CATP Hà Nội Triển khai Đề án 06: Để người dân được thụ hưởng tối đa lợi ích của công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội là 1 trong 5 địa phương triển khai thí điểm Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06 của Chính phủ). Trong quá trình tổ chức thực hiện, những ngày này, CATP Hà Nội đã linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc về đích trước tiến độ.

Làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ

Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để xác thực định danh điện tử công dân, đặc biệt là đối tượng sinh năm 2004, 2007 để các em có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến theo phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo phát động chiến dịch, phấn đấu đến trước ngày 4-5 bảo đảm 100% công dân trong lứa tuổi 2004, 2007 (nếu dự thi) đều được cấp mã định danh. Riêng CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đến ngày 3-5, tức ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ, phải hoàn thành xác thực định danh điện tử cho công dân trong độ tuổi 2004.

CAQ Bắc Từ Liêm triển khai xác thực định danh điện tử cho học sinh

CAQ Bắc Từ Liêm triển khai xác thực định danh điện tử cho học sinh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, CATP Hà Nội đã tập trung lực lượng, không nghỉ lễ 30-4, 1-5, phục vụ nhân dân làm Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và xác thực định danh điện tử công dân. 100% đơn vị công an quận, huyện, thị xã đã duy trì công tác cấp định danh trong đợt nghỉ lễ. “Dù làm việc trong những ngày nghỉ lễ, nhưng lực lượng Công an Thủ đô vẫn nghiêm túc chấp hành đúng nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu dân cư và trực tiếp chỉ đạo xem xét kiểm điểm những đơn vị, cá nhân không thực hiện mệnh lệnh công tác” - Đại tá Nguyễn Hồng Ky thông tin.

Đại tá Ngô Duy Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH, CATP Hà Nội) cho biết, đã là năm thứ 2, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH không có kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 bên gia đình và người thân. “Chúng tôi biết đó là điều rất thiệt thòi, song vì nhiệm vụ chung hướng đến quốc gia số, mà trước mắt là kỳ thi tuyển sinh THPT và đại học, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lớn lao này” - Đại tá Ngô Duy Thắng bày tỏ.

Gác lại chuyến đi xa của gia đình dù đã lập kế hoạch từ trước, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, Thượng úy Nguyễn Việt Linh - Cảnh sát khu vực CAP Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm đã có mặt tại trụ sở đơn vị từ khá sớm. Thượng úy Nguyễn Việt Linh chia sẻ: “Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 được xem như khoảng thời gian dành cho gia đình, ai cũng muốn có giây phút thư giãn cùng cha mẹ, con cái. Nhưng vì trách nhiệm với công việc, người dân tranh thủ kỳ nghỉ lễ thực hiện việc làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp và xác thực định danh điện tử, bản thân tôi cũng như hàng nghìn CBCS của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH sẵn sàng gác lại niềm vui bên gia đình để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ nhân dân”.

Từ tháng 3 vừa qua, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06

Từ tháng 3 vừa qua, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06

Những thành quả đầu tiên

Theo lãnh đạo CATP Hà Nội, với nỗ lực thực hiện Ðề án 06, đến nay các nhiệm vụ cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Và điều đáng mừng là những “trái ngọt” từ việc chuyển đổi số đã hiện hữu trong cuộc sống mà người dân chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất. Tỷ lệ người dân tiếp cận với việc đăng ký giải quyết cư trú qua dịch vụ công đã được tăng lên. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm, triển khai đúng tiến độ. Trong đó, đã kết nối, chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo vượt tiến độ đề ra. Việc tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế lên CCCD gắn chíp giúp cho người dân chỉ mang một loại giấy tờ trong quá trình khám chữa bệnh. Từ tháng 3 vừa qua, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06.

Trong lĩnh vực giao thông, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Công dân chỉ cần cung cấp cho lực lượng chức năng thông tin về CCCD, số điện thoại di động là hệ thống dịch vụ công sẽ tự động gửi mã số quyết định xử phạt để người dân chủ động tra cứu, kiểm tra và chọn hình thức nộp phạt trực tuyến. Hơn 2 tháng qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông trên địa bàn Hà Nội triển khai xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3 và mức độ 4.

Ở cấp độ này, Cảnh sát Giao thông sẽ lập và nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, gửi số quyết định đến cho người vi phạm qua số điện thoại đăng ký. Từ số (mã) quyết định vi phạm này, người vi phạm có thể vào hệ thống tra cứu thông tin, tiến hành nộp phạt trực tuyến tại nhà mà không cần tốn thời gian đến trụ sở các đơn vị của Cảnh sát giao thông. Trước mắt, người dân sau khi nộp phạt trực tuyến vẫn phải đến cơ quan Công an nhận lại giấy tờ. Tuy nhiên, trong thời gian rất ngắn sắp tới, khi dịch vụ công quốc gia đã kết nối với bưu điện, người dân sẽ không cần đến cơ quan Công an lấy giấy tờ nữa mà lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ chuyển lại giấy tờ qua hệ thống bưu điện đến địa chỉ người dân đăng ký.

