Cảnh giác với các giao dịch bằng "sổ đỏ" giả

ANTĐ - Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thường lợi dụng lòng tin của người khác để thực hiện hành vi phạm tội. Một trong những phương thức hoạt động phổ biến hiện nay của dạng tội  phạm này là dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà hay được gọi là “sổ đỏ” được làm giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

 “Sổ đỏ” giả được các đối tượng sử dụng để lừa đảo

Chuyên dùng “sổ đỏ” giả để chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với Thượng úy Nguyễn Đức Thiện, cán bộ Đội CSKT - CAH Đông Anh, phóng viên ANTĐ được biết, mới đây, lực lượng CSKT - CAH Đông Anh khám phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Hợp (SN 1961, trú tại xóm Đông, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) gây ra.

Nguyễn Thị Hợp đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang dữ liệu thông tin do UBND quận Hoàng Mai cấp, đứng tên chủ sở hữu Nguyễn Thị Hợp đối với thửa đất số 19, tờ bản đồ số 16, tại ngõ 259  Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, diện tích 300m2, thế chấp cho ông  Nguyễn Văn Ly  ở xã Nam Hồng (Đông Anh) để vay 200 triệu đồng. Sau khi cầm “sổ đỏ” của Hợp, ông Ly sinh nghi đã xác minh và phát hiện thông tin trên giấy tờ đó đều không có thật. 

Khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Hợp khai nhận thêm, cách đây vài năm thị đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều người có nhu cầu mua gỗ keo. Qua quen biết, Hợp “khoe” với các ông Nguyễn Văn Vị và Phùng Khắc Minh, đều ở quận Hà Đông, Hà Nội, rằng mình đang có một số lượng lớn cây gỗ keo trồng tại thửa đất của gia đình muốn bán.

Để tạo được lòng tin của các “đối tác”, Hợp dẫn ông Minh và ông Vị đến một trang trại nuôi cá, có vườn cây gỗ keo của một người quen ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh và nói đó là trang trại của mình. Thấy Hợp cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giả), các ông Minh và Vị đã làm hợp đồng thỏa thuận mua số gỗ keo với giá 900 nghìn đồng/m2 và ứng trước hàng chục triệu đồng đặt cọc. Lấy được tiền, Hợp tắt điện thoại di động, ngừng liên lạc với các “đối tác”.

Thủ đoạn biến ảo khôn lường

Theo Thượng tá Lê Đức Thọ, Đội trưởng Đội CSKT - CAH Đông Anh, vừa qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng “sốt đất ảo”. Giá đất được nâng lên cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tình trạng “tín dụng đen” diễn ra phổ biến trong một bộ phận không nhỏ người dân thiếu hiểu biết về pháp luật.

Cùng với đó, các tổ chức công chứng tư nhân xuất hiện nhiều, nhưng chưa có hệ thống phần mềm kết nối chung, thủ tục công chứng còn nhiều kẽ hở nên diễn ra tình trạng 1 thửa đất được bán cho nhiều người, nhiều lần. Cũng từ thực tế này, tội phạm đã làm “sổ đỏ” giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu mua bán đất và nhà ở cùng những loại hàng hóa khác.

Không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, tại một số khu vực ngoại thành khác của thành phố Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo biến ảo khôn lường. Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, có vụ tội phạm vẫn giữ “sổ đỏ” và hứa làm thủ tục sang tên cho người mua, sau đó tiếp tục bán cho người khác hoặc phổ biến hơn là làm giả “sổ đỏ” bằng công nghệ in laze, sau đó bán hay cầm cố cho nhiều người để chiếm đoạt tiền tỷ.

Một thủ đoạn khác cũng được Thượng tá Lê Đức Thọ nêu rõ: Thấy một số người dân có nhu cầu vay vốn để làm ăn, kinh doanh, các đối tượng “cò đất” hoặc làm “tín dụng đen” đã tiếp cận họ đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn tại các văn phòng công chứng.

Sau đó, các đối tượng này dùng quyền sử dụng đất thế chấp vay tiền tại các ngân hàng để sử dụng vào việc cá nhân. Khi các khoản nợ không thanh toán được, biến thành những khoản nợ khó đòi và bị ngân hàng khởi kiện, các đối tượng vay vốn đẩy trách nhiệm cho chủ sử dụng quyền sử dụng đất dẫn đến một số người mất nhà, mất đất khi chưa nhận được tiền hoặc mới chỉ nhận được một số ít tiền mà các đối tượng hứa hẹn.

Từ tình hình thực tế nêu trên, cơ quan công an cảnh báo mọi người dân có nhu cầu giao dịch, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất ở cảnh giác cao với những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng “sổ đỏ” giả. Những giao dịch này cần được thẩm định kỹ càng các loại giấy tờ, nguồn gốc đất, nhà ở xem có hợp pháp không, tránh rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo.

* (Tên những người bị hại được thay đổi)