Cảnh sát 141 CATP Hà Nội: Ngăn mầm tội phạm

ANTD.VN - Ở Hà Nội, bất cứ đối tượng nào mang theo ma túy, hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ như dao găm, gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay… khi bước chân ra đường đều luôn cảm thấy “lo ngay ngáy”. Là bởi với sự triển khai 30 tổ công tác đặc biệt 141, CATP Hà Nội đã và đang phát hiện, xử lý rất hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật đó, giúp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đem lại sự bình yên cho nhân dân. 

Chỉ huy Tổ công tác Y29/141 phân công nhiệm vụ cho các cán bộ trước khi triển khai buổi làm việc

“Chiến sĩ 141” – nỗi vất vả không nhiều người biết

Ở 15 tổ công tác 141 mới được CATP Hà Nội triển khai, có điểm khác biệt là lực lượng tham gia gồm CSGT của Phòng CSGT, phối hợp với Cảnh sát 113 và CSHS của Công an từng quận. Trong khi đó, 15 tổ công tác 141 trước đây gồm CSGT, CSCĐ và CSHS từ các phòng của CATP. Sự khác biệt này khiến chính những cán bộ chiến sĩ ở các quận lần đầu tham gia công tác 141 cũng háo hức, hào hứng khi được giao nhiệm vụ đặc biệt.

“Việc triển khai mô hình liên đơn vị giúp các cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đơn vị khác nhau của CATP có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ. Điều đó rất thực tế và hữu ích”, Thượng úy Hoàng Minh Trường - Đội CSGT số 14, Phòng CSGT CATP Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác Y24/141 chia sẻ.

Thực vậy, khi làm nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhưng điểm chung là các anh luôn phải đảm bảo sức khỏe dẻo dai, bình tĩnh xử lý từng trường hợp vi phạm. Như các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ dừng xe của chủ phương tiện có biểu hiện vi phạm, chỉ cần thử một lần đứng ở vị trí của các anh, nhiều người chắc chắn sẽ cảm thấy “sức nóng” khó tưởng: Những chiếc ô tô kềnh càng lướt qua, những chiếc xe máy len lỏi, tiếng còi xe cất lên không ngớt… Khi nhận hiệu lệnh dừng xe, có những chủ phương tiện cố “dấn” ga thêm một chút như để “hù” lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng trước thái độ kiên quyết của cán bộ 141, chủ phương tiện đều phải chấp hành.

“Khi bị lập biên bản về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ, người vi phạm đều nêu ra những lý do khó chấp nhận như “để gọt trái cây”, “trang bị phòng thân”… Chỉ tới khi biết rằng đó là hành vi bị cấm, với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, nhiều người mới ngỡ ngàng. Nếu không có sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời đó, thật khó để nói rằng những con dao đó sẽ không bị dùng vào mục đích sai trái, khi không kiềm chế được mình do va chạm trên đường”.

Tới khi đưa xe vào khu vực đóng chốt 141, không ít người vi phạm nại lý do “nhà ngay gần đây, đi vài trăm mét mua đồ” để giải thích và nài nỉ… xin tha. Thậm chí, có những trường hợp như trong ca làm nhiệm vụ của Tổ công tác Y11/141 vào tháng 12-2018, người vi phạm là một nam sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện và một mực xin tha vì “nhà có tang, cần về gấp”. Nhưng khi các cán bộ 141 xác minh thì hoàn toàn không có việc đó, nam sinh tự bịa chuyện “bà nội mất” hòng nhận được sự thông cảm từ lực lượng làm nhiệm vụ.

“Khi xử lý vi phạm, chúng tôi đều giải thích rõ lỗi cho người vi phạm biết và vẫn tạo điều kiện để họ khắc phục, như để người nhà mang giấy đăng ký phương tiện tới”, Đại úy Nguyễn Ngọc Cường - Đội CSGT số 6, Phòng CSGT CATP Hà Nội, là Tổ trưởng Tổ Y11/141 – chia sẻ.

Trong 4 giờ đồng hồ làm nhiệm vụ mỗi ca, các cán bộ 141 hoạt động gần như liên tục, chỉ có khoảng 15 phút nghỉ giữa giờ. Có những tình huống đặc biệt, khi trong một ca trực, có tới 2 trường hợp bất ngờ vứt xe máy để… bỏ chạy khi thấy bóng dáng lực lượng 141. Dù khoảng cách xa, lại hoạt động không nghỉ từ trước, song toàn tổ công tác đã phản ứng rất nhanh, truy đuổi quyết liệt và lập tức khống chế thành công, không để đối tượng nghi vấn có cơ hội chạy thoát.

