"Cát tặc" hoành hành, phải xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý

ANTĐ - Dù đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông ở nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

"Cát tặc" hoành hành, phải xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý ảnh 1Trong năm 2015 hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra tại hơn 30 tỉnh, thành phố
PV: Thưa ông, tình hình khai thác cát trái phép gần đây diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, Bộ TN-MT có nắm được thực tế này?

Ông Lại Hồng Thanh: Trong vài năm trở lại đây, UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi lòng sông như giải tỏa lực lượng khai thác trái phép, xử lý hành chính đối với người bao che, dung túng cho hoạt động khai thác trái phép, xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân khai thác trái phép, kể cả lãnh đạo chính quyền cấp huyện.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg vào ngày 30 tháng 3 năm 2015 và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan vào tháng 10 năm 2015 để bàn biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông.

Nhờ đó, tình trạng khai thác trái phép của năm 2015 đã giảm so với năm 2012 (từ 47 tỉnh thành phố năm 2012 xuống 40 tỉnh, thành phố trong năm 2015). Mặc dù vậy, hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Trong năm 2015 hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra tại hơn 30 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội.

Đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập các Đoàn kiểm tra hoạt đông khai thác cát, sỏi và các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có kết hợp thu hồi sản phẩm là cát.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể. Theo đó, các Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông tại một số địa phương có tài nguyên cát dồi dào, đồng thời kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch. Dự kiến sẽ triển khai vào cuối Quý II và sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và để xuất các giải pháp tăng cường công tác này trong Quý III năm 2016.

PV: Khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi là gì và phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có khuyến cáo gì đối với các địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép?

Ông Lại Hồng Thanh: Khó khăn trong việc kiểm soát, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, đồng thời cũng là nguyên nhân của tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn còn diễn ra đó là, thứ nhất, cát, sỏi lòng sông thường tồn tại ở khu vực là ranh giới hai hay nhiều địa phương (cấp tỉnh/huyện/xã). Thực trạng này dẫn tới khi có hoạt động khai thác cát trái phép, việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương liên quan.

Thứ hai, khai thác cát sỏi lòng sông khá đơn giản, đầu tư không lớn, cát sau khi hút lên có thể bán được ngay, thậm chí bán ngay trên sông mà không cần bãi chứa nên có lợi nhuận hấp dẫn. Mặt khác, phương tiện khai thác có thể nhỏ lẻ, hoặc ở quy mô lớn nhưng di chuyển linh hoạt, có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Do đó, việc duy trì một lực lượng chức năng ứng trực thường xuyên để theo dõi, phát hiện, xử lý gặp khó khăn (thiếu nhân lực, phương tiện, kinh phí). Khi bị phát hiện, đối tượng có thể đánh chìm phương tiện và tẩu thoát nhanh chóng.

Thứ ba, tại một số địa phương, việc xử lý chưa nghiêm đối với cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo chính quyền địa phương cấp cơ sở có hành vi bao che, dung túng để hoạt động khai thác cát trái phép, xây dựng bến bãi tập kết cát trái phép diễn ra không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03 nêu trên, trong đó các địa phương có chung ranh giới hành chính là dòng sông cần thống nhất ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, nhất là trong xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó làm rõ trách nhiệm, hình thức xử lý đối với người đứng đầu chính quyền địa phương - nơi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, kéo dài mà không xử lý dứt điểm.
"Cát tặc" hoành hành, phải xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý ảnh 2Cơ chế quản lý liên vùng cần được triển khai ngay trong giai đoạn lập quy hoạch thăm dò, khai thác

PV: Ông đánh giá gì về tính cần thiết xây dựng cơ chế quản lý liên vùng đối với hoạt động khai thác cát?

Ông Lại Hồng Thanh: Như đã nêu trên, một trong những khó khăn trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi chính là hoạt động này đều diễn ra trên các con sông là ranh giới giữa hay hay nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, sự phối hợp có hiệu quả trong quản lý cát, sỏi lòng sông giữa các địa phương có chung ranh giới thông qua cơ chế quản lý liên vùng, liên ngành là một trong yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép nói riêng.

Theo đó, cơ chế quản lý liên vùng cần được triển khai ngay trong giai đoạn lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông cũng như trong việc phối hợp thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi ở vùng giáp ranh. Bên cạnh đó là phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, kiểm soát phương tiện vận chuyển, trong việc xây dựng các bến bãi tập kết cát, sỏi.