Cầu mùa no ấm

ANTĐ - Lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tộc Dao Tiền ở bản Suối Lìn, huyện Vân Hồ, Sơn La. Lễ hội gắn liền với những ngày Tết bởi nó diễn ra đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán của người dân tộc Dao Tiền nơi đây. 

Thanh niên bản Suối Lìn trong điệu múa cầu mùa đầu năm mới

Mong ước một vụ mùa bội thu

Lễ hội Cầu mùa của người Dao nói chung đều có mục đích cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu. Lễ hội được tổ chức không cầu kỳ song mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng dân tộc, thể hiện sự tôn kính của đồng bào đối với thần rừng, thần núi, thần đất và trời. Lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa, tâm linh, tinh thần độc đáo thể hiện bản tính ngay thẳng, thật thà và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, thôn bản và sự biết ơn đối với tổ tiên, dòng tộc. Các lễ vật sử dụng trong lễ hội đều nhằm dâng lên các thần núi, thần rừng, thần nước, thần đất và trời. Đồng thời thể hiện sự sung túc của con cháu và những điều mong ước cho những vụ mùa tiếp theo. 

Cùng chung mục đích mang tính tâm linh như vậy nhưng lễ hội Cầu mùa ngày Tết của người Dao Tiền ở Vân Hồ, Sơn La cũng có nhiều điểm khác biệt và độc đáo, ngay cả đối với cộng đồng người Dao Tây Bắc. Không giống như lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển ở Lào Cai được tổ chức vào ngày Tý đầu tiên của tháng Giêng hàng năm, người Dao Đỏ ở Lào Cai, ở Hà Giang thì vào ngày Tỵ bất kỳ của tháng Giêng âm lịch. Người Dao Lô Gang (Dao quần chẹt) ở Tuyên Quang từ ngày 10-15 âm lịch và cứ 3 năm lại tổ chức một lần… Người Dao Tiền ở bản Suối Lìn, huyện Vân Hồ, Sơn La lại tổ chức lễ cầu mùa vào đúng Tết bắt đầu từ ngày 30 Tết âm lịch, bởi vậy nên thường gọi là Lễ hội Cầu mùa ngày Tết. Tuy nhiên, việc tổ chức hàng năm hay theo chu kỳ 3 năm hoặc 5 năm một lần lại tùy vào từng dòng họ chứ không có quy ước chung trong thôn bản.

Cũng không như lễ cầu mùa của người Dao ở những địa phương khác, thường được tổ chức thành lễ hội chung cho thôn bản. Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tiền ở Mộc Châu được tổ chức riêng cho từng dòng họ. Thời gian bắt đầu lễ hội đều vào ngày 30 Tết nhưng lại vào các năm khác nhau. Lễ hội Cầu mùa được tổ chức tại nhà của trưởng họ và có sự tham gia của tất cả các thành viên họ tộc. Dân bản là khách mời đến chúc mừng, chung vui cùng họ tộc và cùng cầu chúc cho họ tộc và gia chủ.

Điệu xòe cầu mùa

Chiều 29 Tết, trưởng họ sẽ thông báo cho thanh niên trong họ chuẩn bị đồ lễ như kiếm gỗ, cây trúc, cây mía, một con sóc khô, lợn, 2 con gà, dán lại ảnh thờ, đồ thờ cúng… Những người già trong họ sẽ hướng dẫn thanh niên làm một bàn thờ. Cột bàn thờ được làm bằng 4 cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt 3 ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người. Tối 29 Tết các thành viên trong họ sẽ có trách nhiệm đi mời tất cả bà con trong bản đến dự lễ cầu mùa vào sáng 30 Tết. Rạng sáng ngày 30, các nam nữ thanh niên trong họ sẽ đến nhà trưởng họ giã và nặn những chiếc bánh giống như bánh trôi không có nhân. Những chiếc bánh tròn này sẽ được đính lên trên cây trúc để tượng trưng sự đâm hoa kết trái. Tất cả sẽ được dựng hai bên bàn thờ, một bên là cây tre đơm hoa kết trái, một bên là cây mía thể hiện sự ngay thẳng, một đức tính tốt đẹp của người dân tộc Dao Tiền. Tất cả cùng với lợn, gà, rượu, sóc khô, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã, giấy bản… đều được bày lên bàn thờ.

Khi tất cả chuẩn bị xong xuôi, trưởng họ và thầy cúng sẽ làm lễ xin gia tiên cho làm lễ cầu mùa. Thầy cúng và trưởng họ dùng chuông lắc, kiếm chém, rung lục lạc , âm dương đi vòng quanh nhà theo hai hướng khác nhau cùng khấn thần linh. Sau đó sẽ hái một cành lộc ở ngoài vườn mang về để lên ban thờ. Thầy cúng tiếp tục cúng xin phép tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia tộc có một năm mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng...  Sau lễ cúng, dân bản và gia tộc sẽ cùng xòe, từng tốp 4 hoặc 5 người trở lên sẽ cùng xòe điệu xòe cầu mùa trước ban thờ, mỗi khi có khách vào làm lễ, khách sẽ mang quà mừng lễ cầu mùa vào trông nhà và cùng xòe điệu cầu mùa với gia tộc. Vừa xòe vừa giao lưu ăn uống như vậy cho đến thời khắc giao thừa.

Sau thời khắc giao thừa, trưởng họ sẽ mời hai vị khách là người có uy tín trong bản và là người ngoài họ làm lễ xua đuổi tà ma. Hai người này sẽ cầm kiếm cùng chủ nhà cầm biểu tượng âm dương cùng đi quanh nhà vung kiếm chém, kiếm phải chém sao cho lưỡi kiếm bị sứt mẻ mới thôi và khấn xua đuổi tà ma quanh nhà. Sau đó cùng đi hái lộc đầu xuân mang về kính cáo gia đình tổ tiên, cầu cho gia đình no ấm, con đàn cháu đống, mùa màng tươi tốt, súc vật khỏe mạnh đầy chuồng. Kết thúc lễ cầu, dân bản và gia tộc lại cùng nhau vui vẻ, xòe, hát cho đến hết đêm.

Tới ngày hết lễ, gia tộc sẽ thịt một con lợn to để mời tất cả người dân trong bản cùng chung vui. Trưởng họ và thầy cũng lại làm một lễ cúng đơn giản kính cáo tổ tiên, xin tổ tiên hạ lễ cầu mùa. Sau khi hạ lễ, gia tộc và người dân trong bản sẽ cùng vui hội xòe và chơi các trò chơi dân gian như đẩy gậy, leo dây, ném còn… và liên hoan cho đến khi nào  rượu đã say, trời đã tối mới thôi.