Cao quá khó với!

ANTĐ - Mục tiêu của thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2011 là mang về 70-90 HCV tại SEA Games 26 và giành 30 suất tham dự Olympic 2012. Song điều đáng lo ngại là TTVN đang có một khoảng trống quá lớn khi không có đủ lực lượng VĐV để đáp ứng được chỉ tiêu đó.

Mục tiêu khó khả thi

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao nhận xét: “Đó là bản kế hoạch tốt song lại… khó khả thi. Bản kế hoạch được làm khá tỉ mỉ, với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể nhưng đáng tiếc, cơ sở để hoàn thành nó lại không thực tế”. Theo ông Minh, những VĐV có khả năng góp mặt tại Thế vận hội mùa hè năm sau chỉ xấp xỉ 10 cái tên như Hoàng Quý Phước (bơi), Vũ Thị Hương - Trương Thanh Hằng (điền kinh), Tiến Minh (cầu lông), Hà Minh Thành (bắn súng), Nguyễn Thị Lụa (vật), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… Và tất nhiên, đó mới chỉ dừng lại ở hy vọng, còn việc thành hiện thực hay không còn phải tùy vào thực lực của mỗi người.

 

Những môn “mỏ vàng” của TTVN cũng rơi vào tình trạng thiếu lực lượng nghiêm trọng

Việc Quý Phước xuất sắc đạt chuẩn B nội dung 100m bơi bướm hay mới đây là tấm HCV điền kinh châu Á của Trương Thanh Hằng (800m nữ)… đều chưa chắc suất dự Olympic 2012, đủ để nói lên mức khắc nghiệt của sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh. Song điều đáng nói ở đây là việc chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế, lẽ ra cần phải lên kế hoạch dài hơi, có chiến lược đào tạo thế hệ VĐV kế cận sau mỗi mùa giải thì TTVN lại gần như chỉ chú tâm đến thành tích của mỗi giải đấu mà quên đi việc “xen canh gối vụ”  - đào tạo VĐV tài năng thay thế. Việc đặt ra chỉ tiêu huy chương phải căn cứ trên thực lực của VĐV, song chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu theo kiểu “đếm cua trong lỗ”.

Có thể nói, TTVN đang thiếu lực lượng nghiêm trọng, hầu như môn thể thao thành tích cao nào cũng đang có vấn đề về lực lượng, đặc biệt trong đó có cả những môn được coi là “mỏ vàng” của TTVN. Điều này khiến người ta lo ngại TTVN đang ở vào “điểm rơi” thiếu VĐV và đang tạo ra một khoảng trống quá lớn khó có thể lấp đầy trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhìn sang các quốc gia khác, quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng như ASIAD hay Olympic tối thiểu kéo dài từ 4-8 năm. Ở Việt Nam, ASIAD 2010 đã khép lại gần một năm nhưng thực tế là chưa một ai nghĩ đến việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á 2014, rồi việc mùa hè năm sau Olympic 2012 sẽ diễn ra, nhưng phải đến đầu năm 2011, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị… Chừng đó, đủ thấy công tác chuẩn bị - một khâu đặc biệt quan trọng quyết định đến thành công của mỗi giải đấu từ phía những người làm công tác quản lý, hoạch định chiến lược thể thao còn quá yếu.

Tre đã già… măng quá non

Những gương mặt tiêu biểu của TTVN ở thời điểm hiện tại như Tiến Minh, Hoài Thu, Vũ Thị Hương, Đoàn Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Ngân… đều là “sản phẩm” của quá trình đào tạo của 8-10 năm trước. Đáng nói hơn, trong khi tất cả đều đã luống tuổi thì những gương mặt đủ sức nối bước họ vẫn khan hiếm hơn lúc nào hết. Mà mới đây, việc bộ môn điền kinh có ý gọi lại VĐV Duy Bằng cho thấy sự bế tắc của TTVN. Kết thúc mỗi giải vô địch trẻ toàn quốc các bộ môn đều chưa tìm ra được tài năng nào thực sự nổi bật, dù trước mỗi giải đấu, lãnh đạo ngành thể thao vẫn luôn ra rả: “Giải là dịp phát hiện, tuyển chọn những nhân tài cho đội tuyển quốc gia”. Chỉ tiêu giành 30 suất tham dự Olympic bằng “cửa chính”, và thậm chí việc mang về 70-90 HCV tại “ao làng” Đông Nam Á cũng vì đó mà trở nên xa vời. Và chắc chắn, nó sẽ vẫn là thử thách khó có thể chinh phục trong tương lai nếu lãnh đạo ngành thể thao còn giữ cách nghĩ, cách làm lạc hậu như hiện tại.