Cảnh giác với rối loạn tăng động ở trẻ em

ANTĐ - Những năm gần đây, số trẻ em được chẩn đoán bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ngày càng nhiều. Nhiều phụ huynh quan tâm đâu là cơ sở cho các chẩn đoán này và có biện pháp nào để ngăn chặn ADHD?

Cần quan sát và theo dõi

Nhắc đến ADHD là nhắc đến biểu hiện thiếu chú ý, bốc đồng và hiếu động thái quá, và tỷ lệ trẻ mắc ADHD ước tính khoảng từ 5-7% tổng số trẻ em trên thế giới hiện nay.

Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Mỹ năm 2013 (DSM-5), cơ sở để chẩn đoán ADHD là trẻ có ít nhất 6 trong số 18 biểu hiện ở 2 dạng là hiếu động thái quá và thiếu chú ý. Trong nhóm dấu hiệu giảm chú ý, đó là những trẻ thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết; thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc vui chơi; Có vẻ không lắng nghe người khác khi nói chuyện trực tiếp; Thường khó khăn khi tiến hành các hoạt động cần tính tổ chức; Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần trong thời gian dài (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà); Hay để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở); Dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài; Hay quên làm các công việc hằng ngày.

Cùng với đó, nhóm biểu hiện tăng động bao gồm: Tay chân ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi; Thường rời bỏ chỗ ngồi khi yêu cầu phải ngồi yên; Thích chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp; Luôn di chuyển hoặc hành động như thể “đang lái xe”; Thường nói quá nhiều; Hay buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong; Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác…

Tuy nhiên, quan trọng là những hành vi này phải: Đã có sự khởi đầu từ thời thơ ấu (trước khi lên 7 hoặc 12 tuổi); Hành vi quá mức so với tuổi và trình độ phát triển của trẻ; Kéo dài trong ít nhất 6 tháng; Biểu hiện không chỉ ở nhà mà còn ở nhiều nơi khác như trường học; và quan trọng nhất là hành vi gây suy giảm chức năng nhận thức đáng kể. Bởi vậy, trẻ có thể thích gây rối và quậy phá nhưng đó không hẳn là dấu hiệu của ADHD nếu trẻ vẫn tiếp nhận tốt.

Giải pháp hỗ trợ

Thật không may, hiện chưa có xét nghiệm nào về dấu ấn sinh học, gen hoặc sinh hóa có thể chẩn đoán ADHD, mặc dù năm 2013, nhà chức trách Mỹ đã cho phép dùng máy quét não để xác định ADHD. Và dù không có biện pháp ngăn chặn nhưng hiện có một số giải pháp hỗ trợ trẻ bị chứng ADHD:

Thời kỳ mang thai: Khoa học đã chứng minh, các biến chứng của thai kỳ như sinh non có liên quan đến ADHD. Vì thế, một thai kỳ khỏe mạnh với chế độ ăn uống lành mạnh, khám định kỳ thường xuyên chính là giải pháp ngăn ngừa ADHD. Phụ nữ hút thuốc trong khi mang thai thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc ADHD tăng gấp đôi. Cùng với đó, chì cũng là hóa chất độc hại có thể liên quan đến ADHD. 

Chế độ ăn: Một số chuyên gia cho rằng, thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm hành vi hiếu động ở trẻ, cụ thể là loại bỏ chất tạo màu nhân tạo, hương liệu, chất bảo quản. Về nguyên lý, tiêu thụ đường và carbohydrate có thể làm đường huyết tăng đột biến, tạo ra một luồng điện có thể khiến đứa trẻ trở nên năng động hơn nhưng không có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh ADHD với đường. Dù thế nào, một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh từ khi còn nhỏ tốt cho tất cả trẻ em, dù có hoặc không có ADHD.

Lịch trình rõ ràng. Lịch cụ thể cho các hoạt động như: Thức, ngủ, ăn, thư giãn, làm bài tập, xem truyền hình… làm theo đúng thời gian biểu có thể giúp cải thiện khả năng phát triển của trẻ nhỏ. Đối với trẻ lớn, việc học ở nhà sẽ hiệu quả hơn nếu cho trẻ ngồi riêng ở khu vực tránh xa phiền nhiễu, thỉnh thoảng cho nghỉ giải lao nếu trẻ rất hiếu động và gặp khó khăn để tập trung.

Trị liệu: Các biện pháp điều trị này bao gồm: tâm lý trị liệu, hỗ trợ từ phía gia đình, nhóm hỗ trợ, cha mẹ trẻ nên có kiến thức để giúp đỡ những trẻ hiếu động. Cách tốt nhất là phối hợp giữa cha mẹ, thầy cô giáo, bác sĩ và nhà tâm lý trong việc điều trị cho trẻ. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác: massage, vận động, âm nhạc trị liệu…