Cảnh giác với chiêu trò “giả danh thám tử,” "chat sex” để chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo và cưỡng đoạt tài sản thông qua hình thức “giả danh thám tử,” "chat sex” để bí mật thu thập thông tin nhạy cảm liên quan đến nạn nhân. Sau đó, các đối tượng này sẽ gọi điện, gửi thư điện tử hoặc nhắn tin để tống tiền…

Những tin nhắn nặc danh

Khoảng tháng 9 vừa qua, chị N.T.A trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bất ngờ nhận được tin nhắn nặc danh có nội dung gửi hình ảnh, video clip nhạy cảm chồng chị “thân mật” cùng một phụ nữ khác trên giường. Nhiều ngày liền, đối tượng gọi điện, nhắn tin xưng danh là "thám tử", đã thu thập được các thông tin nhạy cảm của chồng chị A.T.A và đe dọa, yêu cầu chị phải chuyển một khoản tiền, nếu không đáp ứng sẽ phát tán các thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc gửi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân.

Do chồng chị N.T.A đang công tác trong cơ quan nhà nước, vì muốn giữ thể diện cho chồng, cũng như gia đình và các con, chị N.T.A lặng lẽ tự mình xử lý “scandal”. Cứ nghĩ xử lý một lần là xong, ai ngờ càng ngày các đối tượng càng ra yêu cầu quá quắt. Mặc dù chị N.T.A đã chuyển 300 triệu đồng nhưng các đối tượng yêu cầu chuyển thêm tiền với số lượng ngày càng tăng. Như bị khủng bố điện thoại trong nhiều ngày, chị N.T.A “cực chẳng đã” mới nói lại với chồng và gia đình thì mới vỡ lẽ đó là chuyện không đúng sự thật. Chồng chị N.T.A không hề có mối quan hệ ngoài luồng nào. Tất cả chỉ là trò sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh của nạn nhân để tạo ra các hình ảnh, video clip nhạy cảm.

Những tin nhắn nặc danh đe doạ nạn nhân

Những tin nhắn nặc danh đe doạ nạn nhân

Thực tế thời gian qua đã có không ít các vụ giả danh thám tử tư để gửi tin nhắn tống tiền, gây hoang mang và tổn thất danh dự cho nhiều người. Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của kẻ lừa đảo thường gửi tin nhắn đe dọa với nội dung nhạy cảm như: “Chúng tôi có bằng chứng về hành vi bất chính của bạn. Nếu không chuyển tiền, chúng tôi sẽ công khai thông tin này.” để nhắm vào sự lo sợ hoặc sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Sau đó chúng yêu cầu chuyển tiền gấp: Tin nhắn đe dọa thường đi kèm với yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức, sử dụng tài khoản cá nhân hoặc các phương thức thanh toán ẩn danh. Mạo danh tổ chức uy tín: Chúng giả danh các công ty thám tử, cơ quan pháp luật hoặc tổ chức điều tra để tạo lòng tin và tăng áp lực với nạn nhân.

Nhận diện thủ đoạn

Phương thức liên lạc của các đối tượng thường là sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Viber... nhắn tin cho nạn nhân để làm quen. Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, đối tượng gọi video để bí mật ghi lại các hình ảnh của nạn nhân, sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh của nạn nhân để tạo ra các hình ảnh, video clip nhạy cảm.

Tiếp đó, đối tượng gọi điện, gửi email, nhắn tin xưng danh là "thám tử", đã thu thập được các thông tin nhạy cảm của nạn nhân, đe dọa, yêu cầu nạn nhân phải chuyển một khoản tiền, nếu không đáp ứng sẽ phát tán các thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội hoặc gửi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân.

Vì tâm lý sợ hãi, nhiều người đã chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, sau khi được đáp ứng theo yêu cầu lần đầu, đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa và nhiều lần yêu cầu chuyển thêm tiền với số lượng ngày càng tăng cho đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính.

Hình ảnh cắt ghép nhằm tống tiền nạn nhân.
Hình ảnh cắt ghép nhằm tống tiền nạn nhân.

Dấu hiệu nhận biết lừa đảo thường là: Tin nhắn đe dọa thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, gây áp lực tâm lý; Không cung cấp bằng chứng cụ thể, rõ ràng; Yêu cầu chuyển tiền qua các phương thức thanh toán không minh bạch; Sử dụng số điện thoại hoặc tài khoản không chính thức.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi kết bạn, làm quen và liên lạc với các tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, các địa chỉ email lạ. Khi gặp tình huống như trên, người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn, tuyệt đối không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng; đồng thời chụp, ghi lại thông tin của đối tượng, gồm: các đoạn tin nhắn, hình ảnh, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng,... nhanh chóng trình báo, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ngoài ra, để phòng tránh lừa đảo, người dân cũng không nên phản hồi tin nhắn. Việc phản hồi chỉ khiến kẻ lừa đảo biết rằng nạn nhân đang bị tác động, từ đó tiếp tục quấy rối hoặc gia tăng áp lực. Bên cạnh đó, cần nâng cao bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin nhạy cảm qua mạng xã hội hoặc các nền tảng không đáng tin cậy; Cập nhật mật khẩu tài khoản thường xuyên và sử dụng các biện pháp bảo mật mạnh.