Cảnh giác với đường link lạ, video "nóng"

ANTD.VN - Mỗi cá nhân đều có thể bị chiếm đoạt tài khoản facebook hoặc mật khẩu tài khoản ngân hàng một cách dễ dàng nếu như không tự ý thức bảo mật và máy tính không dùng phần mềm bản quyền. Những sơ hở đó đã trở thành “miếng mồi ngon” để tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm nhập lừa đảo, chiếm đoạt cả chục tỷ đồng.

Đối tượng Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thế Dũng và tài khoản facebook làm giả bị CATP Hà Nội phát hiện, xử lý

Chiêu trò cũ, vẫn nhiều nạn nhân sập bẫy

Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội đã bàn giao hồ sơ và  đối tượng chiếm tài khoản facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt tài sản tới Công an Đà Nẵng và Công an Quảng Trị để tiếp tục điều tra, xử lý về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.

Mặc dù không được học về công nghệ máy tính viễn thông, song các đối tượng được một đầu trùm ở nước ngoài hướng dẫn cách chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo. Cụ thể, sau khi được hướng dẫn, đối tượng Phạm Văn Khanh (SN 1997, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và Võ Đình Tuấn (SN 1994, quê Hải Lăng, Quảng Trị), hiện là sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng đã trực tiếp đánh cắp tài khoản facebook cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội.

Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ việc cào thẻ điện thoại. Số mã thẻ cào sau khi lừa đảo chiếm đoạt được 2 đối tượng bán cho kẻ tiêu thụ với giá chỉ bằng một nửa trị giá có trong thẻ. 

Đó chỉ là một trong hàng nghìn vụ lừa đảo qua mạng xã hội facebook, zalo trong thời gian qua. Các thủ đoạn lừa đảo không chỉ dừng lại ở việc chiếm đoạt tài sản qua thẻ cào điện thoại mà còn lừa tình những người nhẹ dạ, mù quáng.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng bị dính quả đắng lừa tình. Chiều 23-2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Đặng Ngọc Được (30 tuổi), trú tại xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ cuối năm 2016, với thủ đoạn giả danh nữ giới, Được đã lấy hình ảnh của nhiều cô gái có vẻ là “hot girl” lập nhiều tài khoản facebook với các tên mỹ miều, sau đó gửi kết bạn với những facebook của nam giới. Từ những lần “thả mồi” này, Được đã “câu” được anh N.X.T (31 tuổi) trú huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hiện đang đi xuất khẩu lao động tại Singapore.

Giả giọng nữ giới trò chuyện nhắn tin qua lại, đối tượng Được và anh T. hứa hẹn yêu đương và sẽ kết hôn sau khi anh này về nước. Anh T còn dự định kết hôn xong sẽ làm thủ tục đưa “vợ” sang Singapore lập nghiệp.

Sự cả tin mù quáng đã khiến anh T phải trả giá mất 280 triệu đồng khi chuyển tiền về cho “người yêu” làm thủ tục chuẩn bị kết hôn. Sau khi nhận được số tiền,  Được đã cắt đứt quan hệ và không liên lạc với T nữa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT đã xác định và bắt giữ Được về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản qua mạng”.

Lê Văn Tư (bên trái ảnh) cùng Cao Văn Hiếu tại phiên tòa xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook

“Vạch mặt” thủ đoạn

Với lượng người sử dụng khổng lồ, facebook đang là “mảnh đất màu mỡ” của tội phạm mạng. Do đó, chúng ta cần thận trọng mỗi khi click vào đường dẫn xuất hiện trên trang cá nhân. Đặc biệt, đối với nhiều người mới chơi mạng xã hội như facebook, zalo thường bị dính, nhẹ thì virus, nặng thì bị mất tiền.

Thời gian gần đây, mạng xã hội thường xuất hiện những link có hình ảnh các cô gái xinh đẹp ăn mặc gợi cảm, người nào tò mò kích vào xem sẽ bị dính bẫy ngay lập tức. Các đường link lạ cũng vậy, nếu kích vào sẽ bị chiếm tài khoản nhanh chóng mà nạn nhân không hề hay biết.

