Cảnh giác với những kịch bản lừa đảo trúng thưởng tinh vi đến khó tin

ANTD.VN - Gần đây, những hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng lại “nở” rầm rộ: gọi điện thông báo trúng thưởng, nhập số OTP, nạp thẻ điện thoại qua tin nhắn Facebook, chúc mừng bạn đã trúng iPhone… Những hình thức này, tưởng chừng như rất bình thường nhưng nó khiến nhiều người “tiền mất tật mang” vì sự nhẹ dạ cả tin. Mặc dù, hình thức này không mới nhưng kịch bản mà hacker viết lên tinh vi đến mức khó tin.

Clip: Sập bẫy lừa trúng thưởng qua điện thoại (Nguồn VTC14)

Khi công nghệ thời 4.0 ngày càng phát triển thì thủ đoạn lừa chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng. Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao  – CATP Hà Nội: mạng xã hội với ứng dụng Zalo, Facebook, Viber… phát triển nhiều tiện ích, giúp xác định những người cùng sử dụng ứng dụng, liên kết với nhau. Lợi dụng các tiện ích này các đối tượng xấu đã khai thác thông tin cá nhân, giới tính, nắm được sở thích, thói quen sinh hoạt của người dùng để hoạt động tội phạm… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo trúng thưởng qua ví điện tử Momo

Mới đây, nhiều người sử dụng dịch vụ ví điện tử Momo - hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, liên tục bị kẻ gian dụ dỗ lừa đảo, nhằm chiếm đoạt hoàn toàn số tiền lên đến hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng được liên kết với ví.

Chị Nguyễn Thị Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gần đây, chị vừa bị một kẻ gian tự nhận là nhân viên của ví điện tử Momo thuộc Công ty CP dịch vụ di động trực tuyến (M-Service) lừa đảo và chiếm đoạt ví điện tử.

Trong một lần comment (bình luận) trên fanpage chính thức của ví điện tử Momo yêu cầu hỗ trợ về dịch vụ, ít phút sau, chị Thảo nhận được tin nhắn của một người lạ tự nhận là nhân viên của công ty này, thông báo đã trúng thẻ quà tặng trị giá 200.000 đồng từ ví Momo.

“Bình thường, tôi rất cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo này. Tuy nhiên, bọn chúng hoạt động rất tinh vi với tài khoản ảo được lập mang tên “Ví Momo” hoặc “Momo Ví”. Chúng liên tục hối thúc thực hiện các yêu cầu khiến bản thân mất bình tĩnh, thực hiện theo và không để ý cảnh báo chính thức của ví điện tử thật”.

Thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp số điện thoại và mã OTP là cách đối tượng lừa đảo hòng chiếm đoạt ví. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, kẻ gian thông báo “con mồi” về thẻ quà tặng và hỏi đã nhận được chưa, rồi yêu cầu cung cấp số điện thoại để kiểm tra, giả vờ trong quá trình chuyển tiền gặp sự cố.

Tiếp đến, chúng sử dụng số điện thoại này để đăng nhập vào ví Momo. Song song đó, kẻ lừa đảo thông báo cho chị Thảo có một mã OTP được gửi đến số điện thoại, chúng yêu cầu chị nhanh chóng chụp màn hình và gửi qua để “hệ thống xác thực”.

Vì mã OTP chỉ có hiệu lực vài chục giây nên các đối tượng liên tục hối thúc khách hàng thực hiện, làm họ rối và phân tâm, không để ý tin nhắn cảnh báo: “Bạn đang đăng nhập Ví Momo trên điện thoại khác. Để tránh mất tiền, không chia sẻ OTP này với bất kỳ ai”.

“Sau khi truy cập được vào tài khoản, đối tượng lừa đảo đã đổi mật khẩu ví điện tử của tôi và bặt vô âm tín. Kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì thấy đối tượng này đã chuyển tiền từ tài khoản của tôi vào ví đã chiếm”, nạn nhân bức xúc.

Nạn nhân này đã chia sẻ trường hợp của mình lên mạng xã hội để mọi người cảnh giác thì biết được có rất nhiều người rơi vào cảnh tương tự. Một người bạn của chị là sinh viên bị rút sạch 2 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Một người khác bị mất 10 triệu đồng vì trót nhẹ dạ cả tin.

Theo tìm hiểu, không chỉ nhắn tin, thông qua tài khoản Facebook, sau khi tìm được “con mồi”, kẻ gian còn gọi điện trực tiếp với các thủ đoạn hối thúc tương tự nhằm làm người dùng mất cảnh giác, hòng chiếm ví điện tử.

Những món quà trên trời rơi xuống từ một cuộc điện thoại

Như ANTD đưa tin, anh Phạm Thế Huynh (ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Từ đầu dây bên kia, một cô gái nói giọng miền Nam ngọt ngào mở đầu cuộc giao tiếp khá lịch sự.

Anh Phạm Thế Huynh nhớ lại, cô gái tự giới thiệu là Thục, thông báo anh Huynh trước đó có mua một sản phẩm của hãng X. Nhân dịp kỷ niệm thành lập công ty, tri ân tới khách hàng, qua bốc thăm ngẫu nhiên, anh Huynh trúng thưởng 1 chiếc đồng hồ nam, 1 bộ tai nghe iPhone và 1 gói bột đắp mặt làm đẹp cùng 1 phiếu giảm giá. Toàn bộ phần quà trúng thưởng của anh Huynh trị giá hơn 2 triệu đồng.

Mặc dù lúc đó ngờ ngợ có điều bất ổn, nhưng khi kiểm tra nhanh thì anh Huynh được nhân viên này dẫn chứng về sản phẩm mà gia đình đang sử dụng mang thương hiệu X. Từ đó, anh Huynh không còn nghi ngờ và làm theo lời cô nhân viên của công ty X.

