Câu chuyện kỳ lạ xung quanh “cây khế thần” trong phế tích thành cổ

ANTĐ - Người dân Thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai) quen gọi cây khế trong phế tích thành cổ trước kia là “cây khế thần”. Nhìn bề ngoài nó chẳng khác gì một cây khế bình thường với tán lá rậm rạp và thân cây cổ thụ, thế nhưng điều kỳ lạ là “cây khế thần” mỗi năm kết trái một lần và trong những trái ấy có trái ngọt lịm nhưng có trái lại chua loét. Và điều đáng bàn hơn cả là những điều kỳ lạ xảy ra xung quanh “cây khế thần” này. 
Câu chuyện kỳ lạ xung quanh “cây khế thần” trong phế tích thành cổ ảnh 1

Đi tìm phế tích bị bỏ quên gần 400 năm

Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nổi tiếng với trận đánh Phố Ràng năm 1946 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng ít ai để ý đến nơi đây từ xa xưa đã từng tồn tại một ngôi thành kiên cố, sầm uất vào thế kỷ XVI. Trong thành có ngôi chùa Phúc Khánh, nằm giữa thung lũng Phố Ràng, trên đỉnh gò Tấp (gò Kim Quy). Qua thời gian thịnh trị, giặc phương Bắc tràn xuống nước ta tàn phá, giết chóc. Vùng biên ải Nghị Lang tiêu điều trong bãi chiến trường, chùa Phúc Khánh cũng tan hoang, đổ vỡ. Hết chiến tranh phong kiến lại đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với bọn đế quốc thực dân, đồi Tấp, chùa Phúc Khánh chỉ còn là những rừng rậm, cỏ cây. Lẩn khuất trong cỏ cây bụi rậm gần 400 năm không được ai nhớ đến, tuy nhiên gò Tấp, là một nơi linh thiêng khiến người dân nơi đây ai đi qua cũng phải kính cẩn ngả mũ. Nơi đây còn được người dân trong vùng biết đến với cây khế kỳ lạ với hai loại quả chua ngọt khác thường. 

Theo lời bà Trần Thị Đài (76 tuổi), khoảng những năm 1992, 1993, người dân từ dưới xuôi lên đây xây dựng vùng kinh tế mới từ trước đó hầu hết đã đến tuổi nghỉ hưu. Lúc này các cụ muốn tìm một nơi để  sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh lúc về già. Tuy nhiên trong vùng chưa có chỗ nào để các cụ lễ bái. Một hôm bà Đài gò Tấp thì bỗng có người nhà ở dưới chân núi đi xe đạp đến, ở phía sau xe chằng mấy mảnh đá vỡ nhìn kỹ là phần đầu của 1 tấm bia đá cổ. Người đàn ông nói ngày trước đi qua đây, thấy mấy phiến đá đẹp, rất hợp để kê cầu ao và kê chân cột nhà nên cứ thế khuân về. Nhưng từ ngày mang mấy phiến đá về chẳng hiểu sao có rất nhiều sự lạ xảy ra. Người trong nhà cứ đếm đến lại nằm mơ thấy một đoàn quân mũ giáp chỉnh tề cưỡi ngựa phi qua khiến nhà cửa tang hoang. Ai nấy đều kinh hồn bạt vía, tỉnh dậy thì thấy ê ẩm khắp người. Lợn gà trong nhà nuôi thì cũng bệnh tật rồi lăn đùng ra chết.

Thậm chí cá dưới ao cũng chết nổi phềnh… mấy hôm trước đó vợ ông ta đi xem thầy cúng mới biết nguyên nhân là do ông lấy những vật không thuộc về mình ở nơi đất linh thiêng, phải đem trả gia đình mới được yên ổn. Nói xong ông ta đặt mấy phiến đá cẩn thận, chắp tay vái, miệng lẩm nhẩm mấy câu gì không rõ rồi lên xe đạp xe đi mất. Bà Đài cùng  với một số người bạn già của mình thấy sự lạ thì cất giữ những phiến đá cẩn thận rồi rủ nhau lập nên ngôi đền nhỏ đơn sơ dưới chân gò Tấp, ngôi đền làm bằng tranh tre, lứa lá để lễ bái ngày rằm mùng một. 

