Cầu Nhật Tân chính thức thông xe

ANTĐ -Sáng nay 4-1, Bộ GTVT đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động 3 công trình trọng điểm, cửa ngõ Thủ đô: nhà ga hành khách T2 Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp (nối Nhật Tân- Nội Bài) và cầu Nhật Tân.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 được khởi công ngày 4-12-2012 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản.

Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai.

Công trình có công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành và UBND TP Hà  Nội cắt băng thông xe cầu Nhật Tân

Ông Akihiro Ohta, Bộ trưởng Bộ đất đai cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cho rằng, Nhật cung cấp vốn vay cho dự án, các doanh nghiệp đã tham gia thiết kế, thi công, giám sát, tư vấn và công tác vận hành.

“Nhà ga hành khách quốc tế T2 sẽ là câu chuyện kể về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản,” ông Akihiro Ohta nhấn mạnh.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỉ Yên Nhật (tương đương 13.626 tỉ đồng). Tổng chiều dài của dự án  là 8.930m, trong đó phần cầu chính dài 3.755 m với bề rộng mặt cầu 33,2m.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng đại diện Chính phủ Nhật Bản gắn biển  tên cầu  Nhật Tân

Cầu Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép.

Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm Thủ đô với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đồng thời kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...

Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng với chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80Km/h.

Cầu Nhật Tân dành cho tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ trừ xe thô sơ, xe súc vật
kéo

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Bộ GTVT, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội, các nhà thầu... đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để công trình hoàn thành thành đạt và vượt tiến độ, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp của chính quyền và nhân dân TP Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Đồng thời, yêu cầu Bộ GTVTi, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp trong quá trình khai thác các dự án một cách tốt nhất.

Phó Thủ tướng cũng cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tài trợ vốn ODA cho dự án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay đến cầu Nhật Tân hoàn thành sẽ tạo ra một cơ sở hạ tầng đồng bộ, rút ngắn đáng kể khoảng cách từ trung tâm thành phố đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Các công trình hoàn thành là niềm tự hào của người dân Việt Nam đồng thời là biểu tượng đẹp về tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.