Cau non tăng giá, bán tạ cau được chỉ vàng, Trung Quốc mua về làm kẹo cau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, giá cau tươi ở nhiều địa phương đang tăng chóng mặt bởi được các thương lái Trung Quốc tìm mua ráo riết.

Như tại Nghĩa Hành thủ phủ trồng cau của tỉnh Quảng Ngãi, giá cau thu mua đã lên mức 55.000-60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng một tháng trước đây.

Còn tại huyện An Lão, Bình Định, giá cau tươi cũng tăng chóng mặt, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo Phòng NN&PTNT huyện An Lão, toàn huyện có 68 ha cau đang thời kỳ thu hoạch trái, bình quân mỗi cây cau cho thu hoạch 15kg trái/năm.Giá thu mua cau khoảng 1-2 tháng qua cũng tăng mạnh. Người trồng cau ví von, bán một tạ cau mua được cả chỉ vàng.

Giá cau non nhiều nơi đã tăng gấp đôi, lên 65.000 đồng/kg

Giá cau non nhiều nơi đã tăng gấp đôi, lên 65.000 đồng/kg

Không chỉ tại những vựa cau lớn, các thương lái còn lùng sục mua cau non ở nhiều nơi, tại một số địa phương của tỉnh Bến Tre còn hình thành nhiều điểm thu mua cau.

Tại Lào Cai, giá cau tươi cũng cao kỷ lục, gấp nhiều lần so với những năm trước. Nếu như đầu vụ, giá cau tươi tại Lào Cai chỉ 40.000 đồng/kg thì hiện nay đã đạt 45.000-50.000 đồng/kg, dự báo có thể đạt 55.000- 60.000 đồng/kg.

Kẹo cau của Trung Quốc đang được ưa chuộng

Kẹo cau của Trung Quốc đang được ưa chuộng

Nhiều hộ dân trồng cau ở Đắk Lắk cũng cho biết, đây là năm đầu tiên họ thấy giá cau tươi lại tăng cao đột biến như vậy.

Theo đó, giá cau tươi ở Đắk Lắk lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi cau khô lên đến 450.000 đồng/kg.

Theo thông tin, các thương lái sau khi thu gom cau non về sẽ lựa những quả đạt chất lượng (hạt nhỏ hoặc không có hạt) luộc ở nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo.

Loại kẹo cau này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Việt Nam kẹo cau là một thứ kẹo bình dân dành cho trẻ con, trông như miếng cau chẻ sáu, gồm có phần trong cứng màu vàng nhạt, tượng trưng cho hạt cau, là một phiến nước đường vàng óng; phần ngoài màu trắng, là thịt cau, làm bằng bột trộn đường. Kẹo cau thường được gói trong lá chuối khô. Thứ kẹo này thường được ngậm mà ăn chứ không nhai vì cũng khá cứng.

Đây là một món ăn dân dã khá lâu đời ở Huế. Khác với kẹo cau có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ cau khô, khi ăn có tác dụng chống lạnh.