Cảnh giác với chiêu "vừa du lịch, vừa kiếm tiền"

ANTĐ - Thời gian gần đây, trên địa bàn một số huyện như Văn Chấn, Văn Yên và thành phố Yên Bái thường xuất hiện một số nhóm người trong đó có cả cán bộ, công chức Nhà nước tham gia tuyên truyền, vận động và môi giới chương trình "Vừa du lịch, vừa kiếm tiền" hay còn được gọi với các tên khác là "Kỳ nghỉ kim cương".

Theo những người này, người tham gia chỉ cần đóng một khoản tiền 375 USD (tương đương với số tiền 8,25 triệu đồng Việt Nam) và nếu giới thiệu thêm được 2 người khác cùng tham gia thì sẽ nhận được số tiền "hoa hồng" từ 5 - 13% giá trị từ số tiền của người sau nộp vào, đồng thời khoản tiền thưởng tăng dần từ 1.000 USD đến 15.000 USD, thậm chí là hàng trăm nghìn USD cùng các hiện vật khác như: biệt thự, xe hơi sang trọng, các chuyến đi du lịch ở Mỹ, Châu Âu" nếu như vận động được đủ số thành viên tham gia vào chương trình này.

Được biết chương trình "Vừa du lịch, vừa kiếm tiền" hay "Câu lạc bộ du khách" trên đã xuất hiện tại Hà Nội từ khoảng đầu năm 2010. Ban đầu được giới thiệu là của tập đoàn Diamond Holiday Travel (DHT) có trụ sở tại Mỹ, tổ chức kinh doanh thông qua mạng internet và đến cuối năm 2010 tại Hà Nội xuất hiện Công ty cổ phần thương mại Diamond Holiday Việt Nam đăng ký kinh doanh với trên 50 ngành nghề khác nhau (từ buôn bán đồ uống đến máy móc thiết bị và kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế..) đứng ra tổ chức kinh doanh theo mô hình của tập đoàn Diamond Holiday travel.

Khi tham gia chương trình này, người tham gia ký hợp đồng với Công ty cổ phần thương mại Diamond Holiday Việt Nam gói dịch vụ đặt phòng 4 ngày 3 đêm tại các khách sạn được cho là sang trọng nhất trong nước và cả trên thế giới, do những người môi giới đứng ra đại diện ký kết hợp đồng và người tham gia được tư vấn cách kiếm được tiền như ở trên, đồng thời người tham gia còn được những người môi giới tạo cho một tài khoản trên trang web với những cái tên "ảo" như: Hung45; Trang53; Thuy89… để người chơi theo dõi được vị trí xếp hạng của mình và "nhận tiền thưởng từ phía Công ty trao tặng".

Những người môi giới thường quảng cáo đây là sản phẩm kinh doanh của tập đoàn xuyên quốc gia, một loại hình kinh doanh bằng trí tuệ. Nào là chỉ việc ngồi nhà cũng hái ra tiền, nào là ông tướng này, bà cán bộ kia đã tham gia và được thưởng hàng nghìn đô "viễn cảnh" họ vẽ ra thật đẹp làm cho những người mới tham gia luôn bị kích thích bởi lợi nhuận trước mắt và họ lại trở thành người đi tuyên truyền, vận động, lôi kéo người khác cùng tham gia. Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề trên nhưng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch cũng chưa có văn bản nào qui định về các hoạt động của hình thức kinh doanh du lịch này.

Ở đây có những vấn đề mà chúng ta cần quan tâm đó là sự thật những người đi vận động, môi giới đều đã tham gia vào chương trình này và muốn có được thật nhiều lợi nhuận cho bản thân nên họ cố tìm mọi cách để khuyếch trương thanh thế của công ty cũng như những lợi ích giành cho người tham gia, không những thế họ còn tổ chức buổi trao thưởng rầm rộ mà chỉ có người trong cuộc mới biết người được nhận thưởng kia có phải là người của họ hay không, làm cho những người được vận động tham gia không phân biệt được cũng như không cưỡng lại được "vì siêu lợi nhuận" mà mình có thể kiếm được.

Mặt khác, qua tìm hiểu chúng tôi được biết những người đi vận động, môi giới trên lại không có được giấy uỷ quyền của Công ty cổ phần thương mại Diamond holiday Việt Nam để tham gia ký hợp đồng, hợp đồng không có dấu của công ty, nếu xét về cơ sở pháp lý thì hợp đồng giữa Công ty Diamond Holiday Việt Nam và người tham gia không có giá trị.

Ngoài ra nội dung trong bản hợp đồng ghi những điều khoản rất chung chung chủ yếu để ràng buộc người tham gia không được đòi lại tiền cùng một biên lai nhận tiền do chính những người môi giới ký nhận (những loại giấy tờ này có thể tự người môi giới làm ra). Với một số người đứng ra vận động, môi giới họ cũng không ngần ngại cho biết, nội dung hợp đồng là đi du lịch nhưng cũng chưa thấy ai đi bao giờ, họ cũng như bao người khác do đã trót đầu tư tiền vào nên họ cố tìm cách gỡ lấy vốn hoặc tranh thủ thời gian đầu khi mọi người còn đang bị cuốn theo phong trào này để kiếm chút lợi nhuận mặc dù họ vẫn biết hậu quả là dành cho những người tham gia sau khi không lôi kéo được ai tham gia phải gánh chịu.

Theo các chuyên gia về luật, thì phương thức kinh doanh trên không phải là đa cấp mà thực chất là hình thức huy động vốn, việc huy động vốn này không có lãi suất mà được thực hiện thông qua các hình thức khuyến mại, dụ dỗ lôi kéo nhiều người tham gia. Việc người tham gia được hưởng tiền hoa hồng thực chất là hưởng tiền của người tham gia sau đóng vào trả cho người tham gia trước.

Đối tượng mà những người môi giới lôi kéo thường là những người nhẹ dạ cả tin, người ít hiểu biết dễ ngộ nhận, nếu xảy ra trường hợp đối tượng môi giới ôm tiền bỏ trốn hoặc cả đường dây bị đổ bể thì hậu quả là người tham gia sẽ mất trắng số tiền đóng góp vào.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật cho mọi thành phần kinh tế có điều kiện cùng nhau phát triển. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng thì không ít doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân của họ mà lợi dụng kẽ hở của luật pháp, bỏ qua lợi ích cộng đồng mà làm ăn bất chính.

Thiết nghĩ với số tiền đầu tư không nhỏ so với mức thu nhập của người lao động thì mọi người phải tìm hiểu cho kỹ, đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh ảo liệu có lợi nhuận thật hay không? Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước đã xảy không ít các vụ việc liên quan đến các hoạt động huy động vốn của các tổ chức, cá nhân không có chức năng huy động vốn với hình thức trả lãi suất cao bị đổ bể gây thiệt hại lớn cho những người tham gia vì ham lợi trước mắt mà đầu tư tiền vào. Vì vậy, mỗi người hãy thận trọng, tỉnh táo và cảnh giác trước những lời dụ dỗ đường mật với những viễn cảnh được vẽ ra khi tham gia vào các chương trình như trên, để rồi khi mất tiền mới biết mình bị lừa thì đã quá muộn.