Cảnh giác viêm não, đề phòng say nắng

ANTĐ -Từ đầu mùa hè đến nay, chỉ tính riêng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 20 ca chẩn đoán viêm não, viêm màng não. Bên cạnh đó, nhiều loại bệnh nguy hiểm khác như sốt virus, say nắng, cảm lạnh… cũng đe dọa sức khỏe người già, trẻ em trong mùa hè nắng nóng.
Cảnh giác viêm não, đề phòng say nắng ảnh 1

Người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng mạnh do thời tiết nắng nóng

Viêm não, viêm màng não “vào mùa”

Tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này còn 6 bệnh nhân đang nằm điều trị, theo dõi bệnh viêm màng não, viêm não do virus. Đây là bệnh phổ biến và thường tăng mạnh ở trẻ em trong mùa hè. Đáng chú ý, đa số trẻ viêm não, viêm màng não vào Bệnh viện Bạch Mai ở mùa hè năm nay không có biểu hiện rõ rệt, thường nhập viện với các triệu chứng thông thường như sốt, nôn trớ, đau đầu… rất dễ nhầm với các bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông Hải - Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, trẻ bị viêm não nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao nhưng trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 3-5 ngày khởi phát bệnh, con số này giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Thậm chí với thể viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, chỉ sau 1-2 ngày bị bệnh, đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong cao hoặc để lại những di chứng nặng nề về thần kinh kéo dài đến suốt cuộc đời. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đông  Hải, khi trẻ kêu đau đầu và nôn, việc dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn… thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Gia tăng bệnh nhân say nắng, say nóng

Tương tự, tại khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao hơn so với bình thường từ 10-20%. Trong đó, phổ biến nhất là trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trời nắng có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng đột biến một số nhóm bệnh tiêu hoá, hô hấp, tim mạch, thần kinh. 

Đặc biệt, số bệnh nhân bị cảm lạnh đang có xu hướng gia tăng trong những ngày đầu hè. Trẻ có thể bị cảm lạnh vì cha mẹ cho trẻ ngủ ở phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp, sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt. Nhiều cha mẹ lại sai lầm cho trẻ tắm mát ngay khi vừa chạy nhảy, vận động, khi tắm cho trẻ ngâm mình dưới nước thời gian lâu rất dễ bị cảm lạnh…

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, nhiệt độ trong phòng điều hòa không nên để cách biệt quá 5 độ C đối với nhiệt độ ngoài trời, chỉ nên cho trẻ trong phòng điều hòa 3 – 4 giờ là vừa. Thường xuyên cho trẻ uống nước để giảm nóng và bù lượng nước bị mất do tiết mồ hôi. 

Say nắng, say nóng cũng có xu hướng gia tăng mạnh vào những đợt nắng nóng kéo dài. Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối tượng dễ bị say nóng, say nắng là người già, trẻ em, người lao động, luyện tập với cường độ cao, ở ngoài trời nắng lâu.  

Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân say nắng, say nóng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim, phù phổi, sặc, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ… Bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo, khi gặp trường hợp bệnh nhân say nắng, say nóng, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Để tránh không bị say nóng, say nắng, người dân không nên làm việc quá lâu, quá sức ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức, uống đầy đủ nước.