Năm 1996, ông Nguyễn Huy Ích một người chuyên nghiên cứu, sưu tầm tìm hiểu về nền văn hóa cũ đến thăm ngôi đền tạm ở chân gò Tấp, đến đây, ông được bà Đài cho xem ba mảnh vỡ của tấm bia vỡ và cụ Rùa cổ bằng đá, ông vội vàng cọ rửa tấm bia và đọc được ít chữ còn lưu lại “Phúc Khánh tự bi ký”. Ông nói với bà Đài: “các bà đang tìm chỗ để thờ tự chứ gì? Đây chứ đâu!”. Sau đó, ông Ích và bà Đài lên kế hoạch làm rõ nguồn gốc lịch sử văn hóa của nơi đây. Năm 2001, Bộ Văn hóa chính thức công nhận chùa Phúc Khánh trên đình gò Tấp thuộc Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử. Sau đó cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử, văn hóa, phế tích thành cổ Nghị Lang”. Người dân vui mừng phấn khởi vận động nhau xây một “ngôi đền tạm” để thờ cúng trong khi chờ kinh phí của Nhà nước. Quá trình khởi công xây dựng lại ngôi đền cũng có nhiều chuyện đáng nói.

“Liêu trai” thành cổ…

Theo những câu chuyện dân gian kể lại thì gò Tấp là vùng đất rất linh thiêng, người ta còn kể cho nhau nghe về những sự lạ từ những phế tích còn lại của thành cổ Nghị Lang. Và có lẽ chính vì thế mà khi kinh phí xây đền tạm đã có, người dân cũng đồng lòng nhưng chẳng một công ty xây dựng nào dám đứng ra nhận công trình vì sợ phạm lỗi với thần linh nơi đây. Vận động mãi, người dân cũng mời được đơn vị công binh Tiểu đoàn 27 (Lữ đoàn 534) về san gạt.

Ngày khởi công xây dựng, những anh lính công binh cho những chiếc máy ủi bò lên Gò Tấp để tập kết. Chẳng hiểu vì nhiệt tình quá hay thế nào mà mấy anh này nổ máy định thử “ben” mấy đường. Một chiếc máy ủi nổ, khói bay nghi ngút, chiếc này do một anh công binh khá trẻ điều khiển. Tuy nhiên, vừa bò được hơn 1 mét, chiếc xe ủi đang lùi lũi đi phát ra những tiếng kêu rầm rầm bỗng nhiên khựng lại và… chết lặng. Mọi ánh mắt đổ dồn vào chiếc xe. Tốp thợ vội vã tìm nguyên nhân để sửa chữa, thật kỳ lạ, máy móc chẳng có vấn đề gì nhưng không thể khởi động được. Biết tin máy không hoạt động được, đơn vị bộ đội cử thêm một chiếc máy Trung sa lên hỗ trợ. Chiếc xe hồ hởi bò đến lưng chừng gò Tấp thì đột ngột chết máy. Nghi chiếc máy bổ sung có vấn đề kỹ thuật nên một chiếc máy ủi dự phòng chiến lược của đơn vị đã được điều động. Chiếc xe này leo lên đỉnh gò an toàn nhưng đến nơi cũng lại “xịt” như hai chiếc máy ủi trước đó. 

Nguyên chủ tịch thị trấn Phố Ràng lúc đó là ông Vũ Ngọc Dương kể lại: “lúc đó cả ba chiếc máy ủi đều bị chết máy mà không rõ nguyên nhân tại sao. Các cụ trong đền bảo việc nhà đền chưa xong, giờ lành chưa tới đã vội tiến hành nên bị như vậy. Tôi với ông Hoàng Kim Đồng cán bộ văn hóa lúc bấy giờ liền vào đền khấn xin được động thổ thì đột nhiên máy ủi đều nổ giòn. Theo kỹ thuật san gạt thì máy ủi phải tiến thẳng những chẳng hiểu linh tính thế nào lúc đó tôi lại chỉ về phía Đông Bắc và bảo các anh bộ đội ủi những ben đầu tiên về phía đó.” Chiếc máy ủi đi được vài mét thì có những chiếc chén bằng kim loại và chiếc bình vôi bật lên khỏi mặt đất trong sự sửng sốt của những người chứng kiến. Họ cẩn thận mang đi rửa thì phát hiện 9 chiếc chén đều được làm bằng bạc. Công việc được tiến hành suôn sẻ, không gặp bất kỳ khúc mắc nào. Nhiều vật dụng của thời kỳ trước đây được tìm thấy và lưu giữ, nó chứng minh một thời kỳ hưng thịnh dưới thời cai quản của chúa Bầu. 

