Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao

ANTĐ - Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước xuất hiện nhiều hiện tượng giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt. 

Tin nhắn cơ quan công an đề nghị "nhà mạng" chuyển tới các thuê bao di động để cảnh báo hoạt động tội phạm

Trước tình hình trên, CATP Hà Nội đã phối hợp với Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông và Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, soạn thảo nội dung thông báo phòng ngừa thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.

Ngày 25-4-2015, nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn của "nhà mạng" với nội dung: "Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao thông báo về hiện tượng gần đây một số đối tượng xấu giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra sau đó chiếm đoạt. Đề nghị mọi người dân khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để giải quyết".

Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội, sau khi CATP Hà Nội có công văn đề xuất, Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã có công văn đề nghị “nhà mạng” nhắn tin cảnh báo cho người dân về hiện tượng này. Hoạt động tội phạm này xuất hiện từ năm 2014 và đã có một số trường hợp bị lừa với những thủ đoạn tương tự. “Gần đây, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất hiện những ổ nhóm tội phạm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người nước ngoài, gọi điện thoại lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người dân.

Nội dung những cuộc điện thoại nhằm mục đích lừa đảo những người bị hại tưởng rằng người thân của họ đang bị bắt cóc, giam giữ, tra tấn và yêu cầu giao tiền chuộc...; hoặc giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra; hay nhắn tin qua facebook để thông báo “bạn đã trúng thưởng..., và để nhận được giải thưởng, người trúng thưởng phải nạp một khoản tiền vào tài khoản “x” để làm các thủ tục nhận thưởng...” Thượng tá Ngô Minh An cho biết và dẫn chứng vào giữa năm 2014, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội đã xác định được gần 20 bị hại, bị kẻ xấu gọi điện thoại vào mạng di động hoặc số máy cố định để lừa đảo ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, trong đó có nhiều người đã bị lừa, bị chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Cụ thể, khoảng 8 giờ sáng 15-4, chị T., nhà ở TP Hà Nội nhận được cuộc gọi tới số máy điện thoại bàn của gia đình, với nội dung thông báo chị T. nợ cước điện thoại tới gần 9 triệu đồng và yêu cầu nộp lệ phí... Ngỡ ngàng vì thông tin trên vì chưa bao giờ nợ cước điện thoại, chị T. liền được đối tượng ở đầu dây bên kia hướng dẫn để được tư vấn.

Sau đó, chị T. nhận được thông báo gia đình có đăng ký một số điện thoại có mã vùng do Bưu điện Tây Ninh cấp và hiện vẫn chưa thanh toán cước. “Vì số máy điện thoại này ở Tây Ninh, nên chúng tôi sẽ chuyển cuộc điện thoại cho Công an tỉnh Tây Ninh giải quyết tiếp” - đối tượng thông tin với giọng dứt khoát. Tiếp theo, chị T. được một người khác gọi điện thoại tự xưng là đại diện Công an tỉnh Tây Ninh và được giải thích vừa qua xảy ra nhiều vụ trộm cắp thông tin cá nhân để dùng vào mục đích phạm pháp và yêu cầu chị T. phối hợp với cơ quan công an điều tra.

Chưa giải tỏa được mối lo về việc nợ cước điện thoại, chị T. nhận tiếp thông báo cơ quan chức năng đã nhận được quyết định của Viện kiểm sát, nêu rõ chị T. nằm trong danh sách những người có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền với số tiền rất lớn, và hiện chị T. sở hữu một tài khoản trị giá 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, chị T. còn nhận được yêu cầu phải khai những tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng nào, số tiền bao nhiêu?... và nhận được thông báo: “Tài khoản của chị T. bị đánh cắp thông tin và có thể bị rút bất cứ lúc nào. Muốn bảo toàn số tiền trong tài khoản, chị T phải rút hết tiền ở ngân hàng và chuyển vào tài khoản “x”. Sau khi rút 400 triệu đồng và làm theo yêu cầu của đối tượng lạ, chị T. trấn tĩnh lại và biết bị lừa thì đã quá muộn.


Để tránh mắc mưu kẻ xấu, cơ quan công an khuyến cáo mọi người dân nhận được những tin nhắn điện thoại có nội dung được cảnh báo nêu trên, đề nghị trình báo ngay tới cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (ĐT: 06.921.154 - 06.937.126) hoặc Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội (ĐT: 0.439.394.053 - 0.439.396.134).