Cảnh giới về sự ban ơn

ANTĐ - Đó là những ngày đông rét mướt hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Ở New York, chốc chốc bão tuyết lại nổi lên, trên mọi ngả đường tuyết phủ dày trắng xóa, nhiều công sở phải nghỉ làm, cửa hàng trên phố đóng cửa ngừng kinh doanh, song trường tiểu học công lập vẫn cho học sinh đến lớp bình thường.

Điều mà bà Trần, một di dân có mức sống trung bình đến từ châu Á cũng như nhiều bậc phụ huynh khác không hiểu  vì sao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó mà nhà trường vẫn không cho học sinh nghỉ ở nhà. Nghĩ ngợi khá lâu, cuối cùng bà quyết định gọi điện đến trường, đưa ra đề nghị cho nghỉ học. Sau khi nghe bà nói xong, ông hiệu trưởng mới từ tốn trả lời: “Bà cũng biết đấy, New York là thiên đường của người giàu nhưng cũng là địa ngục của người nghèo. Có nhiều gia đình nghèo tới nỗi còn không dùng nổi hệ thống sưởi, nếu để những đứa trẻ trong các gia đình ấy đến trường, chúng không chỉ được ấm áp suốt cả ngày, mà còn được hưởng những suất ăn miễn phí từ nhà trường nữa”.

Câu trả lời ấy làm bà Trần cảm động tới mức không nói nên lời. Mãi lâu sau bà mới có thể hỏi tiếp: “Vậy tại sao khi có bão tuyết nhà trường không cho những học sinh mà gia đình có điều kiện nghỉ ở nhà, chỉ tiếp nhận những con em các gia đình nghèo thôi?”. “Bởi vì cảnh giới cao nhất của hành động ban ơn là giữ được sự tự tôn cho người nhận ơn huệ ấy. Chúng tôi không thể vừa giúp đỡ những đứa trẻ nghèo, lại vừa chà đạp lên sự tự tôn của chúng”.

Có những lúc chúng ta, vì lòng thiện nên sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người kém may mắn hơn, nhưng hãy nhớ: Của cho không quý bằng cách cho.