Trong lĩnh vực y tế, ngày 8-3 vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Ðức Giang (Hà Nội), Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai tiện ích sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế được tích hợp lên CCCD gắn chíp. Khi người dân đến khám, chữa bệnh tại đây, người dân chỉ cần xuất trình CCCD là có thể thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.

Mới đây nhất, ngày 7-4, với sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Các điểm này bố trí máy tính có kết nối Internet để người dân sử dụng dịch vụ, giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó có 25 dịch vụ công thiết yếu. Công an phường, cán bộ tư pháp… sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký, sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử.

Tính đến ngày 5-5, trong tổng số 40 dich vụ công thuộc cấp thành phố đã có 6 dịch vụ công đã đạt mức độ 4; 3 dịch vụ công đã đạt mức độ 3 theo yêu cầu của Bộ Công an, đảm bảo đúng tiến độ đề ra để người dân sớm được thụ hưởng lợi ích từ Đề án 06.

Ưu tiên tối đa công tác cập nhật dữ liệu

Để triển khai thực hiện Đề án 06, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 21-3-2022 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn chiến lược được năm 2030. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, Tổ công tác Đề án 06 từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan và 20 xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ rà soát phương tiện, máy tính, thiết bị, nguồn nhân lực, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện.

Về công tác đảm bảo dữ liệu dân cư “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, CAH đã cập nhật thông tin của 99,8% đối tượng; 100% người dân được thông báo số định danh cá nhân; cập nhật bổ sung hơn 35.000 trưởng hợp được hưởng trợ cấp do gặp khó khăn bởi Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, đồng thời phối hợp với cơ quan y tế cập nhật thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với 371.560 mũi các loại. CAH cũng đã tiến hành triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Tính đến ngày 5-5, CAH đã tiếp nhận tổng số 4.803 hồ sơ, xác định danh điện tử được 4.301 trường hợp. Ngoài ra, qua triển khai dịch vụ công đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, huyện đã hoàn thành cung cấp 6 dịch vụ công thiết yếu mức độ 3 và 4 gồm: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, xác nhận số CMND khi được cấp thẻ CCCD và nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua thiết bị ghi hình.

Ông Nguyễn Hoàng Trường - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức

Học sinh thuận lợi hơn trong đăng ký thi tuyển sinh đại học

Học sinh chờ xác thực định danh điện tử tại CAQ Hoàng Mai

Học sinh chờ xác thực định danh điện tử tại CAQ Hoàng Mai

Chúng tôi đánh giá cao việc chuyển hình thức đăng ký thi tốt nghiệp từ trực tiếp sang trực tuyến bởi phương thức này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và các khâu kiểm tra. Có được sự thuận lợi này là do trước đó, nhà trường đã vận động học sinh, đặc biệt là học sinh khối 12 chủ động xác thực định danh điện tử. Mọi năm, sau khi hướng dẫn học sinh cách điền phiếu đăng ký dự thi, trường phải cử một cô giáo viết chữ đẹp điền mẫu, sau đó in cho mỗi em 1 tờ. Các em sau đó tập điền trước rồi đưa giáo viên chủ nhiệm kiểm tra. Chỉ khi thông tin chính xác, học sinh mới điền vào tờ phiếu chính thức. Ngay cả khi cẩn thận như vậy vẫn có những học sinh làm sai khiến mất thời gian cho cả giáo viên và học sinh. Nhưng nay, nhờ có xác thực điện tử, học sinh có thể dễ dàng vào hệ thống, đăng nhập lựa chọn môn thi đăng ký và bấm nút gửi. Các em có thể dễ dàng rà soát trên máy tính, trước khi gửi, tránh được sự sai sót; đồng thời tiết kiệm chi phí so với cách nộp hồ sơ trực tiếp như trước đây.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội

Giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Công dân trải nghiệm giao dịch ngân hàng bằng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM

Công dân trải nghiệm giao dịch ngân hàng bằng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM

Khi Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD của Bộ Công an thông tin thí điểm triển khai ứng dụng tích hợp thẻ ATM vào CCCD gắn chíp tại một số ngân hàng lớn, chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm hữu ích, thiết thực và hiệu quả khi có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Từng ngân hàng in thẻ chíp khác nhau tốn rất nhiều tiền và nếu tích hợp thông tin thẻ ATM vào CCCD gắn chíp sẽ tránh được sự lãng phí đó. Thẻ CCCD gắn chíp sẽ xác thực được khách hàng là ai, qua đó giúp người sử dụng rút tiền, hay các giao dịch khác một cách an toàn. Việc triển khai thành công ứng dụng CCCD gắn chíp trên các giao dịch tự động sẽ hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu Chứng minh thư thông thường trước đây.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam