Cảnh sát biển có hậu phương vững chắc

ANTĐ - Không nề hà vất vả, không một lời ta thán, bấy lâu nay những người phụ nữ ấy cứ lặng lẽ với công việc đời thường. Một thân một mình, vừa làm mẹ vừa làm thay cả những công việc của người cha, họ luôn là hậu phương vững chắc cho  những người lính Cảnh sát biển.

Đại diện Báo ANTĐ tặng quà cho gia đình Đại úy Nguyễn Văn Hưng

Ôm bố qua ti vi

Trong lúc cả nước đang sục sôi về tình hình Biển Đông thì tại căn nhà nhỏ bé đơn sơ nằm tận cùng ngõ 48 khu Bình Kiều 1, phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng, cuộc sống dường như vẫn hết sức bình lặng. Ít ai biết được người phụ nữ nhỏ bé đang bụng mang dạ chửa cùng với đứa trẻ mới 4 tuổi ngày ngày vẫn lặng lẽ đi về ấy là vợ và con trai của Trung úy Võ Văn Thành - người thủy thủ trực tiếp lái con tàu CSB 8003 - một trong 2 “quả đấm thép” của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đảm nhiệm nhiệm vụ đột phá vòng vây tàu Trung Quốc, tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Nghe tin có đồng đội cùng đơn vị chồng và nhà báo đến thăm, chị Lương Thị Bích (vợ anh Thành) cứ ngượng nghịu mãi vì không kiếm đủ ghế ngồi cho khách.  Đại tá Trần Văn Hậu - Chủ nhiệm chính trị Vùng Cảnh sát biển 1 nhìn ngôi nhà tuềnh toàng của chị Bích bảo: “Trong đơn vị, gia đình Trung úy Thành thuộc diện rất khó khăn. Lấy nhau đã hơn 5 năm nhưng cả 2 vợ chồng vẫn phải ở nhà thuê. Chị Bích làm công nhân da giày, đồng lương rất bấp bênh. Ông bà nội ngoại thì ở xa nên cả hai cũng chẳng nhờ vả được các cụ nhiều. Bây giờ, vợ thì bụng mang dạ chửa, nhưng nghe tin tình hình biển đảo căng thẳng, Trung úy Thành cũng như hầu hết anh em thủy thủ của tàu CSB 8003 đều xung phong lên đường”. 

Làm vợ lính biển đã 5 năm, chị Bích dường như đã quá quen với các chuyến công tác biền biệt của chồng. Chị bảo: “Từ ngày còn yêu nhau, em đã quen với yêu cầu công việc của anh ấy. Lắm khi cả tuần, thậm chí cả tháng mới có dịp gặp người yêu được một lần. Đến khi lấy nhau thì dường như việc anh ấy đi công tác đã trở thành thường nhật. Hai mẹ con tự lo liệu cuộc sống cho nhau cũng đã thành quen nên cũng không có gì đáng ngại. Duy nhất chỉ có cu Dương thì mãi vẫn không quen được cảm giác vắng bố. Chiều nào cũng vậy, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng xe máy ngoài đầu ngõ thì dù đang chơi với bạn vui đến mấy, cậu bé cũng bỏ dở để chạy nhào ra hét: “A…a… a… bố về”. Đến khi phát hiện ra mình nhận nhầm, cu cậu lại tiu nghỉu đi vào, trông đến tội”. Kể đến đó, tự nhiên mắt chị Bích ngân ngấn nước: “Tối qua, VTV phát đi hình ảnh của chiến sỹ tàu CBS 8003 đang làm nhiệm vụ, bỗng dưng cu Dương phát hiện ra bố đang lái tàu, thế là cu cậu nhào đến ôm cái tivi miệng gọi toáng lên: “Bố ơi, bố ơi”… Lúc ấy tự nhiên nước mắt em cứ chảy ra”.

Ngày Trung úy Vũ Văn Thành lên đường làm nhiệm vụ, anh cũng chỉ kịp tạt qua nhà chốc lát và dặn vợ: “Anh đi công tác ít bữa, em và con ở nhà”. Chị Bích kể tiếp: “Hôm đó là đầu tháng 5. Em cứ tưởng anh ấy đi công tác gần đâu đó như mọi khi chứ nào ngờ tình hình ngoài biển “nóng” đến thế. Nếu biết trước thì em đã chuẩn bị cho anh ấy thêm chút thuốc bổ và đồ ăn. Chỉ đến lúc nghe báo đài thông tin em mới hay tin là tàu của chồng mình đang phải bảo vệ vùng biển của đất nước trước sự xâm phạm của Trung Quốc”.

“Vì Tổ quốc, con cứ đi…”

Cùng chuyến công tác đó, Đại úy Nguyễn Văn Hưng - thuyền trưởng tàu CBS 8003 cũng gạt nước mắt chia tay người cha già đang mắc ung thư giai đoạn cuối để đi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Sau lần xạ trị tại Bệnh viện K, dù sức khỏe đã rất yếu nhưng cụ Nguyễn Phong Lưu - vốn là một thủy thủ - vẫn động viên con mình: “Bố nghe tình hình ngoài biển rất căng, anh là cảnh sát  biển sớm muộn cũng phải có mặt. Nếu cấp trên giao nhiệm vụ thì phải chấp hành, đừng vì chút tình riêng mà quên nghĩa vụ với Tổ quốc. Ở nhà vẫn còn họ hàng, làng xóm. Anh không phải lo…”. Ai dè, lời ông cụ thành hiện thực. Hôm vừa rồi, khi cụ Lưu nhập viện vì sức khỏe suy yếu trầm trọng thì cũng là ngày Đại úy Hưng chỉ huy con tàu tiến ra vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Và tàu CSB 8003 của anh đã cùng với tàu 8001 sát cánh cùng những con tàu dũng mãnh khác của Việt Nam liên tục ngăn chặn các tàu Trung Quốc xâm lấn. 

Ít ai biết được cuộc sống của vợ chồng Đại úy Hưng cũng rất khó khăn. Lập gia đình được 5 năm nay, 2 con nhỏ trong đó có một bé mới gần 10 tháng tuổi nhưng đến giờ một mái nhà riêng của 2 vợ chồng, Đại úy Hưng vẫn chưa lo được. Vợ anh, chị Nguyễn Thu Phương cười bảo: “Bọn em may mắn hơn cậu Thành là không phải đi ở nhà thuê bởi được ông bà ngoại cho… ở nhờ. Ở nhờ ông bà cũng nhiều cái tiện vì công việc anh ấy phải đi biền biệt, các cháu có làm sao thì bọn em vẫn có người để nhờ vả”.

Làm vợ lính biển, người phụ nữ phải chịu khá nhiều thiệt thòi. Ngay như Tết vừa rồi, cả chị Bích lẫn chị Phương thui thủi đón năm mới một mình. Những người lính của tàu 8003 trực ròng rã gần 2 tháng trời tại vùng biển đảo Cồn Cỏ để bảo vệ ngư dân và lãnh hải Tổ quốc. Và như đức tính chịu thương, chịu khó vốn có của phụ nữ Việt Nam, họ cũng sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống để giữ hậu phương luôn là tổ ấm cho những chú hải âu của họ quay về.