Cảnh sát công nghệ cao cần được giao tiến hành một số hoạt động điều tra

ANTĐ - Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự và Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam…

Cần giữ nguyên mô hình CQĐT 
Về dự án Luật tổ chức CQĐT hình sự, theo ĐB Đặng Văn Hiếu, Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, cần giữ nguyên mô hình CQĐT như hiện nay vì trong cơ cấu của lực lượng cảnh sát kinh tế ở các địa phương đã có bộ phận chuyên ngành phụ trách lĩnh vực này. Hơn nữa, cán bộ điều tra phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng… Về điều tra đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của mình, để giải quyết vụ án, đảm bảo công bằng không nên tách ra nhiều vụ án bởi vì quy định như vậy sẽ bảo đảm tính liên tục, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian điều tra vụ án. Bên cạnh đó, thực tế trong một số trường hợp, CQĐT rất khó tách vụ án.

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 2-6

Còn theo ĐB Đỗ Kim Tuyến, Trung tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), việc bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là không phù hợp, vì hoạt động của các cơ quan này chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu; khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho CQĐT chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan trên. Hơn nữa, thực tế hiện nay các vụ việc trong lĩnh vực thuế, chứng khoán… không quá nhiều và phức tạp. Mô hình của cơ quan điều tra hiện nay đã phù hợp, trong quá trình triển khai cần tăng thêm nhân lực cho CQĐT cấp huyện.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cũng đồng tình với quy định của dự thảo về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an. Vì trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan trực tiếp và đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường. Việc giao các đơn vị này tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển cho CQĐT chuyên trách, phối hợp với CQĐT trong hoạt động điều tra hình sự là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện ngăn chặn tội phạm từ cơ sở.

Không nên đi ngược lại với chủ trương thu gọn đầu mối CQĐT
ĐB Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu quan điểm, việc bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước được tiến hành một số hoạt động điều tra là đi ngược lại với chủ trương thu gọn đầu mối CQĐT.

ĐB Nguyễn Sơn - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao có ý kiến: Cần giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra như hiện tại. Về bổ sung quy định lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc CAND là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là phù hợp, vì mặc dù tội phạm sử dụng công nghệ cao mới xuất hiện nhưng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều trường hợp có tính chất xuyên quốc gia.

ĐB Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu

Như vậy, liên quan đến Dự án Luật tổ chức CQĐT hình sự, hầu hết các đại biểu đều không đồng tình với việc bổ sung cơ quan thuế, kiểm ngư... được tiến hành một số hoạt động điều tra. Các đại biểu đồng thời cho rằng, mô hình CQĐT cần được bổ sung thêm CQĐT tội phạm mạng, CQĐT phòng chống buôn lậu. Việc quy định công an xã, phường, thị trấn được thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu là cần thiết…

Luật Tạm giữ, tạm giam: Cần lưu ý tính khả thi
Về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật song đề nghị cần cụ thể hóa Hiến pháp về quyền con người trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn Việt Nam nhằm đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về các quy định liên quan đến cách thức quản lý người bị kết án tử hình, nên gọi tên luật là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, cách giám sát hoạt động tạm giữ, tạm giam…
Về một số quy định liên quan đến chế độ ăn, ở, chế độ giải trí…cho người bị tạm giam, tạm giữ, ĐB Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội khi cho rằng, những quy định này nghe có vẻ tỉ mỉ, cụ thể… song còn mang tính liệt kê, dài dòng, thực tế khó có thể thực hiện được.