Câu hỏi lớn 2012

ANTĐ - Một câu hỏi lớn cho việc điều hành nền kinh tế năm 2012 đã được đặt ra với Chính phủ: “Làm thế nào để vừa kiềm chế được lạm phát khoảng 9%, vừa đạt được mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5%?”. Đó là mục tiêu đề ra để đảm bảo “sức khỏe” của nền kinh tế nhưng cũng là mức khó đạt được, bởi vì GDP năm 2011 dù chỉ đạt 5,9% song phải nhờ sự “tiếp sức” rất đáng kể của gói kích cầu từ năm 2010. Trong năm 2012 không còn trông chờ vào “gói to hay gói nhỏ” nào nữa, trong khi tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước được dự báo sẽ khó khăn hơn cả năm 2011.

Mặc dù đặt nhiều hy vọng vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng không thể quá kỳ vọng đây sẽ là một cuộc cải cách “thần kỳ” mang lại những kết quả “phi thường”. Ngay trong Hội nghị của Chính phủ với các địa phương Thủ tướng đã đặt câu hỏi: Tái cấu trúc bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Chính phủ đã thảo luận, trình Quốc hội và xác định sẽ phải làm toàn diện, lâu dài là quá trình vận hành liên tục của sự phát triển. Năm 2011, điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt được coi là công cụ chủ yếu và năm 2012 cũng là như vậy.

Tương tự, năm 2011 Nghị quyết 11 được coi là tư tưởng chỉ đạo thì năm nay tinh thần của Nghị quyết vẫn tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, việc kiềm chế lạm phát trước hết phải thực hiện hiệu quả các giải pháp trong gói chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó việc hàng đầu là giảm lãi suất để phấn đấu thực hiện được mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức 6%. Có nghĩa là, Ngân hàng nhà nước phải làm sao vừa kéo lạm phát xuống, đồng thời kéo giảm lãi suất để đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dư địa của chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát không còn được bao nhiêu. Nếu lạm phát không được kéo giảm xuống, thì lãi suất cho vay cũng khó có cơ hội giảm, có nghĩa là cơ hội mở đường cho tăng trưởng kinh tế sẽ hạn hẹp.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải xác định được những nguy cơ thách thức trong năm 2012, đồng thời nắm chắc được cơ hội, phòng ngừa rủi ro. Tại cuộc hội thảo “Kinh tế 2012 - thách thức với các doanh nghiệp”, một số chuyên gia cao cấp chỉ rõ, phạm vi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là “khoanh vùng”, cương quyết thoái vốn các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư… Quá trình tái cấu trúc và khắc phục những yếu kém là một công việc cực kỳ phức tạp, khó khăn mà một chuyên gia đã ví như “sửa chữa động cơ máy bay khi đang bay”. Chuyển khó khăn, thách thức thành cơ hội, thậm chí phải chấp nhận “chịu đau”, trả giá hoặc mất mát để lớn mạnh lên.

Câu hỏi lớn năm 2012 cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp với những khó khăn và rủi ro vẫn chực chờ, có thể tìm ra lời đáp trong câu châm ngôn “cùng tắc biến, biến tắc thông” - khi đến nước cùng thì phải thay đổi mới tìm ra lối thoát.