Món quà trên “trời” mà anh Huynh nhận được từ cuộc điện thoại lạ

Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, cô gái không quên dặn anh Huynh khi nào có nhân viên đến giao hàng, nhớ trả tiền phí vận chuyển cho nhân viên này với tổng số tiền gần 300 nghìn đồng. Đúng như lời cô gái, chỉ 3 ngày sau, anh nhận được cuộc gọi của một người đàn ông xưng danh là nhân viên chuyển phát nhanh đến giao hàng.

“Lúc nhận hàng, thấy hộp quà được bọc khá chắc chắn cũng như dấu và niêm phong của hãng chuyển phát nhanh nên tôi không chút nghi ngờ, liền trả số tiền 295 nghìn đồng cho nhân viên chuyển phát nhanh. Khi về nhà bóc gói quà, tôi mới hay những phần thưởng trên chỉ là trò lừa đảo, tổng giá trị của gói quà này chưa đến 100 nghìn đồng”, anh Huynh cho biết.

Tương tự, là trường hợp của chị Phạm Ngọc Minh (ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Khi đang giảng bài trên lớp, chị Minh nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ gọi đến xưng danh là nhân viên của một công ty thông báo chị trúng thưởng món quà từ công ty này sau khi mua hàng và để lại mã số. Không chút nghi ngờ, chị Minh đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho phía công ty…

Hai ngày sau, một người đàn ông tự xưng là nhân viên, liên lạc qua điện thoại với chị Minh để trao quà trúng thưởng. Trong lòng khấp khởi vui mừng vì cho rằng phần quà có giá trị 2 triệu đồng đang được chuyển đến, chị Minh đã trả cho nhân viên chuyển phát nhanh số tiền 275 nghìn đồng cước phí vận chuyển. Thế nhưng, khi gói quà được mở ra, chị Minh tá hỏa bởi bên trong toàn đồ linh tinh có giá trị không đến 100 nghìn đồng.

Lừa đảo trúng thưởng qua Facebook Messenger

Như ANTD đưa tin, ngày 16-4, nhiều người dùng Facebook Messenger cho biết, họ nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng.

Nội dung tin nhắn có nội dung, người dùng “mang mã số trúng thưởng là VN7979 may mắn được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, xác nhận là tài khoản đã trúng thưởng”.

Sau đó, tin nhắn hướng dẫn người dùng truy cập vào website GiaiThang4.Com (viết liền nhau, không dấu) để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng. Hoặc, người dùng vào Google gõ tìm kiếm “GiaiThang4.Com” và chọn kết quả tìm kiếm đầu tiên.

Tin nhắn trúng thưởng mà người dùng Facebook nhận được

Theo hướng dẫn này, người dùng nếu truy cập vào website nêu trên sẽ phải khai báo hàng loạt thông tin cá nhân. Đặc biệt, website yêu cầu người dùng phải trả lệ phí làm hồ sơ nhận thưởng trị giá 2 triệu đồng, qua thẻ cào điện thoại và khai báo mật khẩu Facebook.

Như vậy, một mặt kẻ gian có thể lừa người dùng nạp thẻ, mặt khác có thể lấy cắp tài khoản Facebook của người dùng để tiến hành những hoạt động tấn công sau này.

Đáng chú ý, để tăng tính xác thực, nội dung tin nhắn còn ghi đích danh họ tên người dùng, giới tính và cung cấp số điện thoại tổng đài liên hệ. Đồng thời, tin nhắn đề nghị người dùng được thông báo trúng thưởng “không cung cấp mã dự thưởng này cho bất kỳ ai và sẽ không có ai từ Facebook yêu cầu cung cấp mã này".

Cảnh giác vơi phần thưởng có giá trị cao từ mạng xã hội

Được biết, tin nhắn này được gửi từ tài khoản mang tên "Thư của bạn" nhưng lại có hình đại diện một người bạn có trong danh sách của người dùng. Để kiểm chứng thông tin, người dùng đã liên hệ với bạn và được biết tài khoản này đã lâu không sử dụng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua, cơ quan này nhận được không ít phản ánh của người dân liên quan tới việc trúng thưởng. Thông qua điện thoại hay mạng xã hội Facebook, người dùng được thông báo trúng thưởng xe máy SH, điện thoại iPhone hoặc bộ mỹ phẩm cao cấp…

“Người thông báo khẳng định chương trình quay số trúng thưởng đã được công nhận bởi các cơ quan Nhà nước như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Người tiêu dùng phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng. Một số người tiêu dùng xin tư vấn về tính xác thực của vụ việc. Song một số người tiêu dùng đã tin và làm theo hướng dẫn, kết quả là hàng nhận được chỉ là điện thoại chất lượng kém hoặc hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ”.

Có thể thấy, hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi đến mức khó tin khiến cho nhiều người “sập bẫy” rồi “dở khóc dở cười” với những món quà mà mình nhận được. Đặc điểm thường thấy của những đối tượng này, thường hack tài khoản Facebook người thân nhờ mua thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, sử dụng thủ đoạn nhắn tin thông báo trúng thưởng qua Facebook, Zalo, số điện thoại, lừa nạn nhân nộp phí nhận thưởng để chiếm đoạt. Ngoài ra, còn xuất hiện thủ đoạn giả danh nhà mạng thông báo, khuyến mại…

Trước những thủ đoạn tinh vi của những đối tượng này, người dân nên hạn chế cung cấp thông tin cá nhân như ngày sinh, số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng… lên mạng internet để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.