Cáp quang biển bị đứt liên tục, người tiêu dùng có được giảm tiền thuê bao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hơn 2 tháng qua, 3 tuyến cáp quang biển liên tục bị đứt, khiến Internet Việt Nam đi quốc tế chập chờn, hiệu quả làm việc của nhiều người dùng Việt Nam giảm sút. Nhiều người tiêu dùng băn khoăn, liệu họ có được trả/ hoặc giảm một phần tiền thuê bao khi chất lượng dịch vụ không đảm bảo?
Người dùng có thể căn cứ theo điều khoản hợp đồng đã ký kết với IPS để được đảm bảo quyền lợi

Người dùng có thể căn cứ theo điều khoản hợp đồng đã ký kết với IPS để được đảm bảo quyền lợi

Người dùng bực bội vì Internet chập chờn

Là người làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng, chị Hoàng Thu (Long Biên- Hà Nội) cho biết: “Cả tháng nay, mạng Internet quá chậm. Có hôm tôi làm việc buổi sáng, chỉ đính kèm một file vào Gmail mà mất quá nhiều thời gian, phải thao tác lại nhiều lần. Một năm có 12 tháng thì tổng thời gian mạng Internet chập chờn do đứt cáp quang biển cũng đã mấy tháng”.

Cùng chung nỗi phiền toái này, chị Hoàng Lan (Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay: “Nhiều khi công việc khẩn cấp nhưng mạng cứ chậm như rùa, rất bực bội. Làm việc tại nhà không thể trao đổi công việc trực tiếp với đồng nghiệp nên nhiều trường hợp, hiệu quả công việc bị ảnh hưởng nhưng khó giải thích.

Người dùng Internet hiện nay thường mua gói cước trung bình khoảng 200.000 đồng/tháng và trả tiền thuê bao nửa năm hoặc 1 năm. Khoản tiền thuê bao này không phải thấp nhưng chất lượng dịch vụ phập phù, người dùng có được đền bù, giảm hoặc trả lại một phần tiền thuê bao không?”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù mạng Internet liên tục trục trặc do sự cố của cáp quang biển, nhưng người tiêu dùng không nhận được bất kỳ thông báo nào về sự cố của nhà cung cấp dịch vụ (các IPS), cũng như không được nhắc tới quyền lợi.

Từ cuối tháng 5-2021 đến nay, liên tiếp các tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố. Điển hình là gần cuối tháng 6-2021, cùng lúc 3 tuyến cáp quang biển của Việt Nam là: AAG, AAE-1, APG cùng gặp sự cố.

Bước sang tháng 7, tuyến cáp quang biển AAG còn phát hiện 2 sự cố cùng lúc. Bất ngờ là ngày 19-7 vừa qua, dù mới sửa xong hoàn toàn 2 lỗi trên, cáp quang biển AAG lại tiếp tục gặp sự cố.

Riêng với cáp quang biển, AAG, được đưa vào khai thác chính thức kể từ tháng 11-2009, hơn 11 năm qua, tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố khiến cho việc sử dụng các dịch vụ: Web, email, video, mạng xã hội… của người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng, chậm đặc biệt là vào những cung giờ cao điểm với nhiều người dùng đồng thời.

Đáng chú ý, vì có đặc thù riêng nên việc sửa chữa mỗi tuyến cáp thường kéo dài, phụ thuộc vào kế hoạch của cả đối tác quốc tế, có khi kéo dài cả tháng trời. Do đó, hơn 2 tháng qua, người dùng Internet Việt Nam liên tiếp phải sử dụng mạng Internet với chất lượng dịch vụ kém khiến người dùng Việt Nam rất bất bình.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, mua bán hàng online được đẩy mạnh, mạng Internet chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của người dân.

Người tiêu dùng có thể khiếu nại

Tại sao nhiều tuyến cáp quang biển hiện nay thường xuyên gặp sự cố nhưng các IPS Việt Nam vẫn hợp tác sử dụng, cung cấp cho người tiêu dùng?

Theo các chuyên gia, mặc dù hay gặp sự cố nhưng đa số các tuyến cáp có giá thành hợp lý nhất, điển hình là cáp AAG. Do vậy, trong cơ cấu sử dụng của các nhà mạng, AAG vẫn là một thành tố quan trọng, đặc biệt với các nhà mạng lớn có nhiều người dùng Internet di động.

Vậy trong trường hợp mạng Internet chập chờn như vậy, người tiêu dùng được khiếu nại đòi quyền lợi như thế nào? Về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNT- Bộ Công Thương) cho hay, theo Điều 33 Luật Viễn thông 2009, trường hợp người sử dụng dịch vụ Internet phát hiện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet không cung cấp đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết thì người sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu.

Riêng về vấn đề bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp có thể miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng trong trường hợp bất khả kháng được quy định trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông.

“Trong nhiều Hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay, sự cố “đứt cáp quang” hoặc “đứt cáp ngầm” có thể được quy định là trường hợp hoặc sự kiện bất khả kháng (do tác động của thiên nhiên…).

Tuy nhiên, để xác định chính xác, người sử dụng dịch vụ viễn thông cần tìm hiểu lại các hợp đồng mà mình đã ký kết với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cụ thể để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi cho mình”- ông Trịnh Anh Tuấn nói.

Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có trách nhiệm gửi thông báo (bằng văn bản hoặc qua phương thức giao dịch điện tử) cho người sử dụng và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giảm bớt ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng đến việc thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, “dịch vụ truy nhập Internet” là một trong những dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (HĐTM, ĐKGDC).

Do đó, người tiêu dùng có thể tra cứu HĐTM, ĐKGDC đối với dịch vụ truy nhập Internet trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký (trung ương và địa phương); và trang thông tin điện tử hoặc các hình thức công khai, công bố khác của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.

Trường hợp người tiêu dùng bị mất hợp đồng thì có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp lại bản sao hợp đồng để lưu giữ và nắm rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên theo hợp đồng.

Ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện hợp đồng đã giao kết và sử dụng dịch vụ Internet, trường hợp người tiêu dùng nhận thấy giá cả, chất lượng dịch vụ truy nhập internet không đúng với cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền phản ánh đến các cơ quan: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Thanh tra Sở TT-TT) hoặc kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương để được hỗ trợ.