Cảnh sát Colombia đào tạo chiến sĩ chuột rà phá bom mìn

ANTĐ - Tại một căn cứ của Cảnh sát Quốc gia Colombia ở ngoại ô thủ đô Bogota nước này, một tân binh đang được huấn luyện. Tân binh này không giống bất cứ tân binh nào khác bởi cậu đứng bằng 4 chân, có một bộ lông trắng muốt toàn thân và nặng chỉ chưa đến 1 cân Anh.

Tên của cậu là Rattus Norvegicus. Đó là tên chú chuột bạch, học viên lớp rà phá bom mìn đặc biệt của cảnh sát Colombia.

Trong suốt khóa huấn luyện gần đây, các huấn luyện viên đặt chú lên một thảm cỏ, nơi trước đó họ đã chôn một thiết bị nổ dưới đất. Và chỉ chưa đến 1 phút sau, chú đã tìm thấy thiết bị và nhận được vô vàn sự tán thưởng. Các huấn luyện viên cũng trao giải thưởng cho chú, đó là một miếng mồi mà chú rất yêu thích.

Colombia, dù so với hơn một thập kỷ trước đây đã an toàn hơn, nhưng vẫn là một quốc gia nguy hiểm, nơi mà mìn và xe đánh bom luôn là nguy cơ hiện hữu.

Chỉ tính riêng mấy ngày đầu tháng 2 năm nay đã có 6 người bị sát hại bởi một chiếc xe đánh bom nhằm vào một đồn cảnh sát ở thị trấn Villa Rica thuộc tỉnh phía nam El Cauca. Một ngày trước khi xảy ra vụ đánh bom ngày 2/2/2012, đã có 9 người bị chết và 70 người bị thương bởi một vụ nổ khác xảy ra ở tỉnh Narino kế bên.

 

Trung úy Edgar Ramirez thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia Colombia cho biết đất nước của anh vẫn đang phải "đối mặt với những cuộc xung đột căng thẳng như với quân du kích, tội phạm và các tổ chức bán quân sự. Ở đất nước này luôn xảy ra các vụ tranh chấp lãnh thổ để buôn bán ma túy hay đơn giản là để giành quyền kiểm soát. Và vì thế, nhiều tổ chức đối lập nhau đã gài mìn ở những vùng lãnh thổ này".

Trước đây, để dò tìm bom mìn, cảnh sát Colombia thường sử dụng chó nghiệp vụ. Tuy nhiên vì trọng lượng những chú chó này thường khá nặng nên dễ kích nổ những quả bom, mìn mà chúng dò tìm được. Và vấn đề về trọng lượng đã được giải quyết khi họ nhận ra ưu điểm của chuột bởi chúng rất nhẹ.

Theo như các huấn luyện viên ở đây thì khả năng đánh hơi của chuột cũng xuất sắc không kém những chú chó nghiệp vụ. Colombia không phải là nước đầu tiên sử dụng loài gặm nhấm cho những mục đích kiểu như vậy, bởi trước đó Mozambique cũng đã dùng chuột để dò tìm bom mìn rồi.

Ramirez nói rằng bất lợi duy nhất khi sử dụng chuột vào công việc này là vòng đời của chúng quá ngắn.

"Loài gặm nhấm chỉ sống được từ ba đến bốn năm. Đây thực sự là khoảng thời gian quá ngắn so với con người. Mặt khác, chúng sinh sản rất nhanh. "Loài gặm nhấm có khả năng tự sinh sôi theo cấp số nhân trong khoảng thời gian rất ngắn," Ramirez cho biết.

Cho đến nay, trung tâm huấn luyện này đã đào tạo thành công những chú chuột có khả năng phát hiện 7 loại chất nổ khác nhau, bao gồm hợp chất ammonium nitrate, bom xăng, thuốc súng và chất nổ TNT.

Dự án này được chủ trì bởi Luisa Fernanda Mendez Pardo, bác sĩ thú y chuyên huấn luyện kỹ năng phát hiện chất nổ ở loài chó. Mendez cho biết trong 4 năm qua, nhóm của cô đã tạo ra được 5 thế hệ chuột bạch, mỗi thế hệ có từ 15 đến 18 cá thể.

 

"Là một nhà nghiên cứu, tôi có thể dám chắc với bạn rằng dự án của chúng tôi đã thành công ngoài dự kiến ban đầu. Chúng tôi đã tạo ra  những phản xạ có điều kiện buộc những chú chuột phải tuân theo các mệnh lệnh bằng lời đơn giản. Chúng tôi cũng huấn luyện cho chúng không còn cảm giác sợ sệt những người quản lý chúng.

Chúng thậm chí còn sống vui vẻ với chú mèo làm nhiệm vụ bảo vệ chúng trước những kẻ săn mồi khác trong phòng thí nghiệm, nơi chúng được huấn luyện.

Theo Mendez, xét về chi phí thì chuột hiệu quả hơn nhiều so với chó. Số tiền bạn bỏ ra để nuôi một chú chó trong một ngày tương đương với số tiền bạn nuôi 7 chú chuột trong 7 ngày.

Các quan chức trong lực lượng Cảnh sát Quốc gia Colombia hi vọng cuối năm nay có thể đưa những chú chuột dò bom ra chiến trường.

"Mục đích chính của dự án là giải quyết vấn đề nhân đạo ở Colombia. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã thấy nhiều dân thường, cảnh sát và binh sĩ quân đội đã bị chết hoặc bị thương nặng do dẫm phải mìn. Vấn đề này vì thế đã trở thành một thách thức lớn về con người và tôi muốn dùng dự án này để giúp đỡ đất nước tôi", Mendez chia sẻ.

Trong bốn năm qua, kể từ khi dự án bắt đầu, nhóm của cô đã huấn luyện thành công trên 70 "chiến sĩ chuột bạch phục vụ cho cảnh sát Colombia. Quá trình huấn luyện cho phép họ có những hiểu biết quan trọng về cơ chế loài gặm nhấm này có thể giúp các nhà chức trách rà phá những bãi bom mìn đang còn ngổn ngang trên khắp đất nước này.