Vạch mặt nhà ngoại cảm (3):

Cảnh tỉnh từ một gia đình liệt sĩ hàng chục lần đi tìm mộ bằng ngoại cảm

ANTĐ -  Hơn 3 năm với hàng chục lần tìm mộ người anh liệt sỹ của mình qua các thầy ngoại cảm, sự kiên nhẫn, lòng tin của chị Thanh nay đã chẳng còn; và cuối cùng, 3 lần xét nghiệm ADN đã khiến chị Thanh thất vọng hoàn toàn. 

Qua một số lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Lê Thanh (Tổ 2, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội), con út trong một gia đình có 9 anh chị em. Người anh trai thứ ba của chị Thanh sinh năm 1955, liệt sĩ, hy sinh năm 1974 tại Quảng Nam. Cũng như bao gia đình khác, ước nguyện của gia đình chị là đưa anh về với nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng ước mơ đó khó lòng thực hiện vì gia đình không có chút manh mối nào để tìm kiếm. Đầu năm 2010, chị bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ của anh trai.

Hành trình 3 năm tìm mộ của người em út

Nghe bạn bè giới thiệu thầy Năm Nghĩa ở Vũng Tàu có khả năng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm, chị Lê Thanh, đã lặn lội tới tìm gặp "thầy" và nhờ giúp. Tại nhà "thầy" Năm Nghĩa, bà bắt chị phải có giấy báo tử hay một số giấy tờ khác liên quan. Vì chưa có những thứ thầy cần, chị lại phải trở về Hà Nội. Chị nhớ lại: “Thầy Năm Nghĩa chưa giúp chị tìm được mộ nhưng qua "thầy", chị bắt đầu về lại vùng đất Tam Kỳ, Quảng Nam nơi anh chị đã hy sinh ngày xưa, tìm kiếm thu thập lại giấy tờ quan trọng. Điều quan trọng là sau khi đã có giấy tờ liên quan như hồ sơ tổn thất của trận đánh anh chị tham gia, giấy báo tử... chị đối chiếu lại thì thấy "thầy" Năm Nghĩa nói không đúng như giấy tờ nêu ra, nên chị không tìm lại nhà "thầy" nữa”.

Giấy tờ đã có trong tay, anh chị hy sinh ở Gò gai, nơi an táng ở Quí Xuân - Kỳ Mỹ, huyện Tam Kỳ, nhưng để tìm được vị trí chính xác của ngôi mộ thật khó. Vẫn qua lời giới thiệu của bạn bè, cuối năm 2010, chị tiếp tục tìm đến "thầy" Liên, ở Tứ Kỳ, Hải Dương - nơi được chị ví là “khốn khổ” nhất trong hành trình của chị.

Chị Thanh cho phóng viên xem một số giấy tờ của anh trai


Tại nhà "thầy" Liên, lúc nào chị Thanh cũng được chứng kiến cảnh hàng dãy dài người xếp hàng ngồi chờ đến lượt được diện kiến và nhờ vả. Tại đây, chị cũng được nhiều người dạy nhau về kinh nghiệm đi tìm mộ như: tìm bằng nhẫn vàng và thử trực tiếp máu vào xương; thắp hương các ngôi mộ, ngôi nào hương tắt giữa chừng thì đó là ngôi mộ của người nhà mình, hay tung âm dương, đặt quả trứng gà lên cây đũa, nếu trứng đứng yên thì là mộ nhà mình....

Suốt hơn một tháng trời, sáng đi, chiều về giữa Hà Nội – Hải Dương chỉ để xếp hàng mong tới lượt, chị Thanh mệt mỏi nhưng tâm nguyện trong đầu vẫn thôi thúc chị từng ngày. Ra Tết, nhận được tin đã đến lượt mình, chị Thanh hào hứng, vội vã lên đường đến nhà "thầy" Liên. Thủ tục lễ bái đã đầy đủ, tuy nhiên, do quá "đắt khách", "thầy" Liên chỉ nhận chỉ đường tìm mộ cho chị qua điện thoại.

Nuôi hy vọng, chị quay lại vùng đất Tam Kỳ, Quảng Nam, dò hỏi người dân trong vùng, chị tìm được vị trí của 3 ngôi mộ vô danh có nhiều thông tin trùng khớp với những gì ghi trong bản trích lục của anh trai. Vội vàng gọi điện cho "thầy" Liên để hỏi rõ, trong 3 ngôi mộ này, ngôi mộ nào là của anh mình, thì chẳng những không được "thầy" giữ đúng lời hứa, mà chị còn bị ông "thầy" mắng chửi té tát một cách vô cớ. Nuốt giận và cố gọi điện thêm vài lần, chị vẫn chỉ nhận được những câu chửi từ "thầy" Liên!

Quá bức xúc và bực bội, chị bỏ "thầy" Liên, đến "thầy" ngoại cảm khác ở vùng Quảng Nam là "thầy" Hà (có chồng tên Vinh) và "thầy" Năm Chiến (Ở Tam Kỳ, Quảng Nam) qua lời giới thiệu của một người bạn. Tuy nhiên, cả hai "thầy" này đều hướng dẫn sai khu vực ghi trong bản trích lục.

