- Sẽ rào chắn các lối lên xuống bãi giữa sông Hồng từ cầu Long Biên
- Qua 120 năm khai thác, cầu Long Biên như tấm áo rách, vá chỗ này thủng chỗ kia
- Mặt cầu Long Biên liên tục bị “thủng”, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại
Cầu xuống cấp nhưng thiếu tiền duy tu
Tại tọa đàm “Ứng xử ra sao với cầu Long Biên” do Báo Giao thông tổ chức sáng 8/6, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, cầu Long Biên hiện nay đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, trước những nguy cơ mất ATGT sau nhiều sự cố xảy ra gần đây, đặt ra câu hỏi cần làm gì để bảo tồn cầu lâu dài.
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên cho biết, tiền thân cầu Long Biên gồm 30 nhịp bắc qua sông Hồng. Trong chiến tranh phá hoại năm 1972 đã bị đánh sập 17 nhịp dầm, chỉ còn 13 nhịp dầm đến bây giờ.
Bộ GTVT và Tổng cục Đường sắt đã khắc phục, đảm bảo an toàn cầu Long Biên bằng cách thay dầm T66 của Trung Quốc và hệ dầm YUKM.
Trước thực trạng cầu yếu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h).
Cầu Long Biên 120 năm tuổi đã xuống cấp nghiêm trọng |
Theo ông Vượng, hiện Công ty CP Đường sắt Hàng Hải đang bố trí 50 cán bộ công nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên, trong đó có 1 tổ làm nhiệm vụ tuần đường, 1 tổ bảo vệ cầu và 3 tổ duy tu.
Tuy nhiên, do cầu đã 120 năm tuổi, các kết cấu thép đã han gỉ, ăn mòn, cây cầu đến nay cũng đã “mỏi”, đòi hỏi phải được sửa chữa lớn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua cầu.
Sau khi liên tiếp xảy ra sự cố mặt cầu đi bộ bị thủng, Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan chức năng đã phối hợp lên phương án khắc phục. Công ty CP Đường sắt Hà Hải tăng cường đội tuần đường kiểm tra 1.691 mét cầu để sớm phát hiện sự cố, xử lý kịp thời. Công ty cũng đã cho gia cố hệ đỡ tấm đan.
Thời gian gần đây, cầu Long Biên liên tục bị thủng phần đường bộ |
Về kinh phí bảo trì cầu Long Biên, ông Vượng cho biết, những năm gần đây đã được chú trọng, năm sau tăng hơn năm trước. Riêng năm 2022, đã được Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao 9,7 tỷ đồng, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ, phần bảo vệ, tuần cầu đảm bảo ATGT 1,3 tỷ và phần đường bộ 400 triệu đồng...
Với số kinh phí này, công ty chỉ đảm bảo được việc thay các thanh tà vẹt gỗ bị mục nát, các thanh ray bị cong vênh, cạo gỉ các dầm cầu, lan can và sửa chữa các ổ gà trên đường bộ cũng như thay các tấm đan bị hư hỏng.
Ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng.
Theo ông Điệp, có tình trạng người dân phản ánh cầu rung lắc khi tàu đi qua, lo sợ an toàn chạy tàu nhưng với đặc trưng của cầu kết cấu thép, điều này là bình thường. “Tàu vẫn an toàn khi qua cầu, việc kiểm tra được tổ chức thường xuyên, các yêu cầu kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng cũng rất cần có dự án tổng thể để gia cố nâng cấp chứ không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại", ông Điệp cho hay.
Cầu mà không đi lại thì chỉ là phế tích
Tại buổi tọa đàm, các khách mời đều nhìn nhận, cầu Long Biên đã xuống cấp và đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải sớm có một cuộc “đại phẫu”, không thể kéo dài tình trạng “chắp vá” như hiện nay.
Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặc dù cầu Long Biên đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu như khu vực quận Hoàn Kiếm, khu vực Ái Mộ quận Long Biên, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.
Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT hiện đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.
“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu”, ông Hải nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh: “Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phải phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân”.
Theo ông Dương Trung Quốc, để giảm áp lực cho cầu, có thể phân giờ khung giờ, giờ nào cho xe máy qua, giờ nào cho khách du lịch lên cầu, chụp ảnh... Không chỉ Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng phải vào cuộc, có tiếng nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Bùi Khắc Điệp cho rằng, trong khi chờ định hướng rõ ràng với cầu Long Biên hiện hữu, cần tăng vốn bảo trì, đồng thời có dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên để đảm bảo an toàn khai thác giao thông qua cầu.
“Cần sớm đẩy nhanh việc xây dựng cầu mới thay thế để đáp ứng nhu cầu giao thông, vừa giảm tải cho cầu Long Biên”, ông Điệp nói.
Ông Nguyễn Quốc Vượng đề xuất, tới đây, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng ô tô, xe lam đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên.
Tuy nhiên, ông Trần Đăng Hải cho rằng, việc đặt các trụ cọc giao thông ngăn ô tô lên cầu Long Biên cần nghiên cứu thêm vì đường lên cầu hiện đang rất nhỏ và chỉ nên áp dụng biện pháp cưỡng bức này trong trường hợp bất khả kháng.
Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp với CAQ Hoàn Kiếm để đảm bảo trật tự ATGT trên cầu. Cùng với đó, phải tuyên truyền mạnh về quy định giao thông trên cầu Long Biên, đặc biệt là quy định cấm các phương tiện ô tô, xe thồ lưu thông.