Cấp trùng hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế

ANTĐ - Cuối năm 2013, đầu năm 2014, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tất cả các tỉnh, thành phố đã tích cực khắc phục tình trạng cấp trùng hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), song qua rà soát, vẫn còn gần 10% số thẻ bị cấp trùng. Hiện BHXH Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đang nghiên cứu phương án để có thể chấm dứt tình trạng này.

Cấp trùng hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế ảnh 1Người dân tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT

1 người được cấp 3-5 thẻ BHYT

Ngày 10-12, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, quản lý BHYT trong những năm qua có nhiều hiện tượng bất thường. Trong đó, tình trạng cấp trùng thẻ, chậm phát thẻ, sai thông tin trên thẻ… xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố với con số lên đến hàng triệu thẻ. Trong các năm 2013, 2014, BHXH của tất cả các tỉnh, thành phố đã phải thực hiện rà soát thẻ, gây tốn kém về thời gian, nhân lực và tiền bạc. Sau khi rà soát, cả nước hiện vẫn còn khoảng 10% thẻ BHYT bị cấp trùng. 

Mới đây, RTCCD đã khảo sát cộng đồng về hệ thống quản lý cấp thẻ BHYT tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Kim Bảng (Hà Nam). Ông Trần Vũ Hoàng, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tại huyện Sóc Sơn, thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện cho thấy, có khoảng 2.000 thẻ BHYT bị cấp trùng trong năm 2013. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra, nguyên nhân chính là do có quá nhiều cơ quan khác nhau cùng tham gia vào quá trình xác định người tham gia BHYT. “Ít nhất có 6 cơ quan lên danh sách, quản lý danh sách cấp thẻ BHYT. Điều này dẫn đến tình trạng trùng lặp khi lập danh sách cấp thẻ BHYT” - ông Trần Vũ Hoàng nói.

Tại 2 huyện nói trên, khá nhiều trường hợp một người được cấp 3, thậm chí 5 thẻ BHYT. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn C. K, sống tại xã Thi Sách (Kim Bảng, Hà Nam). “Theo lời kể của ông, từ năm 2011 đến nay, năm nào ông cũng nhận được 3 thẻ BHYT. Trong đó, 1 thẻ ông được cấp theo chế độ của con trai (cha mẹ quân nhân), 1 thẻ theo chế độ mất sức lao động và 1 thẻ của hộ nghèo. Ông cũng không cần phải làm thủ tục hoặc khai báo mà cứ vào cuối năm là con trai và cán bộ xã lại đưa thẻ cho ông. Vợ ông cũng có 2 thẻ BHYT, 1 của hộ nghèo và 1 theo chế độ của con trai…” – Trưởng nhóm nghiên cứu của RTCCD dẫn chứng. 

Thay đổi mô hình quản lý 

Ông Trần Vũ Hoàng cho biết thêm, có tình trạng trên là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan có trách nhiệm khi lập danh sách cấp thẻ BHYT; thiếu cơ quan độc lập để tổng hợp, kiểm tra, rà soát danh sách và ý thức của người dân chưa cao. Có những người có 

3-5 thẻ BHYT nhưng không khai báo, thậm chí khi được hỏi còn nói “Nhà nước cấp cho tôi thì tôi nhận”. Chính sách về BHYT vẫn còn những kẽ hở song cũng không loại trừ có hiện tượng tiêu cực trong khâu lên danh sách, cấp thẻ BHYT.

Ông Nguyễn Hồng Cường, cán bộ Ban Thu – BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng cấp trùng thẻ, cấp chậm thẻ BHYT có trách nhiệm của nhiều bên, từ phía cơ quan BHXH, ngành LĐ-TB&XH cho đến chính quyền địa phương cũng như người được cấp thẻ BHYT. Đối tượng bị cấp trùng thẻ BHYT nhiều nhất là hộ nghèo và diện bảo trợ xã hội, tiếp đến là cán bộ hưu trí và người có công. 

Để khắc phục triệt để, tận gốc tình trạng này trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đã thiết kế và triển khai thí điểm phương án lập danh sách cấp thẻ BHYT mới, trên nguyên tắc giữ nguyên hệ thống quản lý đối tượng cũ, kèm thêm 4 biểu mẫu thống kê đối tượng chưa có BHYT theo hộ gia đình do chính quyền xã thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Cường nhấn mạnh, việc lập danh sách cấp thẻ BHYT thông qua hộ gia đình sẽ khắc phục được tình trạng cấp trùng vì dù thuộc đối tượng nào, người được cấp thẻ BHYT vẫn nằm trong hộ gia đình.

 Hiện nay, RTCCD cũng thiết kế và thí điểm phương án thứ hai, nhắm tới thay đổi hệ thống quản lý cũ bằng việc đặt chính quyền xã vào vị trí trung tâm quản lý đối tượng được cấp thẻ BHYT và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác thông tin BHYT trên địa bàn. Theo đó, thông tin về đối tượng được cấp thẻ BHYT được đưa vào sổ cái do thôn quản lý, theo dõi...  Trong năm 2015, BHXH Việt Nam cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục hợp tác, nghiên cứu để hoàn thiện mô hình chính quyền xã quản lý đối tượng BHYT. Dự kiến, mô hình này sẽ đưa vào triển khai trên toàn quốc từ tháng 1-2016.

Tin cùng chuyên mục