"Cấp cứu" đại học!!!

ANTĐ - 20 ngày hoang mang, căng thẳng, lo lắng của thí sinh và người nhà trong kỳ tuyển sinh đại học đợt đầu tiên rồi cũng kết thúc với vô vàn tâm trạng khác nhau. 
"Cấp cứu" đại học!!! ảnh 1

Nhưng những hình ảnh được lan truyền trên báo chí và mạng xã hội những ngày cuối tuần qua thực sự ám ảnh, phải nói là khó mà tìm thấy ở bất kỳ một kỳ tuyển sinh nào trên thế giới, từ những nền giáo dục lạc hậu đến những nền giáo dục tiên tiến nhất. Vâng, đúng là một ngày xét tuyển kỳ lạ, hàng nghìn thí sinh thay vì chọn vào ngành mình yêu thích thì  họ phải quay cuồng, chạy lòng vòng - theo đúng nghĩa đen - miễn sao tìm được ngành mình có khả năng đỗ.

Hàng nghìn con người chầu chực ở khu vực tuyển sinh các trường, dõi mắt theo dòng chữ Điểm chuẩn tạm thời hiển thị trên bảng điện tử, hay chỉ chờ có cán bộ tuyển sinh thông báo điểm chuẩn có thay đổi hay không, hình ảnh ấy khiến nhiều người phải so sánh với những sàn chứng khoán!

Chỉ trong một ngày mà điểm chuẩn của nhiều ngành tăng đột biến, có những ngành điểm chuẩn tăng thêm 4-6 điểm so với năm trước, nhiều thí sinh điểm cao tưởng chừng trúng tuyển thì bị rớt ngay khi thời hạn xét tuyển đợt 1 chỉ còn vài tiếng đồng hồ. Thậm chí có chuyện cười ra nước mắt, khi một phụ huynh ở Hà Tĩnh trong lúc rối bời đã nghĩ ra kế… thuê xe cấp cứu 115 để kịp đưa con ra Hà Nội rút/ nộp hồ sơ vào phút chót.

Việc đi bằng xe cấp cứu có thể là sai nguyên tắc nhưng lúc này ai ai đứng trước hoàn cảnh của thí sinh cũng phải xác định tinh thần “cứu đại học” như cứu người. Vậy mà vẫn không thể “cứu” được hết các em,vào lúc cánh cửa phòng tuyển sinh sắp khép lại, phía ngoài là những khuôn mặt thất thần, những giọt nước mắt tuyệt vọng, buông xuôi, tức tưởi của những đứa trẻ chưa kịp va vấp với đời đã vấp ngay phải một tảng đá lớn mang tên “đổi mới thi cử”. 

Phụ huynh, học sinh không biết than ai, nhà trường chỉ còn cách duy nhất là căng mình làm việc “thở không ra hơi” để thí sinh kịp rút/nộp hồ sơ. Một kỳ thi đổi mới, từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần hứa hẹn rằng “không gây sốc, không gây khó khăn cho xã hội”, kết quả chắc chắn bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được.

Rõ ràng Bộ Giáo dục – Đào tạo đã không lường hết được những diễn biến xảy ra của kỳ thi này, nhưng lãnh đạo Bộ lại đều khẳng định: “Tất cả những gì đã diễn ra trong đợt xét tuyển đầu tiên cũng nằm trong dự kiến của Bộ”. Và trước sau, Bộ vẫn bảo vệ quan điểm rằng đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo “mọi điều kiện tối đa cho học sinh chủ động tự cân nhắc”, tình trạng diễn ra những ngày qua chỉ vì thí sinh “chưa quen”?!

Và, thực sự chúng tôi không hiểu sao đến tận những ngày cuối của kỳ xét tuyển, lãnh đạo Bộ vẫn cho rằng: “Kết quả đạt được về giảm nhẹ áp lực và tốn kém cho thí sinh và xã hội đã rất là rõ”. Hình như Bộ không nhìn thấy những thí sinh phải vượt mấy trăm km, phải ăn chực nằm chờ bao nhiêu ngày để canh xem hồ sơ của mình có rớt khỏi ngưỡng an toàn hay không… Sự lãng phí này, cũng có thể còn chấp nhận được nếu như họ biết được thời gian, công sức họ bỏ ra sẽ đạt được cái gì, đằng này, trước mắt họ là khoảng tối mù mịt. Những lãng phí, tốn kém này, liệu có tính được bằng vật chất?