Đại úy Tạ Tuấn Dương, Phó Đội trưởng Đội 2 - chuyên gia công nghệ mạng máy tính, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết: Việc hàng loạt người sử dụng facebook trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm chuyên lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào điện thoại, hoặc mất tiền trong tài khoản ngân hàng do một số yếu tố chủ quan. Thứ nhất về mạng xã hội facebook, các đối tượng xâm nhập bằng cách lập trang cá nhân giả mạo tương tự, sau đó nghiên cứu cách thức nói chuyện và lừa đảo.

Để dụ dỗ người truy cập vào các trang này, ngoài đưa ra các cảnh báo như “đổi mật khẩu ngay lập tức” hoặc “sử dụng tên thật để tránh bị khóa facebook”… các đối tượng phạm tội còn đánh vào tâm lý tò mò của người sử dụng rồi phát tán đường dẫn xem các hình ảnh, video “nóng”. Lúc này, website sẽ báo lỗi truy cập và đề nghị nhập lại tài khoản facebook. Khi chờ người sử dụng làm theo hướng dẫn, tội phạm nhanh chóng chiếm quyền sử dụng, liên hệ với những người trong danh sách bạn bè để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với hệ thống chuyển tiền Internet Banking của các ngân hàng, các đối tượng cũng có thể lừa đảo chiếm đoạt bằng cách gửi lời mời thông qua thư điện tử sau đó thực hiện chuyển tiền sang tài khoản của chúng, hoặc chúng biết được lời đề nghị chuyển tiền sẽ diễn ra nên trộm cắp thông tin sau đó giữ nguyên tên và đổi số tài khoản.

Như vậy người chủ quan khi thấy tên tuổi địa chỉ đúng với nơi cần chuyển đến tài khoản được yêu cầu, gửi nhưng thực chất đã bị đối tượng lừa chuyển vào số tài khoản của chúng. Với những trường hợp xảy ra, thông thường là người chủ quan không hỏi lại phía nhận tiền hoặc bị bọn chúng xâm nhập vào tài khoản trộm cắp. 

Theo Trung tá Đặng Hồng Minh, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm mạng máy tính, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao,  các vụ việc đơn vị từng điều tra cho thấy, các đối tượng có thể chiếm đoạt tài khoản facebook khá dễ dàng. Hầu hết các đối tượng lợi dụng người sử dụng facebook thường có thói quen đặt mật khẩu là số điện thoại, ngày tháng năm sinh của cá nhân hoặc những người thân trong gia đình.

Trong khi đó, những thông tin cá nhân cần được bảo mật này lại được đăng công khai trên facebook của người sử dụng. Trước khi tiến hành hack nick của một ai đó, các đối tượng thường tìm hiểu những thông tin này, tìm ra mối quan hệ gia đình của họ thông qua ảnh, status, comment... đăng công khai trên các trang facebook cá nhân, từ đó nhặt ra các thông tin cần thiết phục vụ việc “dò” mật khẩu.

Tăng cường bảo mật thông tin

Ngoài thủ đoạn nêu trên, các đối tượng gửi các đường link có chứa mã độc tới người sử dụng; thiết kế một website giống hệt giao diện facebook để lừa người đăng nhập, lấy mật khẩu hoặc do máy tính, điện thoại bị nhiễm virus, do lỗi của người sử dụng khi đăng nhập vào máy tính, thiết bị khác nhau mà không thoát ra. Công an thành phố Hà Nội vừa làm rõ thủ phạm đánh cắp tài khoản theo cách thức lập trang web giả mạo sau đó link vào mạng xã hội facebook để đánh cắp mật khẩu. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Trung tá Đặng Hồng Minh cảnh báo: “Với tốc độ phát triển “nóng” của mạng xã hội facebook trong thời gian qua, người sử dụng facebook đang đối mặt với rất nhiều chiêu trò lừa đảo của tội phạm. Do đó, để phòng ngừa một ngày kia bạn có thể trở thành nạn nhân của kẻ xấu, không nên tiết lộ địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh và tên tuổi thật của bạn trên Internet cũng như các mạng xã hội. Không nên dùng những thông tin này làm mật khẩu.

Không bấm vào các đường link lạ, những website lạ không rõ nguồn gốc. Không trao đổi những thông tin quan trọng như mật khẩu email, thông tin tài khoản ngân hàng... qua chat. Với những trao đổi nghi ngờ lừa đảo như nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền... cần liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhờ để xác thực thông tin. Ngoài tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, người dùng máy tính và các thiết bị số nên cài đặt các chương trình diệt virus có bản quyền để phòng ngừa những nguy cơ từ mạng Internet”.