Cắt tóc thời... Covid-19

ANTD.VN - Khi dịch Covid-19 đã lan rộng, Chính phủ kịp thời ra chỉ thị cách ly xã hội. Hàng ăn uống, cà phê, quán nhậu dĩ nhiên phải đóng cửa đầu tiên từ cách đấy vài ngày rồi. Tất cả các ngành hàng dịch vụ cũng vậy.

Thay vì ra cửa hàng cắt tóc như trước kia, giờ đây những ông bố trở thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ tại nhà (Ảnh minh họa) 

Thật ngạc nhiên ngành cắt tóc gội đầu không được liệt vào những ngành nghề có thể hoạt động trong thời kỳ cách ly toàn xã hội như xăng dầu, thực phẩm, y tế… Cuộc sống thị dân nhiều năm gần đây đã làm quen đáng kể với dịch vụ này. Đã có nhiều quý bà, quý cô không còn thói quen gội cái đầu của mình nữa. Thực ra với những kiểu tóc cầu kỳ bảnh chọe thì kỹ năng của các bà là không đủ để chăm sóc cho bộ tóc của mình. Hàng gội đầu đóng cửa là đành chịu ngứa đầu cả ngày không dám gãi.

Các quý ông thành phố đã bắt đầu quay trở lại với nếp sinh hoạt xưa. Coi việc ra hiệu như một nhu cầu không chỉ để cắt tóc. Nhiều lúc là chứng tỏ đẳng cấp của mình. Ngoài ấy có trăm hồng nghìn tía với những dịch vụ rất lạ. Massage đầu cổ vai gáy. Nhổ tóc bạc, nhổ râu….

Đàn ông tầng lớp bình dân cũng phải tháng một lần soi mình vào chiếc gương ở hiệu cắt tóc. Thực ra là được soi gương một cách đàng hoàng kỹ lưỡng nhất. Đàn ông soi gương ở nhà hay ở công sở hình như bị coi là kém khí chất đàn ông. Tệ hơn còn có thể bị hiểu là mập mờ giới tính. Nhiều ông để tóc dài tha thướt tưởng như bất cần đời mà không phải như thế. Đó là những bộ tóc phải chăm chút khá cầu kỳ. Nếu lơ là chút ít thôi thì trông sẽ rất giống kẻ du thủ du thực. Hoặc chí ít cũng làm người ta hiểu rằng phần bên trong mái tóc dài ấy là không bình thường.

Thời dịch bệnh Covid-19 bỗng nhiên kéo dài ra cả mấy tháng trời. Đàn bà đành lòng để mái tóc của mình bung ra vô tổ chức. Cũng vài cô do phải tự gội đầu đã làm mất nếp bộ tóc cũ không thể tự mình chỉnh lại được. Nhan sắc các bà các cô cũng vì thế mà muôn phần đổi khác. Có vài người trở nên nền nã thướt tha hơn. Số còn lại phần lớn bù xù vỡ dáng mất kiểm soát khiến cho gương mặt trở nên bực bội không rõ nguyên nhân.

Nhà văn Đỗ Phấn

Đàn ông ở phố vài năm nay có phong trào cắt trọc như thầy chùa. Nguyên nhân thường thấy là do quá ít tóc. Có để dài ra cũng chả bõ bèn gì. Nguyên nhân nữa là vài người cảm thấy thuận tiện khi xa nhà không có hiệu cắt tóc với những tay kéo mình quen thuộc. Cắt đầu trọc thì ở Hà Nội hay ở cửa khẩu Nậm Cắn miền tây Nghệ An cũng có chung một kỹ thuật mà thôi.

Đó là kỹ thuật không cần đến tay nghề. Nguyên nhân cuối cùng phải kể đến là trào lưu. Nếu không có trào lưu này thì hẳn là rất ít ai đủ can đảm cắt trọc mái đầu của mình trừ khi xuống tóc đi tu. Có lẽ chính vì thế mà người tu hành chọn cho mình mái đầu đạm bạc nhất để tự các thầy có thể cắt tóc cho nhau. Tất nhiên loại trừ những ông sư vẫn có thói quen vào hiệu cắt tóc. Dù là đầu trọc thì thợ quen vẫn khác với thợ thường.

Thế nhưng không phải ai cũng có thể cắt trọc. Đầu đầy sẹo hay bẹp cá trê mà cắt trọc đương nhiên là chống lại mọi thẩm mĩ trên đời. 

