Câu hỏi về một “đầu tàu kinh tế”

ANTĐ - Trong năm 2013, kinh tế Trung Quốc sắp kết thúc xu thế đi xuống kéo dài để lấy lại đà tăng trưởng. Dự báo do hãng thông tấn AFP đưa ra đang tạo niềm tin cho nền kinh tế thế giới. 


Hoạt động sản xuất của Trung Quốc luôn nhộn nhịp

Sau khi lấy ý kiến của 15 nhà kinh tế, AFP dự báo sau 7 quý liên tiếp tăng trưởng chậm, GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8% trong năm 2013. Cuộc thăm dò cũng dự báo nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2012. Con số này cao hơn mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2012 của Chính phủ Trung Quốc song thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 9,3% trong năm 2011 và 10,4% trong năm 2010.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc luôn nhộn nhịp

Đây là kết quả từ các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra. Trong năm 2012, Trung Quốc đã hai lần cắt giảm lãi suất chuẩn, nới lỏng các yêu cầu về tiền dự trữ đối với các ngân hàng và phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng trị giá tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD. Những quyết định đó đang góp phần cải thiện các số liệu trong ngành chế tạo, doanh số bán lẻ... từ quý II năm 2012. Bước vào năm mới 2013, những dấu hiệu phục hồi xuất hiện ngày càng nhiều. Còn trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tiêu dùng cá nhân thông qua nhiều biện pháp khác nhau, đáng chú ý là tăng lương cho người lao động.

Dù không trở lại thời kỳ đỉnh cao với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 2 con số nhưng kinh tế Trung Quốc phục hồi là một tin vui với các thị trường toàn cầu. Các giáo sư Đại học Havard cho rằng, nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái, hàng hóa toàn cầu có thể giảm giá tới 20%, dẫn đến tình trạng vỡ nợ quốc gia mang tính dây chuyền. Và điều quan trọng hơn là xu hướng tăng trưởng được cải thiện tại Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại các thị trường đang nổi.

Tuy nhiên, sự phục hồi đó có ổn định hay không thì vẫn còn nhiều câu hỏi. Thứ nhất, việc Trung Quốc duy trì chính sách đồng nhân dân tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu ra thế giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước đương nhiên sẽ gây thiệt hại cho các đối tác thương mại, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu. Hệ quả là các cuộc chiến tranh tiền tệ, chia rẽ chính trị và bảo hộ mậu dịch sẽ nổ ra, thương mại toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng.

 Người ta cũng lo ngại là sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc có thể biến thành nền kinh tế bong bóng. Thực tế hiện nay, chi tiêu dựa trên tín dụng dễ dàng tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng nguy hiểm, khiến thế giới lo ngại kịch bản suy thoái đầy kịch tính tại các nước Đông Nam Á năm 1997 có thể sẽ tái hiện ở Trung Quốc. Trầm trọng hơn, bùng nổ đầu cơ thúc đẩy xây dựng hạ tầng ồ ạt và quá mức tại Trung Quốc đang tràn sang các thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu thông qua các khoản tín dụng rẻ tiền mà Trung Quốc cung cấp cho thế giới.

Vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh nền kinh tế Trung Quốc nhưng sự phục hồi của cường quốc kinh tế số 2 thế giới là tín hiệu tốt cho triển vọng kinh tế toàn cầu.