Cảnh sát khu vực, chuyện người trong cuộc

ANTĐ - Hình ảnh chiến sỹ CSKV hàng ngày xuống địa bàn gặp gỡ, thăm hỏi để nắm tình hình và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống tội phạm, TNXH đã trở nên quen thuộc lâu nay với nhân dân ở cơ sở. Tuy nhiên, để hoàn thành trọng trách được giao trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, lực lượng CSKV rất cần được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn...

Cảnh sát khu vực, chuyện người trong cuộc ảnh 1
CSKV luôn là lực lượng gần dân nhất


Việc gì cũng đến tay

“Thời gian xuống địa bàn hiện nay của CSKV chúng tôi vô cùng hạn chế” - Trung tá Trần Mạnh Trường, CSKV Công an phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết và dẫn chứng, do đơn vị không có CBCS làm trực ban chuyên trách, tổ CSKV của CAP Chương Dương phải luân phiên thay nhau trực ban. Trung bình 1 CSKV phải làm nhiệm vụ trực ban 8 ngày/tháng; ngoài ra còn có 4 ngày phải ứng trực tại đơn vị để giải quyết các vụ việc theo tin báo 113.

“Chẻ” thời gian thì Trung tá Trường cùng đồng nghiệp phải ứng trực tại đơn vị mất 12 ngày/tháng; chưa kể còn phải tham gia phối hợp giải quyết TTGT, TTCC, cưỡng chế giải phóng mặt bằng và nhiều công việc đột xuất khác... Nếu tính 8 ngày cuối tuần trong tháng (thứ bảy, chủ nhật) được nghỉ theo qui định của Luật Lao động, thời gian dành cho CSKV chuyên tâm làm công tác chuyên môn chỉ còn vỏn vẹn có 10 ngày/tháng.  

“Để bù vào lượng thời gian xuống địa bàn bị nhiều việc ngoài  chức năng “lẹm” như vậy, hầu như CSKV chúng tôi đều phải tranh thủ cả ngày nghỉ để làm việc, nhưng vẫn không đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác được giao” – Bộc bạch của CSKV Trần Mạnh Trường, CAP Chương Dương cũng là “nỗi niềm” chung của đội ngũ CSKV công tác ở các đơn vị công an cơ sở hiện nay về việc phải kiêm nhiệm quá nhiều phần việc ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao nên không đủ thời gian thực hiện công tác cơ bản theo qui định. Do vậy, CSKV không tránh khỏi “tiếng chê” của nhân dân về sự vắng mặt thường xuyên ở địa bàn phụ trách; không gần gũi thăm hỏi dân để thực sự làm “cầu nối” giữa chính quyền với nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bị động trong công tác nắm tình hình của CSKV do không bám sát được địa bàn nên chất lượng tin báo cáo chưa phản ánh sát thực tế; chưa chủ động nắm các vụ việc, hiện tượng, các điểm nghi vấn có hoạt động vi phạm pháp luật, TNXH, di biến động về nhân khẩu, đối tượng... trong ô được giao trách nhiệm quản lý về ANTT.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn của CSKV, cũng cần đề cập tới nguyên nhân “nội tại” được chính những người trong cuộc (CSKV) nhìn nhận, đánh giá. Đó là thực trạng nhiều CSKV ở các đơn vị CAQ, huyện, thị xã hiện nay chưa qua đào tạo chuyên ngành Cảnh sát QLHC nên không khỏi có những hạn chế về năng lực, trình độ, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn. Hiện, số CBCS chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát Quản lý hành chính (CSQLHC) chiếm gần 50% trong lực lượng CSKV Công an Hà Nội. Để làm quen với công việc của CSKV, số chiến sỹ chưa qua đào tạo chuyên khoa về CSQLHC phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi mới nhận thức được đầy đủ về nội dung, phương pháp công tác CSKV để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Đại úy Nguyễn Đỗ Hà Linh, CSKV Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, vốn là CSHS, khi được điều chuyển sang làm CSKV đã không khỏi lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Được sự giúp đỡ của đồng đội cũng như vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Đại úy Linh cũng phải mất gần 3 năm mới nắm vững và thực hiện nhuần nhuyễn công tác cơ bản của CSKV...