Thượng úy Hoàng Minh Trường (ngoài cùng, bên trái) - Tổ trưởng Tổ Y24/141 - giải thích lỗi cho người vi phạm

Những kết quả tích cực, chứng minh hiệu quả 141 

Kể từ khi CATP Hà Nội triển khai mô hình tổ công tác đặc biệt 141, đã có rất nhiều vụ việc tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí và công cụ hỗ trợ bị phát hiện. Tình trạng đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, bất tuân hiệu lệnh cũng giảm hẳn, qua đó cho thấy 141 thực sự là một mô hình hiệu quả.

Một số vụ việc nổi bật như vào tối 13-11-2018, khi vừa thấy bóng dáng tổ công tác Y24/141 làm nhiệm vụ trên đường Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), nam thanh niên Phan Hoàng Long (SN 1994) đã vội vã quay đầu, rồi vứt xe máy để bỏ chạy. Lập tức, tổ công tác truy đuổi và đã khống chế thành công đối tượng, phát hiện hành vi tàng trữ ma túy đá.

Hay trong ngày 15-11, tổ công tác Y23/141 phát hiện đối tượng nghi vấn, nên đã cử 2 trinh sát hình sự bám theo, khống chế, phát hiện đối tượng tàng trữ ma túy đá rất tinh vi (dùng băng dính cách điện màu đen dán gói ma túy vào chìa khóa). Trong cốp xe của đối tượng này còn có dao găm giấu trong túi dụng cụ sửa chữa xe. Tại cơ quan công an, đối tượng được làm rõ là đã có 7 tiền án tiền sự về các tội danh: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Một trường hợp tàng trữ dao găm bị Cảnh sát 141 phát hiện, xử lý

Cũng trong chiều 15-11, tổ công tác Y18/141 liên tiếp phát hiện 2 trường hợp tàng trữ dao găm trong người. Khi bị lập biên bản về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ, người vi phạm đều nêu ra những lý do khó chấp nhận như “để gọt trái cây”, “trang bị phòng thân”… Chỉ tới khi biết rằng đó là hành vi bị cấm, với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, nhiều người mới ngỡ ngàng. Nếu không có sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời đó, thật khó để nói rằng những con dao đó sẽ không bị dùng vào mục đích sai trái, khi không kiềm chế được mình do va chạm trên đường.

Rạng sáng 29-11-2018, 5 cán bộ của tổ công tác Y29/141 đã phải chạy bộ gần 2km để truy đuổi đối tượng bất ngờ bỏ chạy khi thấy bóng dáng lực lượng 141. Do đối tượng chạy vào khu dân cư nên lực lượng truy đuổi không thể dùng phương tiện di chuyển, song nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân, kẻ phi tang ma túy đã bị khống chế. Sau đó, đối tượng có tên Phùng Đình Lâm Sung (SN 1992) đã phải thừa nhận hành vi vứt gói ma túy mà y đã mua với giá 500.000 đồng.

Không chỉ phát hiện những trường hợp vi phạm, mỗi chốt công tác 141 còn giống như nơi an toàn cho những người dân cần hỗ trợ. Vào ngày 18-11, khi đang làm nhiệm vụ, tổ công tác Y23/141 đã phát hiện một em bé đi lạc, nên chủ động đưa vào trong chốt để hỏi han, liên lạc với công an địa phương để đưa em về nhà.

Sau đó vài ngày, tổ công tác này đã ngăn chặn một vụ ẩu đả tại ngã tư Lê Thanh Nghị - Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng). Khi đó, một thiếu niên ăn uống xong, không có tiền trả nên đã bỏ chạy và bị chủ quán đuổi theo đánh. Thiếu niên này đã bỏ chạy vào vị trí của tổ Y23/141 để thoát thân. Sự việc sau đó được các cán bộ của tổ công tác giải thích, giảng hòa cho cả 2 bên…

Những vụ việc trên chỉ là một phần rất nhỏ trong rất nhiều kết quả tích cực mà các tổ công tác 141 đã làm được, trong nỗ lực chung đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô. Có thể nói, 141 là một trong những mô hình rất thành công, mang tính điển hình của CATP Hà Nội. Được người dân ủng hộ, tin yêu, những cán bộ, chiến sĩ 141 CATP Hà Nội đã, đang và sẽ phát hiện, xử lý hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật, chặn đứng nhiều vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục