sự nghiệp trước lời mời ngọt ngào của CLB Selangor (Malaysia). Tuy nhiên, vào phút chót, việc cô bạn Thủy Tiên sinh cho anh đứa con đầu lòng đã khiến Công Vinh thay đổi ý định và quyết bám trụ lại V-League. Bên cạnh Công Vinh, một số cầu thủ trẻ của CLB HN cũng từng liên hệ với nhiều tay “cò” thông thạo bóng đá Đông Nam Á để ra nước ngoài thi đấu. Chỉ có điều, rào cản lớn nhất với họ là ngôn ngữ và trình độ chuyên môn. Nếu ở V-League, chỉ cần có chuyên môn tầm tầm nhưng “biết điều” là có khả năng có suất trong một đội bóng hàng trung, nhưng để những CLB Thái Lan hay Malaysia để ý, thì chí ít phải là “ngôi sao”, phải gây được tiếng vang khi khoác áo tuyển. Đó cũng là điều khiến nhiều cầu thủ nội rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Một điểm đến trên lý thuyết là rất khả quan nữa cho một số cầu thủ thất nghiệp là giải VĐGQ Lào, Lao-League. Chỉ có điều, Hoàng Anh Attapeu và SHB Champasak, hai CLB tồn tại nhờ tiền đầu tư của “bầu” Đức và “bầu” Hiển lại không mặn mà lắm với những cầu thủ từ Việt Nam sang. Trong khi Hoàng Anh coi Attapeu là “sân sau” để tôi rèn các cầu thủ trẻ từ học viện Arsenal JMG, thì SHB Champasak lại chỉ muốn sử dụng cầu thủ bản địa. Xem ra, cơ hội để cầu thủ ở V-League có thể sống và tồn tại được trong một môi trường khác, tưởng như dễ dàng, nhưng lại khó khăn trăm bề.