Bản sơ đồ "thầy" Phụng (Thụy Khuê) vẽ đường tìm mộ cho gia đình chị Thanh


Qua 4 "thầy", chị Thanh bắt đầu thấy nản lòng và chỉ biết dựa vào thông tin có trong tay về 3 ngôi mộ không tên, mà sau đó người dân trong vùng cho biết thêm rằng, 3 ngôi mộ này là của bộ đội phía Bắc. Chị Thanh tiếp tục “phục” ở Tam Kỳ, tìm hiểu và gắng nhờ thêm một "thầy" ở Đà Nẵng (chị không nhớ rõ tên). Cũng qua điện thoại, chị được "thầy" hướng dẫn lễ vái, tung âm dương, nhưng lạ thay, tung 3 lần thì cả 3 lần đều cho ra một kết quả: cả 3 ngôi mộ đều đúng!

Cuối cùng, "thầy" chỉ ra một ngôi mộ và công cuộc khai quật bắt đầu, cả gia đình chị như nghẹt thở và mừng thầm khi dưới mộ xuất hiện một đôi dép lốp.

Chị Thanh kể thêm rằng, trước đây, gia đình chị có nghề làm dép lốp nên khi thấy trong ngôi mộ này có một đôi, chị đã rất vui mừng, tin rằng 99% đây đích thực là hài cốt của người anh mình. Vội vã mang mẫu răng tìm được đến Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam để giám định, thì niềm vui của gia đình bỗng chốc trở thành một sự thất vọng tràn trề. Kết quả giám định ghi rằng, đây không phải người cùng huyết thống với gia đình chị.

Vẫn nuôi hy vọng, chị tiếp tục tìm thêm một vài nhà ngoại cảm khác, họ chỉ cho chị thêm một trong 2 ngôi mộ còn lại. Chị lại xuôi về đất Quảng Nam, làm thủ tục xin phép mang nốt 2 mẫu hài cốt ở 2 ngôi mộ còn lại đi giám định. Nhưng cũng như lần trước, cả 2 mẫu hài cốt này đều không phải của anh chị!.

Chị Thanh trong hành trình ở Tây Ninh - tìm mộ cho bố của bạn
(Ảnh nhân vật cung cấp)


Đúng hay không là do mỗi người!

Không chỉ đi tìm mộ cho gia đình mình, chị Thanh được khá nhiều bạn bè nhờ giới thiệu "thầy" ngoại cảm. Gần đây nhất, trong tháng qua, chị cùng với người bạn thân vừa trở về từ Tây Ninh sau chuyến đi tìm mộ bố của một người bạn.

Trong hành trình này, hai người đã tìm đến nhà bà Nguyện ở Đống Đa, Hà Nội. Theo giấy báo tử của gia đình, bà Nguyện đã vẽ sơ đồ vị trí ngôi mộ đồng thời nói rằng, bà sẽ hướng dẫn đường đi cho gia đình bằng điện thoại. Chị Thanh cùng người bạn và 5 thành viên khác trong gia đình bạn cùng vào Tây Ninh mang theo sơ đồ của "thầy" ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện.

“Đến nơi, thấy khung cảnh không như lời "thầy" phán, mọi người trong đoàn gọi điện, thầy nghe điện thoại, nhưng lúc thì chỉ đi tìm cây lá kim, lúc thì cây lá tre... đi lòng vòng cả một ngày trời giữa khu rừng bạt ngàn cây, đoàn tìm kiếm đành bỏ hy vọng, ra về” - chị Thanh kể lại.

Chưa từ bỏ, đoàn tìm kiếm tiếp tục gọi cho "thầy" Năm Chiến, ở Tam Kỳ, Quảng Nam, người mà trước đó đã không tìm nổi mộ phần của anh trai chị. Theo sự hướng dẫn của "thầy", đoàn tìm kiếm đào một vị trí được "thầy" phán là mộ, nhưng kết quả cũng chẳng khá khẩm hơn lần đầu mà "thầy" đã "mách nước".

3 tờ kết quả giám định ADN đều ghi rõ "không có liên quan huyết thống"


Chị Thanh cho biết, cuối cùng, gia đình bạn chị đã tìm đến một "thầy" ngoại cảm khác, qua phương pháp áp vong, gia đình đã tìm được một vị trí được cho là có hài cốt của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, bên dưới cũng không còn bất kỳ một vật gì chứng thực đó là hài cốt mà gia đình đang mong muốn tìm thấy...

Chị Thanh cũng kể thêm vài trường hợp chị được biết, đó là dù được "thầy" ngoại cảm chỉ chỗ có mộ, đào lên không thấy hài cốt nhưng gia đình vẫn tin. "Đúng hay không là do lòng tin của mỗi gia đình!...", chị Thanh nói.

Vậy là sau hơn 3 năm tìm kiếm với bao tiền của và công sức, chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh thở dài: “Có thể nói, trong thời gian trước, cứ ai giới thiệu "thầy" nào, mình đều tìm đến nhưng đều thất bại. Qua trường hợp của mình, mong những gia đình khác nên tìm mộ dựa trên các văn bản của nhà nước như giấy trích lục, hồ sơ trận đánh... Đó là con đường nhanh gọn và đỡ tốn kém nhất. Theo ngoại cảm, khả năng rất hiếm và tốn kém về công và của”...

Trước thực trạng này, ngày 12-2-2012, Ban Chỉ đạo Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Bộ LĐTB&XH) đã có văn bản nêu rõ, các bộ, ngành đã thống nhất giám định ADN là phương pháp chủ yếu xác định danh tính liệt sĩ. Đây được coi như một hành lang pháp lý để ngăn chặn tệ nạn lừa đảo trong việc tìm mộ liệt sĩ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công- Bộ LĐTB&XH xung quanh vấn đề này.

Bài 4: Dùng ADN lật lẩy nhà ngoại cảm