“Cảnh sát giấy” siết Luật Giao thông

ANTĐ - Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm Luật Giao thông, ngày 25-3, cảnh sát ở thành phố Bangalore (Ấn Độ) triển khai thực hiện sáng kiến sử dụng những cảnh sát giao thông bằng bìa các tông với kích thước tương đương người thật.

Cảnh sát giao thông thật và cảnh sát giao thông “bìa cứng”

Thành phố Bangalore là thủ phủ của bang Karnataka, với dân số 6,1 triệu người, là vùng đô thị lớn thứ 5 Ấn Độ. Khoảng hơn 250 công ty đa quốc gia công nghệ cao và 1.500 công ty phần mềm đóng đô ở Bangalore này. Tuy nhiên, cũng bởi nhịp sống rất sôi động mà kéo theo tình trạng vi phạm Luật Giao thông ở đây diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Theo thống kê của cảnh sát, trong năm 2012 có hơn 60.000 vụ vi phạm giao thông xảy ra tại thành phố Bangalore, trở thành nỗi lo sợ của người dân và chính quyền. Ý thức người tham gia giao thông kém, trong khi, thành phố này hiện đang thiếu tới hơn 500 cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

Mới đây, cảnh sát Bangalore đã nghĩ ra một kế sách rất độc đáo. Đó là đặt những hình nộm cảnh sát làm bằng bìa các tông với kích thước tương đương với người thật tại một số con đường trong thành phố để giám sát hoạt động của các phương tiện trên đường và giúp người dân tuân thủ Luật Giao thông. Hiện, 3 cảnh sát giao thông “bìa cứng” đã được đặt trên những con đường lớn ở khu vực trung tâm thành phố, hỗ trợ kiểm soát tình trạng giao thông đi lại của gần 4,2 triệu phương tiện trên đường. Một ưu điểm của những cảnh sát giấy này chính là họ có thể làm việc cả 7 ngày/tuần, không hề biết mệt mỏi hay ốm đau. 

Ý tưởng này được cho là sẽ có hiệu quả tốt. Bởi người tham gia giao thông nhìn từ xa cứ tưởng là cảnh sát thật nên chạy xe chậm lại. Ngoài việc triển khai lắp đặt lực lượng công an “giấy”, tại các chốt giao thông, chính quyền thành phố Bangalore còn phát động phong trào “Nhân dân giám sát” - cho phép người dân thành phố chụp ảnh những người vi phạm giao thông sau đó đăng trên website của cảnh sát và ngay sau đó sẽ bị “phạt nguội”. 

Được biết, cảnh sát bằng bìa cứng trước đó đã từng được áp dụng tại một số quốc gia khác như Anh, Bắc Mỹ và Trung Quốc để phòng chống tội phạm. Tại làng Crosby-on-Eden (hạt Cumbria, Anh) sử dụng hình nộm được trang bị mũ và quần áo giống trang phục cảnh sát, trên tay cầm một chai nhựa (để giả dạng camera bắn tốc độ), nhằm “cảnh báo” các phương tiện có hành vi phóng nhanh khi đi qua làng. Đáng tiếc là chỉ sau khi xuất hiện 4 giờ, nó đã bị cảnh sát tịch thu vì cho rằng nó có thể gây hiểu nhầm đối với người tham gia giao thông. Tại Mỹ, cảnh sát thành phố Smyrna ở bang Tennessee cũng đã từng sử dụng hình nộm cảnh sát đặt bên vệ đường.

Gần đây nhất, cảnh sát tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã phát triển một phương pháp rất kinh tế - đó là tạo một “bù nhìn” bằng bìa cứng của xe cảnh sát tuần tra, giống hệt những chiếc xe thật về tỷ lệ và hình dáng, để khiến cho các xe phải giảm tốc độ khi nhìn thấy. 

Tuy nhiên, một số người lại tỏ ra quan ngại trước hiệu quả của những phương án trên. Không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là phương án tạm thời.