Cạnh tranh khốc liệt và chuyện 'thật như đùa' ở Olympic Tokyo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Olympic hấp dẫn không chỉ bởi những cuộc đấu khắc nghiệt nhất hành tinh, mà còn chứa đựng sự thú vị trên hành trình chinh phục giới hạn không hồi kết của con người. Và Olympic Tokyo cũng không ngoại lệ.

Bất chấp bối cảnh dịch Covid-19 cùng yêu cầu giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, việc tập luyện của VĐV bị ảnh hưởng, Olympic Tokyo vẫn xác lập một loạt kỷ lục mới, và tất nhiên, đằng sau đó là nỗi buồn của những "cựu vương".

Bắn súng Ấn Độ mất 8 năm đầu tư để hy vọng có huy chương Olympic, nhưng nay phải chờ thêm ít nhất 3 năm nữa

Bắn súng Ấn Độ mất 8 năm đầu tư để hy vọng có huy chương Olympic, nhưng nay phải chờ thêm ít nhất 3 năm nữa

5 năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từ vị trí thứ 8 vòng loại - suất cuối cùng giành quyền vào chung kết - đã bất ngờ vượt qua một loạt ứng viên để giành tấm HCV lịch sử Việt Nam và cho cả Đông Nam Á, sau loạt bắn chung kết cân não.

Tại Olympic Tokyo này, đương kim vô địch Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp thứ 22 vòng loại. Đáng chú ý, người xếp đầu vòng loại với thành tích cực tốt (586/600 điểm) là xạ thủ 19 tuổi người Ấn Độ, Saurabh Chaudhary.

Thế nhưng tới chung kết, Saurabh Chaudhary không thể giành huy chương khi chỉ xếp thứ 7/8 - một kết quả gây sốc cho những ai đã theo dõi VĐV này thi đấu vòng loại. Còn với thể thao Ấn Độ, sau 8 năm dốc lực đầu tư vào bắn súng và sau những gì Saurabh Chaudhary thể hiện ở vòng loại thì thất bại trên mang đến nỗi buồn vô tận.

Saurabh Chaudhary và bắn súng Ấn Độ sẽ phải chờ thêm ít nhất 3 năm nữa, tại Olympic Raris 2024, để theo đuổi giấc mơ huy chương.

Đồng cảm với Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Tokyo là Joseph Schooling. Kình ngư người Singapore từng khiến cả Đông Nam Á tự hào khi lần đầu vô địch Thế vận hội, nội dung 100m bơi bướm nam tại Olympic Rio 2016. Thế nhưng ở Tokyo, anh chỉ xếp thứ 44/55 VĐV vòng loại và chính thức thành cựu vương.

Không riêng Joseph Schooling, Hoàng Xuân Vinh mà rất nhiều nhà vô địch khác đã phải "nhường ngai" cho những nhà vô địch mới, cho những giới hạn mới của cuộc chinh phục không hồi kết ở đấu trường Olympic.

Quy luật đào thải, cạnh tranh đầy khắc nghiệt ở Olympic còn dẫn tới những câu chuyện khó tin như đoàn Hàn Quốc không giành nổi 1 HCV nào ở môn quốc võ taekwondo, hay tay vợt cầu lông số 1 thế giới, Momota thất bại từ vòng bảng, ngay trên sân nhà, nơi cả đất nước Nhật Bản chờ đợi anh sẽ giành HCV lịch sử.

Tiến sỹ toán học người Áo, Anna Kiesenhofer chinh phục thành công tấm HCV Olympic

Tiến sỹ toán học người Áo, Anna Kiesenhofer chinh phục thành công tấm HCV Olympic

Bên cạnh sự khắc nghiệt vốn đã là một phần của giải đấu, Olympic Tokyo còn mang đến nhiều điều thú vị khác xung quanh hành trình chinh phục của các nhà vô địch.

Đó là câu chuyện của Anna Kiesenhofer, một tiến sỹ toán học, một tay đua nghiệp dư, tự sắm vai HLV cho chính bản thân mình, song đã một mạch cán đích đầu tiên nội dung đua xe đạp đường trường nữ, để mang tấm HCV đầy bất ngờ và danh giá cho đoàn thể thao Áo.

Càng thú vị hơn khi biết, người về nhì nội dung này là Van Vleuten, 3 lần vô địch thế giới, thậm chí còn lỡ ăn mừng khi nghĩ mình đã cán đích đầu tiên vì không thấy ai đằng trước, còn tốp phía sau lại cách quá xa. Nhưng thực tế, tiến sỹ toán học Anna Kiesenhofer đã về đích từ hơn một phút trước.

Ahmed Hafnaqui "không tin nổi" mình vừa trở thành nhà vô địch bơi 400m Olympic

Ahmed Hafnaqui "không tin nổi" mình vừa trở thành nhà vô địch bơi 400m Olympic

Hay câu chuyện "thật như đùa" của kình ngư 18 tuổi Ahmed Hafnaqui, người có thành tích kém nhất trong số 8 VĐV thi chung kết 400m tự do nam, phải bơi làn ngoài cùng nhưng đã bất ngờ giành tấm HCV về cho đoàn thể thao Tunisia.

"Ban đầu tôi rất ngạc nhiên khi biết mình đã lọt vào vòng chung kết. Và bây giờ tôi ngạc nhiên vì đã giành được HCV. Thật không thể tin được! Tôi thậm chí đã không tin vào điều đó, cho tới khi đứng ở đây, nhận tấm HCV này", nhà vô địch bơi 400m Olympic, Ahmed Hafnaqui chia sẻ.

Cũng bởi thành tích đến quá bất ngờ mà Ahmed Hafnaqui thậm chí còn không chuẩn bị bộ trang phục của đoàn thể thao Tunisia cho VĐV khi nhận huy chương. Anh lên nhận HCV Olympic với chiếc áo phông vẫn mặc hàng ngày, cùng nét mặt như thể mình vẫn đang trong một giấc mơ.