Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao để cướp tài sản

ANTD.VN - Công an thành phố Hà Nội thường xuyên áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm hình sự trên địa bàn, qua đó, tình hình phạm pháp hình sự được kiềm chế. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để cướp tài sản vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Từ công tác điều tra, khám phá các vụ án cướp tài sản đã xảy ra, Công an Thành phố Hà Nội nhận thấy đối tượng gây án đã lợi dụng triệt để những sơ hở, mất cảnh giác của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội, nhất là trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao…

Công an Hà Nội nghiên cứu các biện pháp đấu tranh phòng ngừa hoạt động của tội phạm cướp tài sản bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao

Cướp tài sản thông qua mạng internet

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Tham mưu CATP Hà Nội, PV Báo ANTĐ được biết một số phương thức, thủ đoạn tiếp cận mục tiêu tấn công của tội phạm cướp tài sản thông qua các dịch vụ của mạng internet như: zalo, viber và các dịch vụ viễn thông như wechat, beetalk..., hoặc các mạng xã hội facebook, instagram, twitter...

Tìm hiểu về vấn đề này, PV nắm được nhiều chiêu trò biến ảo khôn lường của tội phạm cướp tài sản trong lĩnh vực công nghệ cao như: sử dụng “vỏ bọc” để xây dựng lòng tin với chủ tài sản. “Tội phạm giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội, Tòa án... nhắn tin làm quen, trò chuyện để chiếm được lòng tin, sau đó hẹn hoặc điều nạn nhân đến những địa điểm thuận lợi để đe dọa cướp tài sản; Tội phạm vờ mua hàng qua mạng, sau đó yêu cầu người bán hàng vận chuyển đến nơi chúng chọn sẵn để thực hiện hành vi cướp tài sản…” - Thượng tá Nguyễn Thành Long chia sẻ.

Hung khí và công cụ, phương tiện các đối tượng cướp tài sản sử dụng gây án

Ngoài những thủ đoạn tinh vi nêu trên, tội phạm cướp tài sản còn giả danh là người đi đường, hoặc người đại diện của cơ quan Công an, hay bệnh viện..., gọi điện thoại thông báo cho nạn nhân rằng, có người nhà đang gặp vấn đề nguy hiểm, liên quan đến các vụ đánh nhau, tai nạn giao thông... và cần phải đến ngay hiện trường để đưa nạn nhân về nhà, hoặc đi bệnh viện, rồi điều họ đến địa điểm thuận lợi để đe dọa, khống chế cướp tài sản.

Cũng theo Trưởng phòng Tham mưu CATP Hà Nội, một thủ đoạn khác rất tinh vi, được tội phạm sử dụng công nghệ cao áp dụng là chiếm quyền điều khiển các dịch vụ của mạng internet, mạng xã hội, hoặc chiếm đoạt được điện thoại di động của người dân, sau đó nhắn tin điều người thân, bạn bè của họ đến những nơi vắng vẻ để cướp tài sản.

Loại bỏ mọi điều kiện phạm tội

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội, PV được biết thời gian vừa qua, các lực lượng nghiệp vụ Công an Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, thị xã phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án có tính chất tội phạm sử dụng công nghệ cao để cướp tài sản. Bên cạnh đó, Công an Hà Nội cũng đã chủ động thông báo phòng ngừa những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp tài sản nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao để cướp tài sản nói riêng để mọi người dân nhận biết, chủ động phát hiện, phòng ngừa và tố giác tội phạm cho cơ quan công an.

Từ những biện pháp cụ thể đó, hoạt động của tội phạm cướp tài sản đã được kiềm chế, kéo giảm và không nghiêm trọng như trước.

Tuy nhiên, các biện pháp nghiệp vụ được lực lượng Công an triển khai cũng chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt trong phòng ngừa hoạt động cướp tài sản.

Trước những phương thức, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với những người có nhiều mối quan hệ quen qua các dịch vụ internet, mạng xã hội, cần chú ý một số vấn đề như:

Khi được người không quen biết, hoặc quen biết sơ sơ thông qua mạng xã hội hoặc mạng viễn thông liên hệ, trong quá trình nói chuyện, tìm hiểu cần căn cứ vào những thông tin mà đối phương đã cung cấp, rồi đưa ra các câu hỏi, tình huống kiểm tra bất ngờ, đồng thời khéo léo xác nhận thông tin thông qua các mối quan hệ của phía đang đối thoại, từ đó xác định được tính chính xác của những thông tin này để xử lý.

Trường hợp đối phương hẹn gặp mặt, cần chủ động lựa chọn những địa điểm có đông người qua lại và hai bên tự di chuyển đến nơi gặp gỡ, không cùng di chuyển bằng một phương tiện, tránh bị đối phương đưa đến những địa điểm thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm cướp tài sản.

Mọi người dân cũng cần cẩn trọng trong việc sử dụng các tài khoản trên mạng internet, hoặc các mạng xã hội khác và  khi phát hiện bị mất, hoặc bị chiếm đoạt điện thoại, hay bị hacker tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản, ngay lập tức phải có biện pháp thông báo, cảnh báo cho những mối liên hệ của bản thân biết, để không trở thành nạn nhân của tội phạm.

Trong mọi trường hợp, khi nhận thấy các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn sử dụng công nghệ cao thực hiện tội phạm cướp tài sản, người dân cần nhanh chóng phản ánh đến lực lượng Công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện thoại đến “đường dây nóng” của Công an Thành phố Hà Nội theo số điện thoại 113, hay 0.692.196.780, để lực lượng Công an kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả xấu.

Tin cùng chuyên mục