Câu chuyện về lương ở EVN và sự “đau lòng” của vị Tổng Giám đốc

ANTĐ - Với mức lương trung bình của cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2009 là 7,3 triệu đồng/người/tháng, năm 2010, lương của đội ngũ này còn bằng 95% năm trước, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết: “Tôi đau lòng vì lương của cán bộ nhân viên EVN quá thấp”...

Ngân hàng, dầu khí, điện lực... có mức lương cao (Ảnh minh họa)

Theo ông Thanh, do hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút nên lương bình quân của cán bộ, công nhân viên EVN năm 2010 giảm xuống còn khoảng 6,93 triệu đồng/tháng. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Theo tôi, mức lương như trên là quá cao”! Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia kinh tế khác cũng khẳng định lương EVN trả cho người lao động của doanh nghiệp này không hề thấp mà đứng trong “top” đầu của những doanh nghiệp có mức lương cao nhất cả nước.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2009, tiền lương trung bình của người lao động cả nước ước đạt 2,849 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng/người/tháng; riêng công ty thuộc hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước ước đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh ước đạt 2,05 triệu đồng/người/tháng.

Dễ dàng nhận thấy lương cán bộ công nhân viên EVN không những cao hơn lương của các doanh nghiệp nhà nước nói chung, mà còn cao hơn nhiều so với lương trung bình của các công ty thuộc hạng đặc biệt, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước!

Nếu đối chiếu với số liệu Tổng cục Thống kê công bố năm 2011 sau khi có kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam, thì cán bộ công nhân viên EVN... cực giàu bởi chỉ riêng khoản lương hàng tháng, EVN đã trả cao hơn tổng thu nhập bình quân của người Việt Nam. Cụ thể, thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng và thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất là trên 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ chi trả lương cho cán bộ công nhân viên cao hơn mức thu nhập trung bình của doanh nghiệp nói chung mà so với các tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn, lương của EVN vẫn không có lý do gì khiến lãnh đạo tập đoàn này phải “đau lòng”.

Báo cáo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương công bố hồi tháng 9-2011 cho thấy, năm nay, lao động thuộc lĩnh vực ngân hàng có thu nhập cao nhất, trong đó, lao động thuộc Ngân hàng Công Thương, Ngoại thương có mức thu nhập bình quân 15-18 triệu đồng tháng/người; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 16,2 triệu đồng/tháng/người... Và nhóm các doanh nghiệp Nhà nước có thu nhập thấp gồm: Tổng công ty Cà phê, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy - Vinashin, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các đơn vị xây dựng có mức lương dưới 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đây là mức thu nhập hàng tháng của người lao động. Bởi vậy, với lương hơn 7 triệu đồng/người/tháng dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của cán bộ, công nhân viên EVN có thể cao hơn mức này thì EVN vẫn đứng trong danh sách những doanh nghiệp nhà nước có mức lương “đáng mơ ước”.

Trong cuộc trao đổi với báo chí hồi cuối tháng 10-2011, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), bà Tống Thị Minh cho biết, năm 2010, những ngành nghề đứng đầu về trả lương cho lao động gồm: mỏ, luyện kim bình quân khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng; ngân hàng có mức lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng; dược bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; điện tử, viễn thông 5,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, lương của EVN tương đương với lương của lao động trong ngành dược và thuộc “top” đầu. Trong bối cảnh kinh doanh liên tục thua lỗ (như báo cáo của EVN), mức lương này rõ ràng còn những bất hợp lý.

Một chuyên gia kinh tế cho hay: “Theo tôi biết, chưa có tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào tự công bố lương của cán bộ công nhân viên thuộc đơn vị mình. EVN là trường hợp đầu tiên. Nếu lãnh đạo EVN đau lòng vì trả lương quá thấp thì có lẽ, họ kỳ vọng lương trung bình phải ở mức vài chục triệu/người/tháng trong khi kinh doanh lại lỗ hàng nghìn tỷ”? Cũng theo vị chuyên gia này, những cử nhân tốt nghiệp đại học công tác tại nhiều lĩnh vực khác, nếu trong cơ quan nhà nước 3 năm được tăng lương 1 lần, người công tác 15 năm mới chỉ có mức lương gần 3 triệu đồng/tháng; lao động giản đơn vất vả lương càng thấp hơn. “Nói như ông Thanh, 7 triệu đồng/người/tháng sống ở nông thôn thì ổn, vậy những người lao động có mức lương chưa bằng nửa lương của cán bộ công nhân viên EVN thì họ đang sống ở đâu?” - chuyên gia kinh tế này bất bình.

Tin cùng chuyên mục