Cặp đôi vào tù vì mua bán giấy khám sức khỏe giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thấy việc mua bán giấy tờ giả dễ dàng, Hiển liên tục đặt mua của đồng bọn để bán kiếm lời nhưng đã bị bắt giữ và xử lý kịp thời.

Ngày 15-7, đưa các bị cáo ra xét xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội quyết định Phùng Kế Hiển (SN 1992, trú ở xã Cẩm Lĩnh) và Hoàng Thị Xuân (SN 1991, ở xã Sơn Đà) cùng huyện Ba Vì, Hà Nội cùng mức án 36 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Liên quan đến vụ án, Phùng Kế Kiên (SN 1985, anh họ bị cáo Hiển) cũng bị áp dụng 36 tháng tù nhưng được hưởng án treo cùng về tội danh trên. Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này không kháng cáo.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Ba Vì (Hà Nội) cùng các lời khai tại phiên tòa phúc thẩm, ngày 23-12-2018, Công an huyện Ba Vì phối hợp Công an  xã Cẩm Lĩnh làm nhiệm vụ phát hiện 2 nam thanh niên giao dịch, mua bán một số giấy tờ.

Cặp đôi mua bán giấy khám sức khỏe giả bị đưa ra tòa xét xử. 

Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, một trong 2 đối tượng liền ném tiền xuống đường, rồi phóng xe máy bỏ chạy. Kiểm tra thanh niên còn lại, lực lượng công an thu giữ 5 giấy khám sức khỏe chưa ghi tên tuổi, địa chỉ người khám và đối tượng này là Phùng Thế Kiên.

Mở rộng vụ án, cơ quan công làm rõ cuối năm 2018, do có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin việc làm nên Phùng Thế Hiển dùng tài khoản facebook đăng tin tìm người bán. Nhận được tín hiệu, Hoàng Thị Xuân nhanh chóng dùng tài khoản mạng xã hội “bắt sóng”, cho số điện thoại và trao đổi với Hiển.

Đến đầu tháng 12-2018, Hiển nảy sinh ý định mua bán giấy khám sức khỏe kiếm lời nên gọi điện cho Xuân, hỏi mua 5 giấy khám sức khỏe với giá 60.000 đồng/giấy. Cặp đôi này thống nhất địa điểm giao dịch là khu vực cổng UBND xã Cẩm Lĩnh. Sau đó, Hiển bảo anh họ là Kiên sẽ trực tiếp đi giao nhận.

Về phía Xuân, nhận lời đồng bọn, chị ta vào mạng internet đặt mua 5 giấy khám sức khỏe với tài khoản facebook mang tên “Mai Lan”, giá 40.000 đồng/giấy, chưa kể phí vận chuyển. Xuân sau đó, nhờ mẹ (làm giúp việc ở Hà Đông) nhận và gửi xe khách về quê.

Có được giấy khám sức khỏe giả, Xuân gọi điện, rồi mang tới cổng UBND xã Cẩm Lĩnh giao cho Kiên và nhận tiền. Hôm sau, Hiển sang nhà anh họ lấy trước 3 giấy khám sức khỏe mang về nhà cất giấu.

Trưa 19-12-2018, Hiển nhận được điện thoại của nam thanh niên (không rõ lai lịch) hỏi mua 3 giấy khám sức khỏe, hai bên thỏa thuận giá 150.000 đồng/giấy. Hiển cũng cho thanh niên không biết tên tuổi số điện thoại của Kiên, đồng thời nói lại chuyện mua bán giấy tờ giả cho anh họ biết.

Cùng thời điểm, Hiển bảo em gái mang 1 giấy khám sức khỏe từ nhà đối tượng sang nhà đưa cho Kiên. Chiều tối ngày 20-12-2018, Kiên nhận điện thoại của người mua, rồi tới điểm hẹn giao dịch thành công 3 giấy khám sức khỏe giả và thu về 450.000 đồng.

Thấy việc buôn giấy tờ giả có lãi, tối cùng ngày, Hiển tiếp tục đặt mua của Xuân 9 giấy khám sức khỏe với cách thức, địa điểm và người giao dịch như lần trước… Tối 22-12-2018, nam thanh niên từng mua giấy tờ giả lại gọi điện hỏi mua của Hiển 5 giấy khám sức khỏe giả nữa.

Và rồi chiều 23-12-2018, theo chỉ dẫn của Hiển, Kiên mang 5 giấy khám sức khỏe giả tới khu vực cổng trường cấp I xã Cẩm Lĩnh để giao dịch thì bị lực lượng Công an huyện Ba Vì phát hiện, bắt giữ quả tang. Quá trình điều tra, Hiển và đồng phạm đều thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của bản thân.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30-12-2019, TAND huyện Ba Vì đã xử phạt Hiển, Xuân cùng mức án 42 tháng tù và Kiên 36 tháng tù (hưởng án treo), đều về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Mong muốn được giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, cặp đôi phạm tội có đơn kháng cáo.

Mở tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định cấp tòa sơ thẩm đã giải quyết vụ án đúng pháp luật. Nhưng hiện bị cáo Xuân đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và bị cáo Hiển có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo. Từ đó, TAND TP Hà Nội quyết định giảm cho mỗi bị cáo 6 tháng tù.