Câu hỏi đáng sợ của sự tăng trưởng tín dụng

ANTĐ - Như vậy, kết quả cuối cùng của năm 2013, cùng với chỉ tiêu thu ngân sách của ngành tài chính hoàn thành, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của ngành ngân hàng cũng đạt xấp xỉ. Cùng với tiếng vỗ tay rầm rộ tại các hội nghị, những tiếng hô “zô” vui vẻ, những nét mặt hoan hỷ trong các cuộc liên hoan mừng chiến thắng. 

Nhưng ở một phía khác, những nhà doanh nghiệp vẫn đang méo mặt lo vốn chạy mua nguyên liệu, hoàn thành dự án nhà ở để trả cho khách hàng, mong thu nốt tiền để… trả nợ. Và rất nhiều nhà nghiên cứu kinh tế đang ngơ ngác: Sao thế, sao thế nhỉ? Ngơ ngác là phải. Đố ai có thể lý giải được sự tăng đột ngột, sự tăng không tưởng và là sự tăng đáng lo lắng của tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Sự tăng trưởng không tưởng!

Hoàn toàn ngạc nhiên. Đúng vậy. Theo số liệu do chính Ngân hàng Nhà nước cung cấp, cho đến hết tháng 10-2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ ở mức 7,18% nhưng tại Hội nghị toàn ngành ngân hàng tại TP.HCM, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến 27-12-2013, tín dụng đã tăng trên 11%. Chỉ trong hai tháng, toàn hệ thống đã thực hiện được công việc của 7 tháng trong khi các điều kiện cho việc tăng trưởng tín dụng có vẻ còn khó khăn hơn. Mặc dù lãi suất cũng như khả năng thanh khoản cao của cả hệ thống ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay do hiệu quả kinh doanh thấp, nợ xấu vẫn là một gánh nặng chưa tiêu. 

Có thể thấy rằng, những mục tiêu hướng dòng vốn vào những lĩnh vực bền vững, căn cơ của nền kinh tế đang không như tính toán của Ngân hàng Nhà nước. Và, trong con số tăng trưởng tín dụng đầy nghi hoặc nói trên, vẫn chỉ tập trung vào các khách hàng lớn, doanh nghiệp Nhà nước. Còn, tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó tiếp cận vốn. Sự đông cứng về quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang báo trước những tín hiệu không thuận lợi trong năm 2014. 

Có thể nói, sự tăng trưởng của tín dụng diễn ra vào những ngày cuối năm là sự tăng trưởng đáng lo. Những con số hàng nghìn tỷ cho những dự án lớn vay, những hợp đồng tài trợ vốn lớn cho những dự án hạ tầng được sự bảo lãnh của ngân sách đang hút hết vốn dành cho sản xuất. Đâu đó đã thấy cạnh tranh trong huy động vốn với những khoản thưởng cho những hợp đồng gửi tiền, những tỷ lệ lãi vượt khung dưới nhiều chiêu khuyến mãi đã được tung ra…

Sự tăng trưởng đáng lo lắng

Trong khi vốn không đổ về doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tăng cao và có phần đột ngột đã dấy lên những nỗi lo lắng. Các chuyên gia ngân hàng đánh giá có tới 4 khả năng không cần đẩy mạnh cho vay cũng có thể nâng cao được tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Thứ nhất, chỉ cần đưa những hợp đồng tài trợ vốn lớn mới ký kết, chưa giải ngân, thậm chí mới chỉ là cam kết giữa ngân hàng với khách hàng vào báo cáo là con số tăng trưởng đã thay đổi. Thứ hai, chỉ cần các cán bộ tín dụng mở cửa cho vay đảo nợ, vừa giảm nợ xấu, vừa tăng tín dụng thì tỷ lệ tăng trưởng cũng sẽ tăng cao. Thứ ba, các cán bộ tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Và cuối cùng là các ngân hàng đẩy mạnh cho doanh nghiệp sân sau của nhau vay. Vậy là cùng tăng, nhưng tiền thì vẫn nằm ở ngân hàng hoặc tồi tệ hơn nó rơi vào vòng nguy hiểm. 