Nếu nói về độ kinh hoàng sợ hãi thì dịch bệnh có khi còn hơn cả chiến tranh. Ngày chiến tranh phá hoại ác liệt nhất ở Hà Nội vẫn mở hiệu cắt tóc. Khách khứa có vắng đi đôi chút chủ yếu là trẻ con mà thôi. Người lớn vẫn phải đều đặn hàng tháng ra tiệm. Ở đấy không chỉ có mỗi việc cắt tóc, nó còn là một kho thời sự tin tức nóng hổi nhất. 

Đàn bà phi dê chui đầu vào cái nồi hấp to tướng ngồi hàng giờ ở đấy. Sợ nhất là lúc đang sấy tóc có báo động máy bay địch đánh phá. Nếu phải xuống hầm trú ẩn cũng có nghĩa là sau đó phải sấy lại từ đầu. Đàn ông cắt tóc ở những hiệu lớn trên phố Tràng Thi, Bà Triệu, Lê Thái Tổ, Hàng Bông ngồi thấp thỏm trên những chiếc ghế quay. Nghe tiếng còi báo động Nhà hát Lớn vang lên nhiều ông khoác nguyên cả khăn choàng và mặt còn bôi xà phòng cạo râu ngoe ngoét chạy xuống hầm trú ẩn công cộng. Còi báo yên vang lên lại lốc nhốc về hiệu trèo lên chiếc ghế quay mình đang ngồi dở.

Nhà văn Đỗ Phấn

Ngoài nhà chùa ra thì những người lính ở các đơn vị quân số tập trung cũng thường xuyên phải tự cắt tóc cho nhau. Có hơn các ông sư ở chỗ tóc lính chỉ là đầu cắt cua mà không phải trọc hẳn. Đơn vị nào cũng có những tay kéo gần như chuyên nghiệp. Đồ nghề đơn giản chỉ có mỗi chiếc kéo và cái lược nhôm bằng ngón tay. Bàn dao cạo râu được dùng thay cho chiếc dao cạo dài ở hiệu.

Cũng xắn mai, chắn gáy vuông vắn như thật. Vài anh lính có sẵn nghề cắt tóc ở nhà thường là không hết việc cho đến tận ngày ra quân. Gọi là đầu tóc lính chỉ có một kiểu cắt cua thôi nhưng cũng rất dễ dàng phân biệt được tay nghề của các anh lính thợ. Thậm chí nhìn qua là biết ngay đầu anh do thằng A ở C1, hay thằng B ở C3 cắt. Cắt tóc bằng kéo có những nhược điểm tay nghề mắc đi mắc lại không thể sửa được. Ngoài chuyện “lợp ngói” ra thì tóc mai bên dài bên ngắn hoặc cạo gáy lệch hình thang là đặc điểm riêng của từng tay kéo.

Thời dịch bệnh Covid-19 bỗng nhiên kéo dài ra cả mấy tháng trời. Đàn bà đành lòng để mái tóc của mình bung ra vô tổ chức. Cũng vài cô do phải tự gội đầu đã làm mất nếp bộ tóc cũ không thể tự mình chỉnh lại được. Nhan sắc các bà các cô cũng vì thế mà muôn phần đổi khác. Có vài người trở nên nền nã thướt tha hơn. Số còn lại phần lớn bù xù vỡ dáng mất kiểm soát khiến cho gương mặt trở nên bực bội không rõ nguyên nhân.

Giờ mới là lúc cánh đàn ông cắt trọc hoặc gần trọc ôn luyện lại tay nghề từ thời còn ở lính. Có khác chăng lần này là phải tự cắt tóc cho mình. Chẳng có gì khó cả. Với chiếc tông đơ chạy điện êm rù rù và các lưỡi cữ lắp trên bàn răng có thể tự cắt tóc mình bằng chiếc gương con mang thêm vào phòng tắm. Một tay đưa tông đơ miết sau gáy, một tay giơ gương con các chiều để kiểm tra trong chiếc gương lớn buồng tắm là an toàn tuyệt đối. Mà nếu lỡ có vấp váp tí ti cũng nào có sao đâu. Lệnh cách ly chắc còn lâu hơn 15 ngày. Lúc ấy thì mớ tóc của mình đã đủ dài để vào nếp cũ rồi…

Tin đọc nhiều