Cảnh sát khu vực, chuyện người trong cuộc ảnh 2
CSKV kiêm nhiệm trực ban, ứng trực 113 tại đơn vị

Địa bàn rộng, dân cư đông

Do thiếu biên chế nên ở nhiều địa bàn công tác, CSKV phải quản lý số hộ nhiều hơn so với qui định của Điều lệnh CSKV. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH-CATP, hiện có trên 100 CSKV phải kiêm nhiệm 2 hoặc 3 địa bàn; gần 400 CSKV phụ trách địa bàn quá rộng với số hộ, nhân khẩu quá lớn so với qui định Điều lệnh CSKV. Đơn cử, ở CAQ Hoàng Mai có 26 địa bàn CSKV phải kiêm nhiệm, 11 ô CSKV phụ trách từ 800 hộ đến trên 1.000 hộ; cá biệt có ô CSKV phụ trách trên 2.000 hộ với gần 8.000 nhân khẩu như ở khu dân cư số 9, phường Lĩnh Nam... Với số lượng hộ, nhân khẩu quá nhiều như vậy là một khó khăn cho CSKV trong việc quán xuyến địa bàn, kiểm soát tình hình, số liệu dân cư, trong khi phải kiêm nhiệm thêm nhiều phần việc khác. Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý bất cập cũng gây khó khăn cho công tác CSKV như Luật Cư trú qui định cấp sổ đăng ký tạm trú không có thời hạn, dẫn đến người tạm trú ở nhiều nơi sẽ có nhiều sổ tạm trú; người dân đi khỏi nơi cư trú, kể cả đi lâu dài không phải khai báo tạm vắng với CSKV nên CSKV không kiểm soát được... Nếu không bám sát địa bàn, nắm và quản lý chắc di biến động của nhân khẩu, hộ khẩu, CSKV rất dễ để sót lọt đối tượng trong diện quản lý. 

Chia sẻ những khó khăn của đồng nghiệp phụ trách những địa bàn có số hộ quá lớn như trên, Trung tá Đinh Quốc Phòng, CSKV Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm cho biết, địa bàn anh phụ trách có 250 hộ dân - đúng qui định của Điều lệnh CSKV. Nếu không phải kiêm nhiệm các phần việc ngoài chức năng như hiện nay, tức là được chủ động hoàn toàn về thời gian để chuyên tâm làm công tác chuyên môn của CSKV, sau khi tiếp dân ở trụ sở CAP theo qui định, mỗi ngày 2 buổi (sáng, tối) anh xuống địa bàn trực tiếp thăm hỏi được 8 hộ dân. Như vậy, 1 tháng anh đến thăm hỏi được 1 hộ dân/lần. Nếu phụ trách địa bàn 500 hộ dân (gấp đôi địa bàn của Trung tá Phòng) thì CSKV phụ trách địa bàn phải 2 tháng mới đến được 1 hộ dân/lần. Còn phụ trách địa bàn trên 1.000 hộ dân thì thời gian CSKV đến nhà dân thăm hỏi phải 4 hoặc 5 tháng/lần. Còn nếu bị “lẹm” thời gian phải chi phối cho các phần việc ngoài nhiệm vụ được giao, công tác thăm hỏi dân của CSKV sẽ khó khăn hơn nhiều... “Nếu không có sự nhiệt tình, trách nhiệm, không có sự giúp đỡ của nhân dân mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ cơ sở, CSKV khó đảm đương hiệu quả công tác chuyên môn” – Trung tá Đinh Quốc Phòng khẳng định.

Được coi là một trong những lực lượng nòng cốt của ngành công an, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ANTT ở cơ sở, trong những năm qua, lực lượng CSKV luôn bám sát địa bàn, trực tiếp tiến hành các biện pháp nắm tình hình,  quản lý nhân khẩu, quản lý đối tượng, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố và các mô hình tự quản làm nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ. Hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của CSKV đã đóng góp quan trọng vào công tác phòng ngừa tội phạm, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra khám phá án, giải quyết các vụ việc phạm pháp hình sự, TNXH, góp phần cùng các lực lượng chức năng đảm bảo giữ vững ANTT và phát triển kinh tế, xã hội ở Thủ đô, được các cấp ghi nhận. Tuy nhiên, trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay cùng với những diễn biến phức tạp trong hoạt động của tội phạm, lực lượng CSKV rất cần được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cơ bản, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANCT, TTATXH trong tình hình mới, xứng đáng với trọng trách được giao.