Trong những khả năng đó, đáng lo nhất là việc tăng cho vay tiêu dùng và cho các doanh nghiệp sân sau vay chéo của nhau. Với cho vay tiêu dùng, lẽ thông thường, tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi. Song có không ít băn khoăn, có hiện tượng một lượng vốn không nhỏ từ tín dụng tiêu dùng đang được sử dụng cho các mục đích khác? Giám đốc khối bán lẻ của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, lượng hồ sơ vay tiêu dùng của ngân hàng đã tăng gấp 8 lần so với đầu năm.

Tuy nhiên, ngân hàng không thể kiểm soát được đường đi cùng vốn vay tiêu dùng. Doanh nghiệp vướng nợ xấu, thiếu tài sản thế chấp có thể “lách” quy định này, bằng cách chuyển sang vay tiêu dùng cá nhân dạng tín chấp, sau đó sử dụng tiền vay để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ “tín dụng đen”. Nếu số tiền này được dùng để trả nợ “tín dụng đen”, thì nợ xấu rõ ràng sẽ là nguy cơ lớn với ngân hàng. Các chuyên gia nhận xét, trên thị trường tín dụng đang có hiện tượng cho vay chéo với các DN sân sau. Ngân hàng A cho các DN sân sau của ngân hàng B vay với lãi suất thấp và ngược lại, ngân hàng B lại cho các DN sân sau của ngân hàng A vay với lãi suất thấp tương tự nhằm giúp nhau mua lại bất động sản giá rẻ hoặc để đảo nợ các dự án bất động sản đến kỳ mà không thanh toán được, chứ không đi vào sản xuất. Hoạt động cho vay này sẽ dẫn đến thảm họa nợ xấu không bao giờ khắc phục được, làm rối loạn mọi kế hoạch tài chính quốc gia. Còn nếu để đảo nợ, ngân hàng sẽ đẹp sổ sách trong một thời gian nhất định, song số nợ vẫn còn nguyên, thậm chí có nguy cơ phình to hơn.

Trong cuộc họp đầu năm 2014, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã công bố: Chỉ 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Với con số ấy, khi tín dụng thì tăng trưởng mà vốn thì không đến nơi cần đến, sự lo lắng của các nhà nghiên cứu là có lý. Chỉ ngân hàng là vỗ tay vì với những con số tăng trưởng tín dụng này, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 sẽ tăng mà không cần xin xỏ ai. 

Thêm một nỗi lo lớn: Nỗi lo quản trị

Chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, một loạt các vụ án kinh tế liên quan đến hàng chục nghìn tỷ của ngân hàng đã được đem ra xét xử. Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo các chi nhánh hầu tòa và nhận được những bản án nghiêm khắc vì tham ô, nhận hối lộ, chí ít cũng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nội dung các vụ án đó dư luận đã theo dõi và đã thấu hiểu. Cái mà dư luận chưa thể hiểu được là những số tiền thất thoát khổng lồ không có cách nào thu hồi được. Và chắc chắn các khoản này sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho các ngân hàng. Thêm một điều nữa, trong lúc để vay được một đồng của ngân hàng, các khách hàng cần vốn cho sản xuất kinh doanh phải trèo qua những dẫy núi vừa cao vừa dài của các thủ tục, cao và dài đến độ nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc, thì nhiều doanh nghiệp vớ vẩn với những giám đốc ban trứng vịt lộn, những giám đốc không đi học vẫn có thể vay được hàng trăm tỷ mà sau đó số tiền đó theo chim bay đi… Cuối năm, vụ bảy ngân hàng chấp nhận một kho cà phê rởm của Công ty Trường Ngân để cho vay lại dấy lên sự lo ngại thực sự về chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và sự giám sát của cơ quan Nhà nước. 

Có hay không hiện tượng để đẩy cao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đã có một sự hạ chuẩn vay của một số doanh nghiệp biết bôi trơn hệ thống? Và bao giờ những món vay này trở thành vụ án?