Gian nan chống “cát tặc” (2)

“Cát tặc” là ai

ANTĐ - Quân số của 1 đội CSGT đường thủy nhiều lắm cũng chưa đến 30 CBCS, nhưng chiều dài tuyến sông phải quản lý lên tới hàng chục km, đi qua rất nhiều địa bàn giáp ranh phức tạp. Lực lượng mỏng, phương tiện, xăng dầu… nhiều lúc thiếu thốn, khó khăn, trong khi “cát tặc” lại dùng đủ thủ đoạn tinh vi để hoạt động, khiến cuộc chiến chống “cát tặc” càng khó khăn thêm bội phần.

Phương tiện hút trộm cát “khủng” bị CSGT đường thủy thu giữ

Muôn vàn chiêu trò tinh quái

Gần 30 năm gắn bó với tuyến sông Hồng, Trung tá Nguyễn Văn Phúc - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 3, Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội nắm rõ từng khúc sông. Cái thuở sông Hồng còn mênh mông cát trắng, cát vàng sau mỗi mùa nước cạn đến nay chỉ còn trong ký ức thẳm sâu. Thủ phạm của sự biến đổi xót xa này chính là những chiếc thuyền xi măng hàng trăm tấn hì hục ngày đêm hút cát trộm.  

Dẫn chúng tôi xuống kè đá sông Hồng, cách trụ sở đơn vị vài chục mét, Trung tá Phúc cho biết, may mà thành phố duyệt đề án kè những khúc sông dễ sạt lở bằng đá chứ nếu không cứ tình hình hút cát trái phép ở khu vực giáp danh giữa Hà Nội và Hưng Yên rầm rộ như thời gian qua thì chẳng mấy chốc trụ sở của đơn vị cũng bị nước sông Hồng “ăn” mất. Dưới bến nước, 9 chiếc thuyền xi măng nằm chình ình, cái nào cái nấy rêu phong xanh mốc, cũ nát, hoen gỉ. Đây là số tàu, thuyền tham gia hút cát trái phép trên dòng sông Hồng, bị Đội CSGT số 3 phát hiện bắt giữ gần nửa năm trước. 

Phát hiện, bắt giữ một lúc 9 chiếc thuyền khai thác cát trọng tải lớn là việc không hề đơn giản. Thông thường, “cát tặc” hoạt động đơn lẻ. Nhưng nhóm 9 tàu cát trên lại hoạt động trái “quy luật”. Chủ tàu và nhân viên vận hành đều từ địa phương khác về, giữa đêm tối lén lút thả vòi rồng ùng ục hút cát trộm đem bán. Để đối phó với lực lượng chức năng, ban ngày chủ thuyền cắt cử nhân viên đều là con cái, thành viên trong gia đình tỏa đi tìm địa điểm khai thác cát, nghĩ ra đủ trò trốn tránh sự kiểm tra của CSGT. Cứ mỗi khi thấy ánh đèn pha xe máy ở trên đê, những âm thanh khùng khục của dàn máy hút cát giữa sông im bặt. Những chiếc vòi rồng được cuốn lên khoang thuyền nhanh chóng, nhổ neo chạy dạt sang phía bờ sông Hưng Yên. Hôm lực lượng CSGT đường thủy triển khai phương án quây bắt, khi ánh đèn pha của 5 chiếc xuồng cao tốc đặc chủng bật mở sáng cả một khúc sông, đồng loạt ập tới, nhiều trong số chủ thuyền và nhân viên vội vàng nhảy xuống sông Hồng, lặn mất tăm. Có chủ thuyền còn đóng cửa, bỏ máy, nhảy xuống thuyền nhỏ cùng vợ con bỏ trốn sang dãy đất bồi bạt ngàn chuối, lau lách ở phía bờ sông Hưng Yên. Cả 9 phương tiện bị tạm giữ, chủ tàu và cánh nhân viên lần lượt đến trình diện, chấp nhận biện pháp xử lý hành chính.

“Bó” xử lý đủ bề

Chỉ huy Đội CSGT đường thủy số 1 cho hay, nhiều chủ tàu thuyền còn thuê hẳn đội ngũ “chim lợn” để cảnh giới CSGT và lực lượng chức năng cho chủ tàu rảnh tay hút cát trái phép. Và để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, ban ngày họ cho thuyền nép giữa những bãi lau lách um tùm, còn buổi tối, ban đêm mới mò ra hút cát trộm.

Đa số chủ tàu thuyền, nhân viên vận hành tàu hút trộm cát trình độ học vấn thấp, và  theo Trung tá Phúc, đây chính là một phần nguyên nhân dẫn tới họ bất chấp các quy định của phát luật để vi phạm. Cả gia tài của họ là chiếc thuyền cũ nát và ngoài “nghề” hút cát trộm ra, họ cũng chẳng biết làm việc gì khác.

Hỏi chuyện Trung tá Phúc, sẽ tạm giữ số tàu thuyền ở bãi kè của đơn vị trong bao lâu nữa, người chỉ huy cho biết: “Theo nguyên tắc thì hồ sơ, tang vật vụ việc đã được đơn vị chuyển giao cho các đơn vị khác xử lý. Tuy nhiên, khác với ô tô, xe máy trên cạn, tàu thuyền muốn tạm giữ phải có bến bãi. Hiện nay dọc tuyến sông đội 2 và 3 với chiều dài lên tới gần 60km, tìm mỏi mắt cũng chẳng có bến bãi thủy nào đủ điều kiện tạm giữ phương tiện. Ngay cả để số phương tiện này ở đơn vị cũng là “liều”, bởi chỉ cần mực nước sông Hồng cạn hơn một chút hay nước dâng cao vào mùa lũ thì nguy cơ nước “bẻ” gẫy thuyền là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng không để ở đây thì chẳng biết để ở đâu. Mà thuyền tang vật cũng là “nhà” của hàng chục hộ dân “cát tặc”. CSGT đường thủy lại như những người trông hộ tàu thuyền trong nỗi lo lắng nơm nớp thường trực. Cả bãi rau xanh tốt mà CBCS của đơn vị kỳ công chăm bón mấy tháng trời cũng bị những vị “khách mời” bất đắc dĩ này hàng ngày lên nhổ sạch. Người cán bộ CSGT nghiêm khắc khi thực thi công vụ là vậy, song cũng chẳng thể nào nỡ “đuổi” họ.

Mơ ước về một bến cảng được xây dựng làm bãi tập kết tàu thuyền vi phạm có lẽ sẽ còn xa vời lắm đối với những người CSGT đường thủy. Bởi những khó khăn hiện tại, trước mắt và “sát sườn” hơn đối với họ như lực lượng mỏng, phương tiện tuần tra và xăng dầu dùng để làm nhiệm vụ vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Đó còn là chưa kể đến nhiều công cụ hỗ trợ cũng chưa được cấp. Chưa hết, những chế tài xử lý vi phạm cũng như sự không đồng bộ trong việc cấp phép điểm khai thác cát giữa chính quyền các địa phương cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho cuộc chiến giữa CSGT đường thủy với cát tặc thêm bội phần gian nan...

(Còn nữa)