Chuyện về cây khế thần

Trong phế tích thành cổ có lẽ chuyện về “cây khế thần” là khiến người ta chú ý hơn cả. Cây khế kỳ lạ mang khiến du khách thập phương ai đến cũng phải đứng dưới tán khế cầu may. Người già nhất ở huyện Bảo Yên này nói, từ nhỏ ông đã thấy cây khế to như vậy cho đến giờ cũng không thay đổi là mấy. Dễ tuổi của cây khế cũng tầm gần 200 năm. Nằm ở vị trí sau đền chính, cạnh đường đi lên đỉnh gò Tấp từ phía sau, cây khế cổ thụ có tán lá rộng, rợp mát cả một khoảng đất rộng lớn. Gốc khế có màu xanh rêu mốc đượm màu thời gian, một hốc cây không biết có từ khi nào mà trước kia người ta đồn là nơi ở của con rắn có mào(?). Bây giờ hốc cây đó đặt một bát hương cho du khách thắp hương lễ bái. 

Bà Đài kể, ngày trước khi đơn vị công binh san ủi con đường phía sau lên đền, mấy anh bộ đội bị một phen hoảng hồn khi ủi qua cây khế này. Cây khế so với chiếc máy ủi thì chẳng thấm vào đâu, ấy vậy mà khi mấy anh bộ đội đặt ben san đất ủi đường qua rễ cây khế thì xe ủi xém chút thì bị lật nhào. Chưa hết, chiếc rễ khế vắt ngang đường cũng chẳng mảy may bị sứt sẹo gì, mấy anh cố ủi thêm thì máy ủi không hoạt động được nữa. Nhà đền lại bảo mấy anh phủ đất làm đường cao hơn một chút phủ lên rễ cây khế thì việc mới thành. Khi ngôi đền được xây dựng xong, người ta thấy ở cây khế thần xuất hiện một đôi bướm hoa to đẹp lạ thường. Sải cánh của đôi bướm dễ phải to như chiếc quạt giấy. Đôi bướm bay lượn qua ngôi đền, bay quanh đỉnh gò Tấp, cuối cùng chúng quay trở lại cây khế đậu hồi lâu. Dân làng thấy lạ, gọi các cụ trông đền ra khấn, lúc sau đôi bướm bay vút lên trời. Người ta bảo, đôi bướm là hiện thân của các vị quốc công khi xưa hiện về thăm lại đất cũ. Cũng có người bảo, khế thường thì có các loại bướm khế bình thường nhưng đây là khế “thần” nên bướm được sinh ra từ cây cũng phải đặc biệt. 

Lại có chuyện trước kia, khi trường học sơ tán về gần gò Tấp, có mấy cậu học trò nghịch ngợm trèo lên cây khế chơi. Khi đến giờ vào lớp, một cậu nghịch nhất trong số đó đứng từ trên cây tè xuống trêu lũ bạn ở dưới rồi cười khành khạch. Mấy đứa kia bực mình bỏ vào lớp trước, nhưng mãi không thấy cậu học trò kia đâu. Tan học, cả lũ nháo nhào đi lên chỗ cây khế tìm cậu ta thì thấy cậu ta vẫn ngồi trên cây khế cười sằng sặc, gọi thế nào cũng không biết đường xuống. Mấy đứa bạn bảo nhau chạy về gọi bố mẹ cậu ta, rồi nhờ người già ra khấn vái tạ lỗi với thần cây. Kỳ lạ thay, các cụ vừa khấn xong thì đứa bé nhảy từ trên cây xuống đất như chưa từng có chuyện gì xảy ra(?)

Một lần khác, có đoàn khách lên lễ đền, lúc gần về một cô mới “mót” quá, đi ra gần phía cây khế mà “hành sự”. Nhưng khi đứng dậy thì cô này hoảng hồn vì bị ngã xuống, khi nhìn xuống dưới thì không thấy chân mình đâu. Cô ta mới kêu khóc, nhiều người đi cùng chạy ra đỡ dậy. Cô này nước mắt ngắn nước mắt dài mếu máo bảo mình bị mất chân, mấy người mới lấy làm lạ bởi họ vẫn thấy chân cô ta đang hiện hữu nhưng chả hiểu sao cô ta lại không đứng được dậy mà lại cứ la oai oái. Hỏi ra mới biết sự việc, thế là họ mới sắm thêm một cái lễ, cúng bái cẩn thận, đoàn khách về đến thành phố Lào Cai thì bỗng nhiên cô này cử động lại được đôi chân(?)

Những chuyện xung quanh cây khế thần, ngôi đền Phúc Khánh trên đỉnh gò Tấp, mang nhiều màu sắc huyền bí. Người ta ngầm hiểu rằng ở các làng quê Việt Nam, nhất là những nơi thờ tự chung, nhân gian thường thêu dệt nên những câu chuyện kỳ lạ để tăng tính linh thiêng và tên tuổi của nơi đó. Đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng, không ai đi xác thực những chuyện ấy, nhưng nó tô vẽ thêm cho vùng đất và ngôi đền có bề dày lịch sử văn hóa này.