Cấp trùng thẻ gây lãng phí 342 tỷ đồng: Chưa thấy ai chịu trách nhiệm

ANTĐ - Ngày 8-11, Quốc hội đã dành một ngày để nghe và thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012. Những con số được công bố cho thấy, tình trạng lạm dụng BHYT đang khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Cấp trùng thẻ gây lãng phí 342 tỷ đồng: Chưa thấy ai chịu trách nhiệm ảnh 1
“Người dân thường xuyên phàn nàn về thủ tục phức tạp, rườm rà.
Vấn đề y đức, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng bị kêu nhiều”. 
ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn)


1 thẻ, khám bệnh 157 lần/năm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia BHYT. Từ chỗ lũy kế bội chi, đến năm 2012, quỹ BHYT đã kết dư 12.892 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình trạng trùng thẻ BHYT ở các đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ xảy ra tại nhiều tỉnh. Cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ BHYT. Rà soát tại 42 tỉnh, thành phố, đã phát hiện gần 800.000 thẻ BHYT cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỷ đồng. Riêng năm 2013, kiểm toán BHYT cho người nghèo tại 8 tỉnh đã phát hiện trên 332.000 thẻ cấp trùng.

Kết quả giám sát cũng chỉ rõ, có tình trạng lạm dụng BHYT, cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ. Những vi phạm phổ biến đó là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc... Thậm chí, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/1 giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT. 

Có nơi, cán bộ y tế đã sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện. Người có thẻ BHYT cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày (nhất là các bệnh mạn tính). Có cả việc cho thuê thẻ BHYT và thuê người bị bệnh mạn tính đi khám chữa bệnh để lấy thuốc. Có trường hợp thẻ BHYT ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng tới... 157 lần khám chữa bệnh trong năm! Để phòng ngừa gian lận, nhiều ý kiến đề nghị thẻ BHYT phải dán ảnh. Song Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị chỉ cấp thẻ có ảnh cho đối tượng tham gia ổn định, chưa có giấy tờ tùy thân thay thế, vì chi phí cho thẻ có ảnh khá tốn kém. Việc không giới hạn số tiền quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân cũng cho thấy sự bất hợp lý. Một số bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng. Hàng nghìn bệnh nhân được chi trả 500-700 triệu đồng/năm. Rất nhiều trường hợp được chi trả mức 50-100 triệu đồng... So với mệnh giá thẻ BHYT, mức hưởng như vậy đã làm giảm ý nghĩa của nguyên tắc đóng-hưởng trong BHYT.

Chấm dứt khám chữa bệnh kiểu ban ơn

Không hài lòng với số kết dư gần 13.000 tỷ đồng, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bức xúc: “Người nghèo tham gia bảo hiểm y tế để bù đắp chi phí khám bệnh cho người giàu! Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được. Số tiền kết dư cần được đầu tư trở lại cho các địa phương để cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật, mua sắm phương tiện... để người dân được hưởng lợi một cách công bằng”. 

Nhiều ĐBQH cho biết, tình trạng vi phạm y đức hay nhân viên y tế, người có thẻ lạm dụng BHYT... chưa được thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời. Ngoài ra, thủ tục phiền hà là điều người dân ở nhiều nơi phản ánh khi đến khám, chữa bệnh BHYT. Nhiều người phải chờ vài tiếng đồng hồ mới được làm thủ tục, cuối cùng chỉ để được khám trong vòng 1 phút. Đó là chưa kể thời gian xử lý một hồ sơ bảo hiểm y tế rất lâu, với nhiều thủ tục nhiêu khê. 

ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nêu thực trạng: “Người dân thường xuyên phàn nàn về thủ tục phức tạp, rườm rà. Vấn đề y đức, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng bị kêu nhiều. Trong khi đó, các cơ sở khám, chữa bệnh lại phàn nàn về thủ tục giám định rườm rà”. ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) nói: “Phần do bệnh viện quá tải, phần do thái độ cửa quyền, ban ơn của đội ngũ cán bộ y tế”. Đa số các ĐBQH yêu cầu, phải có ngay giải pháp hạn chế thủ tục rườm rà, tốn thời gian, gây bức xúc cho người bệnh. 

Đánh giá số tiền ngân sách bị “bốc hơi” (342 tỷ đồng) do cấp trùng thẻ là “vô cùng lãng phí”, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) yêu cầu quy định cụ thể rõ ràng trách nhiệm trong việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng cấp trùng gây thiệt hại cho ngân sách. ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) đánh giá: “Nếu như rà soát hết 63 tỉnh, thành phố, số thẻ trùng còn cao hơn rất nhiều. Thế nhưng, chưa thấy quy rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc cấp trùng thẻ?”.

Bức xúc trước nạn lạm dụng BHYT tràn lan, ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, việc quản lý khám, chữa bệnh theo BHYT còn lỏng lẻo, mới dẫn đến tình trạng thuê người đi khám và mang thuốc ra bên ngoài bán lại kiếm tiền. ĐB Nguyễn Minh Phương kiến nghị: “Cần có phần mềm quản lý khám, chữa bệnh BHYT thống nhất trong cả nước. Mỗi người chỉ có 1 mã thẻ cho riêng mình để hạn chế tiêu cực. Mã thẻ này cũng dùng để theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân”.